Theo phản ánh của nhiều doanh nghiệp (DN) dệt may, da giày, công nghiệp điện tử..., công suất hoạt động đã đạt 100%, sản xuất ngày đêm để hoàn thành các đơn hàng cuối năm.
Phòng dịch tốn hàng trăm triệu đồng/tháng
Công ty Việt Thắng Jean (TP.HCM) đang đẩy mạnh hoạt động tối đa công suất trên 100% để hoàn thiện các lô hàng xuất khẩu. Trao đổi với VnBusiness, Chủ tịch HĐQT Phạm Văn Việt cho hay, hàng Noel thì DN đã kết thúc sản xuất từ 15/6, hiện đang sản xuất hàng phục vụ Tết dương lịch. Đồng thời, DN tiếp tục đàm phán với đối tác để nhận thêm đơn hàng cho mùa Xuân - Hè 2022.
![]() |
Doanh nghiệp gặp khó vì chi phí phòng chống dịch vẫn đang rất cao. |
Đơn hàng dồi dào, hoạt động tối đa công suất sẽ là điều kiện để DN phục hồi, song vấn đề hiện nay của Việt Thắng Jean gặp phải là chi phí sản xuất quá lớn, "ăn mòn" lợi nhuận.
Ông Việt chia sẻ, hiện nay, chi phí phòng chống dịch cho một phân xưởng 1.000 công nhân khoảng 230 triệu đồng/tháng. So với đợt dịch căng thẳng hồi tháng 8, tháng 9 thì chi phí này có giảm nhưng không đáng kể. Hiện nay, DN vẫn đang duy trì thực hiện mẫu test gộp COVID-19 thường xuyên cho công nhân, đồng thời triển khai khử khuẩn toàn bộ nhà máy theo định kỳ, hỗ trợ điều trị F0...
"Chúng tôi vẫn đang thực hiện "3 tại chỗ" cho công nhân ở vùng có nguy cơ cao, đồng thời thực hiện 4 xanh (nhân lực xanh, cung đường xanh, vùng sản xuất xanh và nơi ở xanh)", ông Việt cho hay.
Chi phí phòng dịch cộng thêm giá nguyên liệu, vận chuyển tăng khiến lợi nhuận của DN giảm mạnh. Chủ tịch Việt Thắng Jean cho hay, trước đây, DN lãi khoảng 10% trên giá bán một chiếc áo, nay chỉ còn 2%, nếu có rủi ro như xuất hiện F0, giao hàng chậm trễ thì xem như làm hòa vốn, thậm chí lỗ.
Tương tự, ông Nguyễn Văn Bé, Chủ tịch Hiệp hội các DN Khu công nghiệp TP HCM (HBA) cho hay, DN vừa sản xuất vừa tiến hành xét nghiệm thường xuyên để phát hiện F0 kịp thời. Để thuận tiện cho công tác phòng chống dịch và tránh ảnh hưởng tới hoạt động, DN đã phối hợp với bệnh viện để xây dựng các khu thu dung (tập trung và chữa trị cho bệnh nhân F0). Tuy nhiên, quá trình thực hiện còn gặp phải những bất cập do phí chênh lệch giữa bệnh viện công và tư khá lớn.
"Một chiếc xe cấp cứu nhưng giá khác nhau, nơi thì hơn 1 triệu đồng, nơi báo 2 - 3 triệu đồng/lần, chưa kể các dịch vụ điều trị cũng khác nhau. Đồng thời, việc ký kết với các bệnh viện trong xử lý F0 xuất hiện tại DN cũng gặp rất nhiều bất cập", ông Bé thông tin với VnBusiness.
Tăng vai trò chủ động của doanh nghiệp
Theo đánh giá của Cục Công nghiệp (Bộ Công Thương) và các hiệp hội ngành hàng, một số hướng dẫn về thích ứng với dịch COVID-19 trong bối cảnh mới tại Nghị quyết số 128/NQ-CP và các văn bản hướng dẫn thi hành vẫn còn chưa cụ thể, gây ra một số khó khăn cho các địa phương, DN khi áp dụng. Đặc biệt là quy trình xử lý khi có ca F0 tại các cơ sở sản xuất; quy trình cách ly, phòng dịch với các đối tượng chưa được tiêm vắc xin, các đối tượng F1, F2; chưa có các hướng dẫn thống nhất về việc theo dõi sức khỏe tại nhà.
Đáng chú ý, các quy định về phòng dịch vẫn đang làm phát sinh nhiều chi phí, dẫn đến tình trạng khó khăn về thanh khoản cho các DN, đặc biệt là trong bối cảnh DN rất cần nguồn tài chính ổn định để đáp ứng các đơn hàng mới khi phục hồi sản xuất những tháng cuối năm 2021.
Bên cạnh đó, các chính sách hỗ trợ của Nhà nước về tài chính (miễn, giảm, gia hạn khoản thuế, phí, lệ phí...), tín dụng, an sinh xã hội cho DN và người dân còn chậm trễ trong quá trình áp dụng và chưa phát huy hiệu quả rõ rệt trong việc hỗ trợ DN.
