Nhắc lại lời nhắn của Bộ trưởng tại Hội nghị "Ngành chăn nuôi tìm giải pháp ứng phó với giá thức ăn chăn nuôi tăng cao" diễn ra sáng ngày 18/3, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến nói rằng, nhiều doanh nghiệp đã nhập nguyên liệu trước trong một thời gian khá dài, vì vậy trước bối cảnh giá nguyên liệu đang tăng mạnh như hiện nay, các doanh nghiệp có thể không vội tăng giá theo, mà cố gắng giữ giá để chia sẻ khó khăn với người nông dân.
Mỗi con lợn bán ra, nông dân lỗ 500 nghìn đồng
Theo báo cáo từ Cục Chăn nuôi (Bộ NN&PTNT), năm 2019, cả nước có 265 cơ sở sản xuất thức ăn công nghiệp, đến năm 2021 là 269 cơ sở (doanh nghiệp FDI 90 cơ sở, trong nước 179 cơ sở), tập trung nhiều nhất ở vùng Đồng bằng Sông Hồng, Đông Nam Bộ và Đồng bằng Sông Cửu Long. Tổng công suất thiết kế của 269 cơ sở là 43,3 triệu tấn, trong đó doanh nghiệp FDI chiếm khoảng 51%, trong nước chiếm khoảng 49%.
Doanh nghiệp lớn không nên tăng giá thức ăn chăn nuôi để chia sẻ lợi nhuận với nông dân. |
Cục Chăn nuôi cho biết, giá thức ăn chăn nuôi bắt đầu tăng và tăng liên tục từ tháng 10/2020 đến nay do ảnh hưởng của dịch COVID-19, đặc biệt tăng mạnh trong đầu năm 2022 do hạn chế nguồn cung (căng thẳng Nga - Ukraine).
So với cùng kỳ (tháng 3/2021), giá nguyên liệu thức ăn chăn nuôi tháng 3/2022 đều tăng, trong đó tăng mạnh nhất là nhóm ngũ cốc: Ngô hạt 10.200 đồng/kg (tăng 29,3%), khô dầu đậu tương 16.500 đồng/kg (tăng 33,4%), DDGS (bã ngô) tăng 10.300 đồng/kg (tăng 23,1%)... Dự kiến giá nguyên liệu vẫn duy trì và tăng đến hết năm 2022 (giá chào hàng nguyên liệu nhập khẩu về Việt Nam giao hàng sau tháng 8: ngô khoảng 11.000 đồng/kg, khô dầu đậu tương trên 17.000 đồng/kg).
Do giá nguyên liệu thức ăn chăn nuôi tăng mạnh nên giá thức ăn chăn nuôi công nghiệp (thức ăn thành phẩm) trong nước cũng tăng theo. So với cùng kỳ năm 2021, giá thức ăn cho lợn thịt xuất chuồng 12.500 đồng/kg (tăng 18,4%), thức ăn cho gà thịt lông màu 13.400 đồng/kg (tăng 24,5%), thức ăn cho gà thịt lông trắng 14.100 đồng/kg (tăng 29,8%).
Trên thực tế, mới đây một loạt doanh nghiệp sản xuất thức ăn chăn nuôi đã tiến hành điều chỉnh tăng giá bán sản phẩm lần thứ 10 kể từ năm 2020 đến nay, với mức tăng trung bình từ 200 - 300 đồng/kg.
Đơn cử, công ty TNHH De Heus tăng giá bán 300 đồng/kg với các sản phẩm thức ăn đậm đặc dành cho lợn và gà; tăng 240 đồng/kg thức ăn chăn nuôi dành cho lợn và gia cầm đẻ. De Heus cũng tăng giá bán thêm 200 đồng/kg cho các loại thức ăn còn lại.
Công ty CP MMS Feed (hệ thống nhà máy Proconco và Anco) tăng giá thức ăn chăn nuôi lợn và gà thịt thêm 300 đồng/kg, thức ăn gia cầm và lợn con tăng 240 đồng/kg, các loại khác tăng 200 đồng/kg.
Công ty cổ phần Chăn nuôi C.P Việt Nam thông báo điều chỉnh tăng giá tất cả các sản phẩm thức ăn chăn nuôi 300 đồng/kg và áp dụng từ ngày 21/02/2022.
