Không mới nhưng những quy định vô lý như muối dùng trong chế biến thực phẩm phải được tăng cường i ốt, bột mỳ dùng trong chế biến thực phẩm phải được tăng cường sắt và kẽm… tiếp tục được doanh nghiệp (DN) nêu ra tại Hội thảo "Cải cách thủ tục hành chính trong hoạt động quản lý, kiểm tra đối với hàng hóa xuất nhập khẩu" ngày 13/6.
Phí chồng phí
Những điều khoản vô lý trên đang khiến DN phải chịu thêm nhiều loại phí, ông Vũ Quốc Tuấn, đại diện Tiểu ban thực phẩm dinh dưỡng, Hiệp hội DN châu Âu tại Việt Nam (EuroCham), cho biết ở quy trình kiểm dịch, cơ quan quản lý chỉ cấp một hóa đơn về kiểm dịch nhưng cứ lấy 5 mẫu thử nghiệm.
"Giá thử nghiệm mỗi mẫu là 971.000 đồng, 5 mẫu là 4.585.000 đồng. Doanh nghiệp đang phải bỏ ra số tiền và chi phí không hề nhỏ cho các thủ tục này", ông Tuấn cho biết.
Về tổng chi phí trung bình cho kiểm tra chuyên ngành đối với một lô hàng, thông tin từ một DN thường xuyên làm thủ tục nhập khẩu tại địa bàn Tp.HCM cho biết chưa tính giá trị mẫu trường hợp không được trả lại, phí kiểm dịch động vật là 5-7 triệu đồng/lô, kiểm dịch thực vật là 100.000 đồng/lô. Kiểm tra chất lượng một tủ lạnh chi ngoài 0,5 – 1 triệu đồng; kiểm dịch thú y lấy mẫu 5kg dạng sữa.
Đặc biệt, kiểm tra hiệu suất năng lượng đang là loại thủ tục phức tạp, tốn nhiều thời gian và chi phí nhất hiện nay. Theo phản ánh của một DN nhập khẩu (NK), tổng chi phí kiểm tra, chứng nhận hợp quy tại Trung tâm Kỹ thuật 3 (Quatest 3) là trên 149 triệu đồng cho 4 model tủ ướp lạnh, thời gian khoảng 2-3 tuần.
Kết quả kiểm tra sản phẩm chỉ được áp dụng cho hàng của DN NK đã thực hiện kiểm tra, không được áp dụng cho sản phẩm do DN khác NK. DN khác nếu muốn được áp dụng kết quả này phải có văn bản ủy quyền của DN đã thực hiện kiểm tra.
Hay quy định kiểm tra hàm lượng formanldehyde trên các sản phẩm dệt may đã được bãi bỏ bởi Thông tư 23/2016/TT-BCT ngày 12/10/2016, nhưng việc kiểm tra formaldehyde và amin thơm tiếp tục được thực hiện bằng thủ tục công bố hợp quy trước khi bán trên thị trường. Theo các DN, thủ tục này còn phức tạp, tốn kém thời gian và chi phí hơn cả việc kiểm tra trước đây.
Bên cạnh đó là những quy định bất hợp lý, ông Tuấn cho biết yêu cầu đáp ứng nhu cầu làm thực phẩm cho con người khi hàng hóa được nhập về Việt Nam, cứ 5 lô hàng kiểm tra một lô là không phù hợp vì nước NK đã có chứng nhận y tế.
"Một gói cà phê có mấy giọt sữa sấy khô, bóc ra kiểm xem có bệnh dịch trong đó không. Cái này rất quá đáng, tất cả hãng hàng không đến Việt Nam đều cho hành khách uống cà phê sữa, vậy có cần kiểm dịch không?", ông Tuấn nêu vấn đề.
Mới đây lại có quy định DN vi phạm chất lượng, đoàn thanh tra yêu cầu DN thu hồi hàng ngay lập tức và dừng sản xuất, như thế tương đương "án tử" cho DN. Ngay lập tức DN phải sa thải công nhân, cuối cùng là DN phá sản. Họ "chết" cũng không hiểu vì sao "chết"!
Yêu cầu dùng muối i ốt trong quá trình chế biến thực phẩm là vô lý |
Sợ những "điểm mờ" trong luật
Ông Tuấn dẫn chứng như DN sản xuất măng khô ở Tây Ninh, cơ quan kiểm tra cho biết hàm lượng axit tannic quá cao vượt ngưỡng cho phép, DN sợ quá đem măng tươi đi kiểm tra, kết quả axit tannic cao gấp 6 lần, điều đó có nghĩa trong tự nhiên đã có rồi.
"Bản thân tiêu chuẩn đề ra đã có vấn đề, chỉ kiểm tra một lần đã "ban" luôn "án tử" cho DN, chúng tôi thấy là rất không công bằng cho DN. Vì những quy định bất hợp lý này mà DN phải phá sản, ai sẽ chịu trách nhiệm? Cuối cùng DN vẫn là người chịu thiệt, có được đền bù đi chăng nữa, chắc lúc đó DN cũng "chết" rồi", ông Tuấn chia sẻ.
