Trong bối cảnh đại dịch COVID-19, ngành gỗ tăng trưởng ở mức 2 con số tính về kim ngạch xuất khẩu. Chỉ tính riêng 3 tháng đầu 2021, kim ngạch xuất khẩu của ngành đã đạt tương đương với 20% trong tổng kim ngạch của cả năm 2020. Nếu duy trì được đà tăng trưởng như hiện nay, con số mục tiêu 14-14,5 tỷ USD về kim ngạch xuất khẩu mà Chính phủ đặt ra cho ngành trong năm 2021 là hoàn toàn có thể kỳ vọng.
Khó xác thực nguồn gốc gỗ nhập khẩu
Tuy nhiên, tại Hội thảo Kiểm soát tính hợp pháp của gỗ nhiệt đới nhập khẩu diễn ra chiều ngày 20/4, ông Đỗ Xuân Lập, Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam (VIFOREST), đặt ra rất nhiều hoài nghi về tương lai của ngành gỗ.
"Đâu là yếu tố có thể làm ảnh hưởng tới việc đạt được mục tiêu này trong 2021? Mở rộng về kim ngạch xuất khẩu của ngành có bền vững trong tương lai hay không? Câu trả lời là không nếu chúng ta không giải quyết được một số tồn tại căn bản của ngành. Một trong các tồn tại đó là việc kiểm soát rủi ro trong việc nhập khẩu gỗ nguyên liệu là các loài gỗ tự nhiên", ông Lập nói.
Nếu không kiểm soát được rủi ro trong việc nhập khẩu gỗ nguyên liệu, ngành gỗ sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng. |
Thống kê cho thấy bình quân mỗi năm Việt Nam nhập khẩu khoảng 2-2,5 triệu m3 gỗ quy tròn là gỗ nhiệt đới. Một con số rất lớn, tương đương 40-50% trong tổng lượng gỗ tròn và xẻ nhập khẩu. Theo tiêu chí phân loại gỗ nhập khẩu của Nghị định 102, đây là nguồn gỗ rủi ro cao, nguồn gỗ này được nhập khẩu vào Việt Nam chủ yếu được sử dụng phục vụ tiêu dùng nội địa.
Chủ tịch VIFOREST nhìn nhận, thói quen sử dụng gỗ tự nhiên, gỗ thịt, đặc biệt là các loài gỗ quý vẫn còn tồn tại tương đối phổ biến tại Việt Nam. Tuy nhiên, thói quen này đang gây ra những tổn hại về mặt môi trường và cho cả ngành gỗ. Chính phủ Mỹ đang thực hiện điều tra ngành gỗ của Việt Nam dựa trên cáo buộc Việt Nam nhập khẩu gỗ nhiệt đới bất hợp pháp sử dụng cho tiêu dùng nội địa, một phần được đưa vào xuất khẩu. Chính phủ Mỹ chưa đưa ra kết luận cuối cùng về điều tra này.
"Thị trường Mỹ hiện tại chiếm trên 60% tổng kim ngạch xuất khẩu của toàn ngành. Nếu Chính phủ Mỹ ra lệnh trừng phạt ngành gỗ của Việt Nam, toàn ngành sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Mục tiêu xuất khẩu mà Chính phủ đề ra chắc chắn không thể đạt được", ông Lập cảnh báo.
Còn theo ông Tô Xuân Phúc, chuyên gia của tổ chức Forest Trends, nguy cơ gỗ rủi ro nhập khẩu vào Việt Nam không tuân thủ được toàn bộ các yêu cầu của quốc gia khai thác và quốc gia xuất khẩu là rất lớn. Nghiên cứu mà Forest Trends và VIFOREST đang thực hiện về sử dụng gỗ châu Phi tại Việt Nam cho thấy chỉ tính riêng cho nguồn gỗ nhập khẩu từ châu Phi, năm 2020 Việt Nam có khoảng 240 doanh nghiệp trực tiếp tham gia nhập khẩu. Doanh nghiệp có quy mô nhỏ và rất nhỏ đóng vai trò chủ đạo về số lượng doanh nghiệp tham gia khâu nhập khẩu gỗ châu Phi vào Việt Nam.
Nghiên cứu này chỉ ra rằng hầu hết các giao dịch giữa người mua (công ty nhập khẩu tại Việt Nam) và người bán (công ty xuất khẩu tại châu Phi) là các giao dịch online, chủ yếu thông qua việc trao đổi hình ảnh của gỗ qua mạng xã hội như Zalo hay Facebook. Các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ, không có điều kiện và tài chính và con người hầu như không có các hoạt động kiểm tra thực địa về các hoạt động trong chuỗi cung xuất khẩu. Các loại giấy tờ trong bộ hồ sơ xuất khẩu cũng không được kiểm chứng về tính xác thực.
