Tại Diễn đàn đổi mới và phát triển doanh nghiệp ngày 18/6, Ts. Võ Trí Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược thương hiệu và Cạnh tranh, lo ngại mục tiêu đạt 1 triệu doanh nghiệp (DN) vào năm 2020 sẽ khó khả thi.
Năm 2018 và đầu 2019, tỷ lệ DN tồn tại rất thấp. Trong khi đó, Luật DN nhỏ và vừa (DNNVV) có hiệu lực nhưng nhiều ưu đãi chưa đi vào thực tiễn. "Trước khi ban hành Luật hồ hởi bao nhiêu, giờ chìm lắng bấy nhiêu", ông Thành nói.
Thiếu hỗ trợ, yếu liên kết
Theo ông Thành, 5 năm gần đây, nói tới DN Việt Nam, mọi người đều đề cập chúng ta có một lực lượng đông đảo DNNVV, hộ kinh doanh cá thể nhưng "sức khỏe" yếu, dẫn tới thị trường bị chi phối bởi DN có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI).
"Mỗi lần họp nói một ít nhưng chúng ta vẫn chưa tìm giải pháp đẩy mạnh phát triển DN tư nhân", ông Thành chia sẻ.
Theo Tổng cục Thống kê, 5 tháng đầu năm 2019, cả nước có gần 54.000 DN đăng ký thành lập mới với tổng vốn đăng ký 669,7 nghìn tỷ đồng, tăng 3,2% về số DN và tăng 29,6% về số vốn đăng ký so với cùng kỳ năm 2018.
Tuy nhiên, tổng số DN tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể và hoàn tất thủ tục giải thể cũng lên tới 44.825 DN. Như vậy, số DN "chết" gần bằng số DN thành lập mới.
Phân tích nguyên nhân, bà Lê Thị Xuân Huế, đại diện Cục Quản lý đăng ký kinh doanh (Bộ KH&ĐT), cho hay DN rơi vào tình cảnh ngừng hoạt động là do phần lớn DN là DNNVV và năng lực cạnh tranh thấp (năng suất lao động, chiến lược cạnh tranh, khả năng tiếp cận vốn, tín dụng chưa tốt); môi trường đầu tư kinh doanh vẫn còn yếu tố gây cản trở như điều kiện kinh doanh làm khó DN; tiếp cận nguồn lực đất đai, tín dụng chưa đạt yêu cầu; quy luật thị trường cạnh tranh và đào thải.
Riêng về Luật DNNVV, ông Nguyễn Hoa Cương, Phó Cục trưởng Cục Phát triển DN (Bộ KH&ĐT), thừa nhận nhiều hỗ trợ chưa đi vào thực tiễn là do các bộ ngành, địa phương chậm ban hành văn bản thi hành Luật. Sau gần hai năm Luật có hiệu lực, đến nay mới chỉ có 35 địa phương xây dựng đề án riêng hỗ trợ DNNVV.
Ông Cương cho rằng vấn đề của DN Việt Nam là nguồn lực. "Cách đây một tuần, tôi có tham dự một hội thảo và gặp một giám đốc DN nông nghiệp công nghệ cao. Vị này chia sẻ, dự kiến mở rộng quy mô phát triển trên vài nghìn héc ta, tuy nhiên vấn đề khiến DN đắn đo là không biết Nhà nước có chính sách hỗ trợ về đất đai, tài chính như thế nào".
Bên cạnh đó, liên kết DN hiện tại rất yếu. Hiện, chỉ có DN trong ngành hồ tiêu phát huy được lợi thế này, qua đó tác động tới thị trường giá cả hồ tiêu.
Đặc biệt, nói về khởi nghiệp sáng tạo, đại diện Bộ KH&ĐT cho rằng startup rõ ràng là câu chuyện không có sự cân đối giữa số lượng và chất lượng. Hiện nay, cả nước có khoảng 700.000 DN đang hoạt động nhưng chỉ có 3.000 DN đổi mới sáng tạo – con số rất khiêm tốn.
Phần lớn DN Việt Nam có quy mô nhỏ và vừa, năng lực cạnh tranh kém |
"Khai tử" yếu tố lạc hậu
Tại diễn đàn quỹ đầu tư khởi nghiệp sáng tạo do Bộ KH&ĐT tổ chức mới đây ở Tp.HCM, ông Cương cho biết, có một hiện tượng lần đầu tiên xảy ra là số quỹ đầu tư mạo hiểm tham gia đông hơn startup (186 so với hơn 100). Các quỹ này phải đến để tìm kiếm thông tin đầu tư, giống kiểu… "cọc đi tìm trâu" vậy.
Với kinh nghiệm là đơn vị hỗ trợ cho các startup, bà Nguyễn Thy Nga, Giám đốc V – Startup Việt Nam, cho rằng môi trường kinh doanh rất quan trọng với startup. DN đăng ký giải thể, ngừng kinh doanh thời gian qua nhiều nhưng giải thể được ít, trong khi các startup muốn chấm dứt hoạt động để thành lập mô hình kinh doanh mới. Cùng với đó, DN không tìm được đơn vị hỗ trợ khi gặp phải khó khăn, vướng mắc về chính sách.
