Thực tế, kinh doanh xăng dầu đang nóng bỏng dù giá thế giới “hạ nhiệt”. Mới đây, Sở Công Thương TP.HCM đã phải tổ chức cuộc họp nóng khi Công ty CP thương mại – dịch vụ Cần Giờ báo cáo gặp khó khăn về nguồn cung và có khả năng tạm ngưng hoạt động.
Nếu DN có lãi thì không để đứt nguồn cung
Đáng chú ý, Công ty CP Thương mại – Dịch vụ Cần Giờ có hệ thống bán lẻ xăng dầu gồm 17 cửa hàng trực thuộc và 36 đại lý. Nguyên nhân là do công ty không còn nguồn hàng để đáp ứng duy trì hệ thống bán lẻ của mình và có thể sẽ tạm ngưng hoạt động trong thời gian tới.
'Kêu cứu' tới Thủ tướng, các doanh nghiệp đã nêu hàng loạt kiến nghị giữ ổn định thị trường xăng dầu. |
Trong một diễn biến liên quan, 36 DN kinh doanh xăng dầu ở TP.HCM và các tỉnh Đồng bằng Sông Cửu Long đã gửi đơn kiến nghị tập thể tới Thủ tướng Chính phủ phản ánh về tình hình bất hợp lý trong kinh doanh xăng dầu thời gian qua và kiến nghị giải pháp.
Theo phản ánh của các DN, Nghị định 95 quy định: “Thương nhân đầu mối và thương nhân phân phối bán xăng dầu ra không cao hơn giá bán lẻ do cơ quan nhà nước công bố”. Nhưng Liên bộ quản lý đã để xảy ra tình trạng chiết khấu âm, tức các DN phân phối đã tìm cách lách quy định để bán ra cho DN bán lẻ với giá cao hơn giá bán lẻ quy định bằng cách thu thêm phí vận chuyển vào một hóa đơn khác theo bảng kê của các hóa đơn xăng dầu đã xuất với chiết khấu bằng không. Nghĩa là khi cộng phí vận chuyển thì DN bán lẻ mua vào với giá cao hơn giá bán lẻ quy định.
“Nếu DN có lãi thì không bao giờ đứt nguồn cung như vừa qua, DN sẽ tranh thủ nhập hàng về một cách dồi dào để gia tăng lợi nhuận. Vì vậy, nhất thiết phải thay đổi cách tính giá cơ sở cho phù hợp với tình hình mới”, đơn kiến nghị nêu.
Bên cạnh đó, các DN cũng chỉ ra bất cập là kinh doanh trong cơ chế thị trường nhưng nhà cung cấp thường xuyên thông báo hạn chế bán ra, sợ hết hàng. Trong khi nhiều giai đoạn DN bán lẻ càng bán ra càng lỗ vẫn phải "bấm bụng" bán nhưng không ai bù lỗ. Điều này dẫn đến một số DN bị âm vốn, khó có thể trụ nổi nếu tiếp tục với việc giá mua vào bằng hoặc cao hơn giá bán ra mà DN không được ngưng bán.
“Rõ ràng cần đưa ra các giải pháp nhằm khắc phục hoàn toàn tình hình thua lỗ của các DN bán lẻ xăng dầu. Không để DN bán lẻ bị bắt buộc bán ra với giá bán thấp hơn giá mua vào”, các DN đã kiến nghị Chính phủ hàng loạt giải pháp như cần có sự chỉ đạo thống nhất, can thiệp kịp thời, đưa ra các giải pháp hợp tình, hợp lý đảm bảo hài hòa lợi ích giữa các bên tham gia thị trường.
Sớm điều chỉnh cách tính giá xăng dầu
Đồng thời, các DN cũng kiến nghị hàng loạt giải pháp nhằm khắc phục hoàn toàn tình hình thua lỗ của các DN bán lẻ xăng dầu. Cơ quan điều hành nên xem xét loại bỏ Quỹ bình ổn xăng dầu "vì hoạt động không khách quan" và DN đề xuất đưa công cụ điều tiết bằng thuế sẽ minh bạch hơn, người dân và DN theo dõi dễ dàng hơn.
Thêm vào đó, nhiều DN cho rằng cần thay đổi công thức tính giá cơ sở hiện nay do chưa phù hợp, chưa tính đủ chi phí dẫn đến DN càng bán ra càng thua lỗ. DN kiến nghị khi xăng dầu chưa thể theo cơ chế thị trường hoàn toàn và chưa áp dụng theo công thức mới, trước mắt nên quy định áp dụng mức chiết khấu cố định theo định mức đối với doanh nghiệp bán lẻ theo tỉ lệ trên mỗi lít xăng dầu.
Cụ thể, nhiều DN cho rằng, giải pháp hiện nay là cần tháo gỡ khó khăn về chi phí kinh doanh định mức, lợi nhuận định mức của DN xăng dầu, có thể cân nhắc việc quy định khoản chiết khấu cố định 1.500 đồng/lít hoặc quy định thương nhân đưa ra mức giá bán buôn đến tay đại lý bán lẻ không được quá 95% giá bán lẻ.
Theo TS Vũ Đình Ánh, chuyên gia kinh tế, vấn đề này cần được cân nhắc vì cách tính chi phí kinh doanh định mức đã quá cũ. Tuy nhiên, vấn đề ông quan tâm là quy định đại lý chỉ được mua xăng dầu của một đầu mối.
Theo ông Ánh, để tiến tới một thị trường cạnh tranh, quy định cần được sửa đổi để không gây tổn thương cho ai và thị trường. Tất nhiên, vì xăng dầu là mặt hàng kinh doanh có điều kiện, liên quan đến an ninh năng lượng nên cần có cơ chế giám sát nguồn cung và chất lượng, để Nhà nước quản lý chặt chẽ, tránh “trăm dâu đổ đầu… đại lý” và cảnh “cha chung không ai khóc”.
Trong khi đó, trước những bất ổn về kinh doanh xăng dầu, Bộ Công Thương liên tục khẳng định về cơ bản lượng sản xuất trên theo kế hoạch đã đưa ra để cân đối cung cầu từ đầu năm 2022 và đã được phân giao thực hiện cho các thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu trong nước để bảo đảm nguồn cung cho thị trường. Hiện 02 nhà máy lọc dầu trong nước đều đang vận hành ở công suất tối đa, Nhà máy lọc hóa dầu Bình Sơn dự kiến sẽ vận hành ở mức công suất 105% để cung ứng xăng dầu cho thị trường.
Tuy vậy, thừa nhận những bất cập về công thức tính giá xăng dầu, ông Trần Duy Đông, Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) cho biết, Liên Bộ Công Thương - Tài chính đã thống nhất, sớm nhất có thể điều chỉnh phụ phí, chi phí đưa xăng dầu từ 2 nhà máy lọc dầu trong nước về đến cảng để phản ánh vào giá cơ sở trong kỳ điều hành giá xăng dầu sớm nhất có thể, qua đó góp phần giải quyết khó khăn và tăng lợi nhuận của DN xăng dầu, từ đầu mối, thương nhân phân phối, bán lẻ. Từ đó cũng tác động đến chiết khấu, nâng chiết khấu các cửa hàng bán lẻ giúp tháo gỡ khó khăn cho các cửa hàng kinh doanh xăng dầu.
Nhật Linh