Một doanh nghiệp lớn trong ngành thức ăn chăn nuôi khác là Công ty TNHH CJ Vina Agri cũng điều chỉnh giá thức ăn chăn nuôi cho tất cả các dòng sản phẩm với mức tăng 300 đồng/kg.
Công ty Cổ phần GREEENFEED Việt Nam cũng thông báo tăng giá thức ăn gia súc, gia cầm và bò như sau: Sản phẩm cám heo con, 240 đồng/kg; sản phẩm cám đậm đặc các loại: 300 đồng/kg; sản phẩm cám hỗn hợp heo: 200 đồng/kg; sản phẩm cám gia cầm thịt và gia cầm đẻ: 200 đồng/kg; sản phẩm cám bò là 200 đồng/kg.
Theo bà Đinh Thị Phương Khanh, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Long An, với giá thức ăn chăn nuôi tăng mạnh như hiện nay, mỗi một con lợn hơi xuất chuồng với trọng lượng 100kg, người nông dân lỗ từ 300 - 500 nghìn đồng. Chăn nuôi nông hộ đang ngày càng giảm dần. Không chỉ chăn nuôi nông hộ gặp khó khăn, Cục Chăn nuôi đánh giá với giá nguyên liệu thức ăn chăn nuôi tăng cao từ năm 2021 đến nay, giá thức ăn chăn nuôi thành phẩm đã tăng 18-22% đã làm cho lợi nhuận người chăn nuôi lợn giảm mạnh, thậm chí có những hộ và trang trại chăn nuôi bị thua lỗ.
Tiến tới chủ động nguồn nguyên liệu
Lý giải nguyên nhân tăng giá, ông Nguyễn Quang Hiếu, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn De Heus, cho biết hiện nay giá nguyên liệu để sản xuất thức ăn chăn nuôi liên tục tăng mạnh do xung đột giữa Nga - Ukraine, chi phí logistics tăng cao.
Theo đó, để giảm giá thức ăn chăn nuôi, ông Hiếu kiến nghị Bộ NN&PTNT xây dựng đề án phối hợp với các địa phương xây dựng vùng nguyên liệu trọng tâm sản xuất thức ăn chăn nuôi. Doanh nghiệp xây dựng nhà máy để thiết lập mối liên kết với bà con nông dân, giảm dần phụ thuộc vào nhập khẩu nước ngoài.
Đại diện Công ty CP phát triển Chăn nuôi Hoà Phát kiến nghị vừa qua thuế nhập khẩu một số mặt hàng nguyên liệu sản xuất thức ăn chăn nuôi có giảm nhưng thời điểm hiện nay giá nguyên liệu vẫn đang tiếp tục tăng cao, khó đoán định. Vì vậy, Hòa Phát kiến nghị Bộ NN&PTNT tiếp tục đề xuất với Chính phủ giảm thêm thuế nhập khẩu, hỗ trợ cho doanh nghiệp.
Trước những khó khăn trên, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến yêu cầu cần tính tới việc chủ động nguồn nguyên liệu trong nước. Hiện nay, việc nghiên cứu đánh giá giá trị dinh dưỡng nguyên liệu sản xuất thức ăn cho các đối tượng cây trồng ở các vùng miền đã gần hoàn thiện nhưng cần đẩy nhanh hơn, đặc biệt trong lúc khó khăn về nhập khẩu. Nghiên cứu các vi lượng thay thế, sử dụng protein trong nước từ côn trùng như ruồi lính đen... để sản xuất thức ăn chăn nuôi.
Bên cạnh đó, sắp tới sẽ tổ chức các hợp tác xã ở khu vực Tây Nguyên sản xuất các nguyên liệu sản xuất thức ăn chăn nuôi, liên kết trực tiếp với các doanh nghiệp, nhằm giảm áp lực nhập khẩu nguyên liệu.
Trong bối cảnh khó khăn như hiện nay, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến bày tỏ mong muốn các doanh nghiệp lớn không tăng giá thức ăn chăn nuôi. "Doanh nghiệp thường nhập nguyên liệu trước một thời gian dài, vì vậy hiện nay giá có thể tăng mạnh nhưng cố gắng không nên vội tăng giá đầu ra bây giờ, nhằm chia sẻ với nông dân", ông Tiến chia sẻ.
Lê Thúy