Sáng ngày 9/11, với sự hỗ trợ của Chương trình Australia hỗ trợ cải cách kinh tế Việt Nam (Aus4Reform), Cục Quản lý đăng ký kinh doanh (Bộ KH&ĐT) tổ chức hội thảo công bố báo cáo “Nghiên cứu, đánh giá khả năng ứng phó của doanh nghiệp Việt Nam với khủng hoảng COVID-19, đề xuất các giải pháp nâng cao khả năng thích ứng của doanh nghiệp trước khủng hoảng”.
Tăng trưởng quy mô doanh thu của DN (Nguồn: Cục Quản lý đăng ký kinh doanh, Bộ KH&ĐT) |
Phạm vi của nghiên cứu được thực hiện khảo sát với hơn 630 doanh nghiệp. Trong đó, báo cáo đánh giá khả năng ứng phó dịch COVID-19 thông qua báo cáo tài chính doanh nghiệp trong 3 năm 2019 – 2021. Theo đó, một phát hiện đáng chú ý từ việc phân tích tăng trưởng quy mô tài sản là tất cả nhóm doanh nghiệp đều có sự suy giảm trong giai đoạn dịch COVID-19 bùng phát.
Tuy nhiên, khi dịch bệnh được kiểm soát trong năm 2021, các doanh nghiệp có quy mô vốn lớn có sự tăng trưởng mạnh về tài sản. Các doanh nghiệp ở quy mô vốn trên 10 tỷ có xu hướng giảm quy mô tài sản trong giai đoạn 2019 – 2020 (giảm từ 0,17 xuống 0,15), tuy nhiên trong năm 2021, nhóm doanh nghiệp này đã có sự tăng trưởng mạnh mẽ về quy mô tài sản (tăng lên 0,42).
"Có thể những tác động của dịch bệnh đã tạo ra một “cú hích” lớn cho các doanh nghiệp này, không những các doanh nghiệp vượt qua được khó khăn (con số giảm không đáng kể ở năm 2020) mà còn thích nghi với dịch ở đợt dịch sau và tăng trưởng mạnh về tài sản", báo cáo đánh giá.
Trái ngược với nhóm doanh nghiệp có quy mô vốn lớn thì nhóm các doanh nghiệp có quy mô nhỏ vẫn có sự suy giảm về tài sản. Nhóm doanh nghiệp quy mô vốn từ 3-10 tỷ có tốc độ tăng trưởng tài sản liên tục giảm trong suốt giai đoạn 2019 – 2021 (giảm từ 0,11 đến 0,06). Do tiềm lực tài chính còn hạn chế, cũng như phần tiền mặt dự trữ thấp nên khả năng hồi phục của các doanh nghiệp này diễn ra còn chậm. Đây cũng có thể là minh chứng cho động thái của doanh nghiệp trong giai đoạn này là bảo đảm lượng tài sản lớn để chuẩn bị cho các cơ hội đầu tư, kinh doanh hậu khủng hoảng.
Khác với tăng trưởng quy mô tài sản, tăng trưởng quy mô doanh thu của các doanh nghiệp có chiều hướng giảm, chỉ có duy nhất nhóm doanh nghiệp ở quy mô vốn trên 10 tỷ có xu hướng phục hồi trở lại vào năm 2021. Nhóm doanh nghiệp quy mô vốn 0-3 tỷ có sự sụt giảm nhiều nhất về tăng trưởng doanh thu khi chỉ số này giảm từ 0,42 ở năm 2019 xuống 0,29 ở năm 2020 và sang đến năm 2021 giảm nhẹ xuống còn 0,26.
Có thể thấy mặc dù tài sản tăng trưởng mạnh ở năm 2021 nhưng doanh thu của doanh nghiệp vẫn giảm do những tác động của cuộc khủng hoảng gây ra. Các doanh nghiệp có quy mô vốn càng nhỏ thì doanh thu tạo ra càng ít, thể hiện ở tốc độ tăng trưởng quy mô doanh thu có xu hướng giảm.
Việc suy giảm doanh thu của nhóm doanh nghiệp có quy mô vốn nhỏ là do thu nhập của người dân giảm mạnh dẫn đến việc thắt chặt chi tiêu và nhu cầu tiêu dùng của các hộ gia đình.
Đánh giá về khả năng sinh lời, các chỉ số âm cho thấy các doanh nghiệp đang hoạt động không hiệu quả, lợi nhuận âm khiến doanh nghiệp không có nguồn vốn tích luỹ bổ sung cho hoạt động kinh doanh. Đặc biệt, các doanh nghiệp có quy mô vốn nhỏ có xu hướng suy giảm về hệ số sinh lời khi gặp phải những khó khăn trong thời kỳ dịch bệnh, trong khi đó, các doanh nghiệp có quy mô vốn lớn hơn cùng với năng lực tài chính tốt hơn sẽ phản ứng tốt hơn khi gặp phải những khó khăn.
Báo cáo trên cũng nêu ra một số phát hiện như đối mặt với khủng hoảng, gần như các doanh nghiệp phải chuyển đổi mô hình kinh doanh, thay đổi phương thức kinh doanh, thay đổi từ mô hình kinh doanh truyền thống sang mô hình kinh doanh phi truyền thống. Đồng nghĩa với điều đó thì việc ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong doanh nghiệp là một yếu tố sống còn để đảm bảo doanh nghiệp có thể duy trì hoạt động và phát triển.
Doanh nghiệp Việt Nam chủ yếu quy mô nhỏ và vừa, với đặc điểm là tính linh hoạt cao nhưng sức chống chịu kém. Khi gặp khủng hoảng, thường chưa có chiến lược ứng phó và quản trị rủi ro. Do đó, để hỗ trợ doanh nghiệp, cần có chiến lược ứng phó với khủng hoảng ở tầm quốc gia, định hướng cho doanh nghiệp những việc cần làm ngay và hành động ưu tiên nhằm tiết kiệm nguồn lực và tăng tính hiệu quả cho hoạt động của doanh nghiệp, trong đó có những giải pháp hỗ trợ nhằm tăng khả năng chống chịu của doanh nghiệp trong bối cảnh khủng hoảng.
Mỗi doanh nghiệp khác nhau có tiêu chí đánh giá doanh nghiệp thành công vượt qua khủng hoảng COVID-19 khác nhau. Tuy nhiên, có thể thấy có một số tiêu chí chung để đánh giá một doanh nghiệp thành công vượt qua khủng hoảng là: doanh nghiệp không bị ngừng hoạt động, lợi nhuận tăng, tìm kiếm được khách hàng mới, năng suất lao động tăng, áp dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong quá trình sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp…
Thy Lê