Vì vậy, DN kiến nghị các cơ quan có thẩm quyền cần sớm ban hành thêm các hướng dẫn chi tiết, cụ thể hơn về quy trình phòng dịch trong tình hình mới để các DN thống nhất và chủ động áp dụng. Tăng tính chủ động của DN trong công tác phòng dịch, trong đó có việc xem xét cho phép DN nhập khẩu bộ xét nghiệm và các vật tư, thiết bị khác để phục vụ cho công tác phòng, chống dịch COVID-19 trong nội bộ DN (không phục vụ mục đích thương mại), tự tiến hành xét nghiệm và chứng nhận kết quả xét nghiệm cho người lao động trong DN dưới sự giám sát của cơ quan y tế có thẩm quyền.
Bên cạnh giảm chi phí, thì cần tập trung các nguồn lực để hỗ trợ DN. Ông Mạc Quốc Anh, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội DN nhỏ và vừa TP. Hà Nội, kiến nghị Chính phủ cần triển khai đồng bộ nhiều giải pháp để hỗ trợ DN như: Tiêm vắc xin cho lực lượng lao động của các DN, ban hành danh sách các địa phương, ngành, lĩnh vực được ưu tiên bố trí nguồn vắc xin để chính quyền địa phương và DN, hợp tác xã, người dân chủ động kế hoạch duy trì hoạt động kinh tế - xã hội, sản xuất, kinh doanh. Áp dụng các biện pháp nhất quán, đồng bộ, thống nhất từ Trung ương đến địa phương để duy trì cả cung và cầu trên thị trường, duy trì sản xuất, cung ứng, lưu thông, vận chuyển hàng hóa, ổn định thị trường tiêu dùng trong nước.
"Chính phủ cần tập trung tháo gỡ khó khăn cho những ngành, lĩnh vực mang tính “dẫn dắt”, đối tượng, khu vực đóng góp đáng kể vào ngân sách nhà nước, tạo lượng lớn việc làm cho người lao động, có tác động lan tỏa và kịp thời đón đầu nhu cầu của thế giới đang dần mở cửa sau đại dịch thay vì dàn trải nguồn lực", ông Quốc Anh đề xuất.
Đặc biệt, cộng đồng DN cho rằng, trong bối cảnh dịch bệnh, các quy định mới khiến phát sinh chi phí tuân thủ cần được cân nhắc kỹ lưỡng, chẳng hạn như những quy định lắp đặt camera trên phương tiện vận tải hay quy định về phí bảo vệ môi trường được đưa ra thảo luận gần đây. Cắt giảm các chi phí tuân thủ thủ tục hành chính chính là một trong những cách làm thực tế nhất, hữu ích nhất và trong tầm tay của các cơ quan nhà nước.
Ông Nguyễn Thanh Long Bộ trưởng Bộ Y tế Đối với giá xét nghiệm của các đơn vị y tế công lập thực hiện theo quy định của Bộ Y tế là thực thanh thực chi; đối với các đơn vị y tế tư nhân, giá là do đơn vị tự chịu trách nhiệm nhưng phải niêm yết, phải công khai. Để chấn chỉnh tình trạng chênh lệch giá trong việc cung cấp các dịch vụ điều trị, phòng chống dịch COVID-19, Bộ Y tế sẽ tăng cường kiểm tra, giám sát đối với việc giá xét nghiệm của các đơn vị tư nhân. Bộ Y tế đã có văn bản gửi cho các địa phương đối với việc này. Tới đây, giá xét nghiệm sẽ từng bước được điều chỉnh theo hướng cố gắng giảm để bảo đảm phòng chống dịch hiệu quả.
Ông Đào Trọng Khoa Tổng Giám đốc T&M Forwarding Sản lượng dịch vụ của các DN logistics giảm đáng kể do tình hình kinh doanh của khách hàng gần như bị tê liệt, khách hàng giảm diện tích thuê, đề nghị giảm giá dịch vụ do không bán được hàng… Trong khi đó, chi phí cho công tác phòng chống dịch tăng. Đặc biệt, giá cước tàu tăng cùng hàng loạt các phụ phí từ hãng tàu trở thành gánh nặng tài chính lên chi phí logistics và áp lực nên DN dịch vụ logistics. DN đề nghị không áp dụng các chính sách làm tăng chi phí logistics nói chung, như chi phí vận tải, giá nhiên liệu, giá BOT, phí và các lệ phí khác, giảm mức thu phí hạ tầng cảng biển của TP. Hải Phòng và tới đây là TP. HCM.
Ông Hoàng Quang Phòng Phó Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam Các cơ quan nhà nước cần chủ động rà soát, sửa đổi bổ sung ngay những quy định pháp luật, chính sách về kinh doanh đang là rào cản, gây cản trở đến hoạt động đầu tư, sản xuất, kinh doanh của DN; đặc biệt là các quy định pháp luật còn chồng chéo, mâu thuẫn, chưa thống nhất, chưa phù hợp thực tiễn, chưa vì lợi ích chung của nền kinh tế… trong các Luật Đầu tư công, Luật Đầu tư, Luật DN, Luật Đất đai, Luật Hỗ trợ DN nhỏ và vừa, Luật Ngân sách Nhà nước, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư, Luật phá sản… để chủ động tránh nguy cơ chính sách lạc hậu trở thành điểm nghẽn cho hoạt động của DN trong điều kiện bình thường mới. Bên cạnh đó, cần triển khai nhanh việc xây dựng, hoàn thiện thể chế, hành lang pháp lý cho quản lý, phát triển kinh tế số, xã hội số, chính quyền số. |
Lê Thúy