Ông Phúc cho biết giao dịch giữa nhà xuất khẩu và nhập khẩu chủ yếu được thực hiện thông qua lòng tin, với chất lượng gỗ và giá cả là điều mà doanh nghiệp nhập khẩu quan tâm hàng đầu chứ không phải là tính hợp pháp của gỗ. Hầu hết các doanh nghiệp cho rằng người xuất khẩu là người phải chịu trách nhiệm hoàn toàn về tính hợp pháp của gỗ, và bởi gỗ đã được các cơ quan chức năng cho phép xuất khẩu, do vậy tính hợp pháp của gỗ được đảm bảo.
Trong khi đó, có nhiều rủi ro trong chuỗi cung xuất khẩu. Rủi ro này xảy ra ở tất cả các khâu trong chuỗi cung, từ khâu quản lý rừng, khai thác, vận chuyển, chế biến và thương mại. Bộ hồ sơ nhập khẩu hiện tại mà các doanh nghiệp sử dụng bao gồm 5-6 loại giấy tờ chưa cho phép khẳng định gỗ nhập khẩu là hợp pháp.
Truy trách nhiệm để kiểm tra rủi ro
Theo chia sẻ của một số doanh nghiệp nhập khẩu gỗ từ châu Phi, trong một số trường hợp một số doanh nghiệp xuất khẩu tẩy xóa, làm giả giấy tờ như giấy chứng nhận kiểm dịch, nhằm đẩy nhanh tiến trình xuất khẩu. Các rủi ro này không chỉ đúng đối với nguồn gỗ nhập khẩu từ Cameroon mà có thể còn đúng với cả các nguồn gỗ nhập khẩu từ các nước nhiệt đới khác.
Là doanh nghiệp nhập khẩu gỗ từ châu Phi trong 5 năm qua, ông Vương Trọng Duy, đại diện Công ty XNK gỗ Long Hưng, cho hay do quy mô doanh nghiệp nhập khẩu gỗ nguyên liệu rất nhỏ nên không có điều kiện để sang kiểm tra nguồn hàng, tiềm lực hạn chế nên khó kiểm tra tính hợp pháp của giấy tờ. Thậm chí, ngay với doanh nghiệp lớn, để hiểu, tuân thủ hết quy định nước sở tại rất khó. Cũng như rất ít doanh nghiệp nhập khẩu gỗ được trực tiếp từ nhà khai thác mà đều phải qua khâu trung gian. "Việc yêu cầu nhà cung cấp đưa các giấy tờ pháp lý là rất khó khăn bởi đôi khi còn là bí mật kinh doanh của họ", ông Duy nói.
Trong khi đó, ông Đào Duy Tám, đại diện Tổng cục Hải quan, cho biết cơ quan này đang điều tra 8 doanh nghiệp sản xuất ván ép, gỗ dán xuất khẩu sang thị trường Mỹ. Bước đầu, đơn vị này xác định một số doanh nghiệp sử dụng chứng từ xuất xứ chưa đảm bảo, chưa đáp ứng được quy định về nguồn gốc xuất xứ của Việt Nam. Kết quả cụ thể đang tiếp tục được điều tra và sẽ được Tổng cục Hải quan công bố trong thời gian tới.
Trước thực trạng trên, ông Tô Xuân Phúc cho rằng giảm rủi ro trong khâu nhập khẩu gỗ nguyên liệu là gỗ tự nhiên cần thực hiện trên cả khía cạnh chính sách và các hoạt động thực tiễn trong khâu nhập khẩu và tiêu dùng nội địa. Về khía cạnh chính sách, siết chặt quản lý trong khâu nhập khẩu đối với nguồn gỗ rủi ro theo tinh thần của Nghị định 102, đảm bảo tính hợp pháp của gỗ nhập khẩu cần được tăng cường và thực hiện hiệu quả.
Trong ngắn hạn, Chính phủ cần yêu cầu các doanh nghiệp nhập khẩu thực hiện bổ sung thông tin trong hồ sơ nhập khẩu nhằm minh chứng cho tính hợp pháp của gỗ, từ đó thực hiện các biện pháp nhằm giảm thiểu rủi ro. Đây cần được xem là hoạt động bắt buộc đối với các doanh nghiệp nhập khẩu. Các doanh nghiệp cần đảm bảo, cam kết và chịu trách nhiệm về tính xác thực của các giấy tờ trong bộ hồ sơ nhập khẩu như hiện nay.
Đặc biệt, ông Phúc cho rằng Nhà nước nên đi tiên phong trong việc thay đổi thói quen sử dụng gỗ tự nhiên. Chính phủ cần ban hành chính sách mua sắm công về các sản phẩm gỗ. Chính sách cần phát triển theo hướng loại bỏ hoàn toàn gỗ tự nhiên nhập khẩu từ các nguồn rủi ro ra, ưu tiên sử dụng các loài gỗ rừng trồng trong nước trong tất cả các dự án sử dụng ngân sách và cả đối với các cơ quan nhà nước không sử dụng ngân sách.
"Ngành gỗ Việt Nam chỉ có thể phát triển bền vững chừng nào các rủi ro trong khâu nhập khẩu gỗ nguyên liệu, đặc biệt là đối với nguồn gỗ tự nhiên được giải quyết triệt để", ông Phúc kiến nghị.
Nhật Linh