Chưa kể, thời gian qua, các startup muốn nhận được luồng vốn từ quỹ đầu tư nước ngoài gặp rất nhiều khó khăn. Hầu hết DN đều phải đăng ký kinh doanh tại Singapore, Malaysia – những quốc gia có môi trường kinh doanh thuận lợi cho việc nhận đầu tư.
Theo PGs.Ts. Hồ Sỹ Hùng, Phó Chủ tịch Uỷ ban Quản lý vốn Nhà nước tại DN, phải thừa nhận rằng phát triển kinh tế tư nhân vẫn còn nhiều tiềm năng chưa được khai thác hết. Hầu hết các DN trong nước còn có quy mô nhỏ, năng lực sản xuất, cạnh tranh trong môi trường toàn cầu còn hạn chế.
Trong khi đó, nền kinh tế số đang tạo ra những thách thức không nhỏ với các DN Việt Nam. Đầu tiên là thách thức về thị trường do nhiều DN nước ngoài đã có mặt trong các ngành nghề của nền kinh tế Việt Nam.
Tầm ảnh hưởng, sức mạnh và việc ứng dụng công nghệ số hóa của DN đến từ nước ngoài như Facebook, Google, Microsoft… trong xã hội hiện nay rất lớn.
Nếu không thể nắm bắt được và hòa mình vào xu thế thời đại này, DN Việt Nam có khả năng thua cuộc trên chính sân nhà. Ngoài ra, khả năng thích ứng với nền kinh tế của DN Việt Nam còn hạn chế, nhất là DNNVV.
Khu vực DN này đang gặp khó khăn khi muốn mở rộng kinh doanh thông qua nền kinh tế số do những phiền toái, trở ngại về truy cập internet. Ngoài ra, các thiết bị công nghệ thông tin thường có chi phí rất đắt đỏ, dịch vụ kho vận yếu kém, chi phí bị đội lên cao so với nhiều nước trong khu vực cũng khiến nhiều DN "lực bất tòng tâm".
Trong điều kiện hiện nay, ông Hùng cho rằng trước những cơ hội và thách thức do nền kinh tế số mang lại, các DN Việt Nam cần chủ động đầu tư cải tiến công nghệ, nghiên cứu, học hỏi và ứng dụng những mô hình, phương thức kinh doanh mới, quyết "khai tử" những yếu tố lạc hậu, không còn phù hợp, ứng dụng cách thức mới để phát triển nhanh hơn.
Đồng thời, nghiên cứu một cách bài bản, nắm bắt nhu cầu của khách hàng để nâng cao chất lượng sản phẩm, dịch vụ. Khi đã có phương pháp chủ động tiếp cận nền kinh tế số, các DN với nhiều tiềm lực và lợi thế sẽ trở thành "đầu tàu" dẫn dắt công cuộc số hóa trong nền kinh tế quốc gia.
Lê Thúy
Ông Nguyễn Quân - Nguyên Bộ trưởng Bộ KH&CN Nhà nước cần có chính sách phù hợp khuyến khích các viện nghiên cứu, trường đại học thương mại hóa kết quả nghiên cứu và tạo nguồn DN khởi nghiệp cho thị trường, nhận đặt hàng từ các DN công nghiệp. Ưu tiên sử dụng quỹ đầu tư mạo hiểm có nguồn vốn ngân sách cho các DN spin-off (công ty khởi nghiệp do chính nhà khoa học đồng sở hữu với cơ quan nghiên cứu) vì các quỹ tư nhân thường không đầu tư cho giai đoạn gọi vốn của DN spin-off. Ông Nguyễn Hoa Cương - Phó Cục trưởng Cục Phát triển DN Chúng ta cứ nói DN Việt Nam phần lớn là DNNVV, nhưng các nước cũng vậy. Do đó, vấn đề cần đặt ra là "sức khỏe" DN Việt Nam. Năng lực của DN nằm ở khả năng cạnh tranh, quản lý tài chính, đổi mới công nghệ chứ không đánh giá bằng số lượng lao động. Đặc biệt, quan trọng nhất đối với DN là xu hướng đổi mới sáng tạo, hàm lượng khoa học áp dụng trong DN nhiều hơn, hiệu suất DN tăng lên, chứ không đơn thuần chỉ là số lượng DN đăng ký. PGs.Ts. Hồ Sỹ Hùng - Phó Chủ tịch Uỷ ban Quản lý vốn Nhà nước tại DN Phát triển DN là yếu tố sống còn đối với hiệu quả hoạt động, tạo công ăn việc làm và thịnh vượng trong mỗi nền kinh tế. Mức độ năng động của khu vực DN phụ thuộc vào chất lượng môi trường pháp quy. Nếu có các quy định thực sự có chất lượng, hiệu quả, giúp DN tiết kiệm chi phí và tham gia thị trường một cách công bằng, góp phần cắt giảm chi phí giao dịch, bảo vệ nhà đầu tư, thúc đẩy cạnh tranh công bằng thì những quy định đó chắc chắn sẽ góp phần đáng kể vào tiềm năng tăng trưởng kinh tế của Việt Nam. |