Ông Phạm Thanh Bình, chuyên gia dự án quản trị nhà nước tăng trưởng toàn diện (GIG), đánh giá có một số quy định hiện nay khiến việc thực hiện rất khó khăn, bớt việc này lại tăng việc khác. Ngay cả Nghị định 15 hướng dẫn Luật An toàn thực phẩm được mọi người đánh giá là tiến bộ nhưng đến nay vẫn khó thực hiện.
Hay gần đây, một số bộ cũng ban hành một số thông tư, quyết định sửa đổi nhiều thủ tục hành chính theo hướng đơn giản hơn, nhưng vẫn còn nhiều quy định không thống nhất với luật, không thống nhất giữa các bộ trong quy định chi tiết thực hiện cùng một luật hoặc thủ tục vẫn còn phức tạp.
"Việc công bố sản phẩm đối với sản phẩm chức năng, sản phẩm dinh dưỡng, sản phẩm cho em bé thời gian khoảng 3 tháng do Sở Y tế Tp.HCM yêu cầu bổ sung hồ sơ nhiều hơn một lần dẫn đến DN phải làm đi làm lại", ông Bình cho biết.
Tương tự, yêu cầu bổ sung vi chất mà cụ thể là quy định dùng muối i ốt trong quá trình chế biến thực phẩm tại Nghị định 9/2016 của Chính phủ đã và đang xa rời thực tế và không khoa học, bởi các sản phẩm trong quá trình sản xuất nếu ở nhiệt độ cao, muối i ốt sẽ bị bay hơi.
Không những thế, trên thế giới, các tập đoàn thực phẩm không hề có quy định phải dùng muối i ốt trong sản xuất, nên nhiều sản phẩm của các tập đoàn đa quốc gia khi sản xuất tại Việt Nam để xuất khẩu gặp nhiều khó khăn không đáng có từ quy định này.
Ông Bình kiến nghị Bộ KH&CN nghiên cứu sửa đổi căn bản các quy định hiện hành về thủ tục công bố hợp chuẩn, hợp quy theo hướng người sản xuất là người có trách nhiệm công bố, việc công bố áp dụng cho dòng sản phẩm, không yêu cầu công bố đối với từng mặt hàng, từng lô hàng, sửa đổi căn bản nguyên tắc quản lý rủi ro.
Bên cạnh đó, Bộ Y tế cần nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung Nghị định số 09 ngày 28/1/2016 về tăng cường vi chất dinh dưỡng vào thực phẩm theo hướng bãi bỏ quy định muối dùng trong chế biến thực phẩm phải được tăng cường i ốt, bãi bỏ quy định bột mỳ dùng trong chế biến thực phải được tăng cường sắt và kẽm.
Trước phản ánh của chuyên gia và cộng đồng DN, Ts. Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương, cho rằng cơ quan nhà nước chỉ làm những gì luật cho phép. Do đó khi gặp vướng mắc, DN và chuyên gia phải tìm kỹ ở các quy định, lấy đó làm cơ sở đấu tranh tới cùng.
Tuy nhiên, ông Cung lo nhất là trong luật còn có những "điểm mờ" để làm khó DN. Cơ quan nhà nước rất ít khi chuyển từ "điểm mờ" sang điểm sáng trong quản lý. Đây là điều DN rất khó đấu tranh.
"Xây dựng luật phải làm sao hạn chế tối đa "điểm mờ" cho DN tiên liệu trước để thực hiện, còn không sẽ xảy ra nhiều rủi ro. Rủi ro này không chỉ về chi phí mà còn rủi ro về pháp lý giữa "tội này, tội kia". Nhiều khi DN không chỉ sạt nghiệp mà người kinh doanh chịu cả án phạt tù, cái đó là cái DN sợ nhất", ông Cung nói.
Lê Thúy
Ông Trần Quang Trung - Chủ tịch Hiệp hội Sữa Việt Nam Có những kiến nghị mà chúng tôi đã đề cập rất nhiều lần như quy định sản phẩm sữa đóng hộp đều phải qua kiểm dịch động vật hay bổ sung muối i ốt vào tất cả các quy trình chế biến thực phẩm… nhưng đến nay vẫn chưa được xử lý. Đại diện cho Hiệp hội Sữa, tôi có ký văn bản gửi tới Bộ KH&CN, đến nay đã mấy tháng mà không thấy hồi âm. Ông Phạm Thanh Bình - Chuyên gia dự án GIG Hiện nay, có hiện tượng cùng một vấn đề, cùng bản chất sự việc nhưng hai văn bản quy định khác nhau, đơn cử cùng là nguyên liệu, vật tư NK để gia công, sản xuất như Nghị định 15/2018/NĐ-CP quy định miễn công bố sản phẩm, miễn kiểm tra nhà nước về an toàn thực phẩm cho cả trường hợp NK để sản xuất xuất khẩu và sản xuất tiêu thụ nội địa, ngược lại Nghị định 74/2018/NĐ-CP không miễn công bố hợp quy, chỉ miễn kiểm tra chất lượng cho trường hợp NK để gia công, sản xuất xuất khẩu. Ông Nguyễn Đình Cung - Viện trưởng CIEM DN nội cuối cùng chịu tác động nhiều nhất. Có nhiều cách để đưa i ốt vào chứ không phải quản lý quy trình đầu vào thế này, đầu ra thế kia. Quản lý thế tức là cơ quan nhà nước không hiểu thực tế, cứ nói tuân thủ đúng quy trình nhưng kết quả quá dở. |