Trên con đường Bình Phú (một trong những tuyến phố đẹp nhất hiện tại quận 6, Tp.HCM), trong vài tháng gần đây xuất hiện hai thương hiệu ăn uống khá nổi tiếng là Gori House, Kichi Kichi (thuộc sở hữu của tập đoàn Golden Gate).
Tái cấu trúc điểm bán
Quan sát sẽ thấy hai thương hiệu này sau khi chuyển đến đây đã thể hiện khả năng cạnh tranh rất lớn khi thu hút đông đảo lượng khách hàng lui tới mỗi ngày. Trong khi đó, cũng trên đường Bình Phú, thời gian qua lại có không ít cửa hàng ăn uống có tên tuổi kém cạnh hơn nhiều đã rơi vào cảnh đìu hiu dẫn đến đóng cửa, sang nhượng.
Các DN F&B cần hợp tác với các ứng dụng giao hàng để tiếp cận người mua hàng nhanh chóng hơn. |
Trước tác động của dịch Covid-19 vốn ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh mảng F&B, Golden Gate (GGG) được ghi nhận là đang tiếp tục chú trọng tái cấu trúc hệ thống nhằm tối đa hoá hiệu suất kinh doanh trong chuỗi nhà hàng ẩm thực của mình.
Chẳng hạn như, theo thông tin mới đây thì chuỗi nhà hàng Nhật Bản Daruma (cũng thuộc GGG) trong hơn 1 năm trở lại đây đã đóng 3/6 cơ sở tại Hà Nội.
Cũng không hơn gì, một loạt thương hiệu F&B nổi tiếng ở Hà Nội theo ghi nhận trong tháng 3/2021 này đã chịu cảnh đóng cửa bớt và sang nhượng. Điển hình là Tokyo Deli (đã đóng bớt 2/5 cửa hàng), còn Soya Garden đã dỡ bảng hiệu ở một số vị trí đắc địa.
Nhìn từ chuyện này, giới phân tích nhận định rằng trước nhiều thách thức lớn từ dịch Covid-19, áp lực cạnh tranh từ bán hàng trực tuyến và những thay đổi trong xu hướng tiêu dùng thì việc đóng bớt hay sang nhượng chuỗi cửa hàng là điều khó tránh khỏi.
Và để tự cứu mình thì năm nay các doanh nghiệp (DN) trong mảng F&B sẽ cần phải tiếp tục đẩy mạnh hơn việc tái cấu trúc điểm bán, tìm đến vị trí bán hàng tốt hơn.
Như trường hợp của GGG, với việc đưa nhà hàng Gori House, Kichi Kichi mới đi vào hoạt động ở đường Bình Phú với lượng khách đông đảo là một điển hình.
Thực ra, dịch bệnh và những biến động trên thị trường được cho vẫn là “phép thử” để các DN mảng F&B nỗ lực vượt qua. Chẳng hạn như sau dịch Covid-19 đợt 3 này, đặc điểm của thị trường F&B sẽ khốc liệt hơn bao giờ hết, có tính thanh lọc mạnh, số lượng điểm bán giảm, nhất là các chuỗi lớn sẽ triển khai quyết liệt các hoạt động để dành thị phần.
Câu hỏi đặt ra là các DN F&B sẽ cần phải làm gì để tái cấu trúc hoạt động bán hàng hiệu quả cho phù hợp với tình hình thực tế và tự cứu mình giữa sức ép cạnh tranh khắc nghiệt?
Thị trường thay đổi, đòi hỏi thích ứng
Trao đổi với Vnbusiness, anh Nguyễn Văn Thân, chủ một chuỗi cửa hàng bán sản phẩm gà sấy ở Tp.HCM, nhấn mạnh việc lựa chọn điểm bán hàng là cực kỳ quan trọng trong thời điểm này, nếu đã chọn sai vị trí rồi thì gần như không có đường gỡ.
Theo anh Thân, thách thức lớn hiện nay là người tiêu dùng ngày càng khó tính hơn, đòi hỏi sự tiện lợi hơn và xu hướng của họ ngày càng đa dạng trên các nền tảng kênh khác nhau cùng với sự cạnh tranh gay gắt của các DN cùng lĩnh vực.
Để tái cấu trúc, anh Thân cũng cho biết bản thân DN cần đáp ứng 3 tiêu chí quan trọng nhất khi lựa chọn một nhãn hiệu đồ ăn nhanh người tiêu dùng, đó là “đồ ăn ngon”, “vị trí cửa hàng thuận lợi” và “nhiều lựa chọn món ăn”.
Đơn cử, qua quan sát của các thương hiệu thức ăn nhanh hiện tại ở Tp.HCM sẽ thấy, KFC là chuỗi thức ăn nhanh được sử dụng nhiều nhất, có thể dùng bữa tại cửa hàng, mang đi (take away) hoặc đặt mua trực tuyến (online); tiếp sau thương hiệu này thì có thể đến Lotteria và Pizza Hut.
Trong đó, KFC gắn với hình ảnh đồ ăn ngon, trong khi nghĩ tới Lotteria hay Pizza Hut, người dùng nghĩ tới vị trí cửa hàng thuận tiện và phù hợp cho cả gia đình và giới trẻ.
Trong bối cảnh cạnh tranh quyết liệt như hiện nay, giới chuyên gia cho rằng ngoài việc tái cấu trúc điểm bán hàng thì các DN F&B cần phải có hướng tiếp cận khách hàng mới lạ và hiệu quả.
Hơn nữa, các DN trong ngành hàng này cũng cần chú ý đến xu hướng tiêu dùng đang có những thay đổi nhất định, nhất là xu hướng mua hàng đồ ăn, thức uống trực tuyến.
Một cuộc khảo sát hồi cuối năm ngoái của công ty nghiên cứu thị trường Q&Me đối với hơn 1.046 người từ độ tuổi 18 đến 45 tại Tp.HCM và Hà Nội về xu hướng sử dụng các ứng dụng giao hàng thức ăn/thức uống tại Việt Nam, đã cho thấy tỉ lệ người dùng có đặt hàng thức ăn/thức uống chiếm 51%.
Ứng dụng phổ biến trên thị trường gồm có Grab food, Now, Baemin & Gojek. Grad Food hoặc Now là hai ứng dụng phổ biến nhất.
Về lý do đặt thức ăn qua ứng dụng, theo Q&Me, giúp cho người tiêu dùng tiết kiệm thời gian đi lại, nhiều mặt hàng thức ăn để chọn lựa, và Covid-19 cũng là một trong những nguyên nhân chính làm tăng sử dụng giao hàng thức ăn online.
Đó cũng một kênh thông tin để các DN F&B tham khảo nhằm sẵn sàng cho một chiến lược kinh doanh mới vực dậy sau cuộc khủng hoảng. Nhất là cần điều chỉnh hoạt động mua bán tại kênh bán hàng trực tiếp trở nên thu hút hơn. Cùng với đó DN có những chiến lược bán hàng trực tuyến, hợp tác với các ứng dụng giao hàng để tiếp cận người mua hàng nhanh chóng hơn.
Thế Vinh