Trước tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, ngày 17/5 Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas) đã có văn bản kiến nghị tới Chính phủ, Bộ Y tế về việc hỗ trợ DN dệt may mua/tiêm Vacxin Covid-19.
Xem xét lại mô hình kinh doanh
Phía Vitas có lưu ý “một doanh nghiệp (DN) chỉ cần bị giãn cách, cách ly không làm việc từ 14-21 ngày thì coi như kế hoạch sản xuất một năm tan vỡ, hậu quả vô cùng to lớn, DN đứng trước nguy cơ đóng cửa, phá sản, người lao động mất việc không còn thu nhập”.
Các DN dệt may, thời trang Việt nên xem xét lại mô hình kinh doanh và cần được tháo gỡ các bất cập về thuế, thủ tục hải quan. |
Nhất là khi hiện nay, với các DN dệt may, thời trang đã ký kết đơn hàng, nhiều DN đã ký đến hết năm, nếu không sản xuất, giao hàng đúng hạn sẽ bị phạt, hủy đơn hàng, thiệt hại toàn ngành có thể lên tới hàng tỷ USD và ảnh hưởng nghiêm trọng đến uy tín của Việt Nam.
Theo đánh giá tại hội thảo do đại học RMIT tổ chức mới đây để bàn về phát triển DN may mặc, thời trang Việt trong năm 2021 thì đại dịch Covid-19 đã thách thức nhiều DN, đặc biệt là với những DN thấy thoải mái khi vận hành kinh doanh theo cách mà họ vẫn luôn làm trước đây.
Trên thực tế, với tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp và kéo dài như hiện nay đã đem đến những thách thức chưa từng có cho nhiều ngành, trong đó có thời trang và dệt may. Lĩnh vực này ở Việt Nam phụ thuộc nhiều vào chuỗi cung ứng tích hợp toàn cầu nên phải đối mặt với những gián đoạn khá lớn.
Và, một trong những thách thức lớn cần giải quyết trong chuỗi cung ứng thời trang tại Việt Nam là làm thế nào để có thể thu hút được đủ đơn hàng từ các thị trường nhập khẩu lớn như Mỹ và EU.
Tuy vậy, theo các chuyên gia của RMIT, thương hiệu thời trang Việt đang có cơ hội hết sức đặc biệt để phát triển kinh doanh trong quá trình phục hồi từ Covid-19.
Trong khi đại dịch khiến mọi người hết sức lo âu và gây xáo trộn hầu hết các tổ chức, các chuyên gia lại cho rằng đây là cơ hội để ngành thời trang Việt xem xét lại mô hình kinh doanh và xác định phương cách để tiếp cận nhiều khách hàng hơn.
TS. Yiu, Chủ nhiệm ngành Quản trị DN thời trang của RMIT, cho rằng nhiều công ty nhận ra ngày càng nhiều người thích dùng các nền tảng trực tuyến để mua sắm quần áo và cập nhật những xu hướng thời trang. Để luôn “ở trong cuộc chơi” và tăng doanh số bán hàng, các công ty phải điều chỉnh hoạt động nhằm đáp ứng những nhu cầu số mới này.
“Các DN khởi nghiệp thời trang có thể tiếp cận khách hàng trực tuyến tiềm năng mà không cần đầu tư lớn, còn khách hàng Việt đã quen với việc đặt hầu hết mọi thứ trực tuyến và được giao đến tận nhà. DN cũng có thể tận dụng lợi thế từ sự ra đời các công nghệ mới trong tạo mẫu kỹ thuật số, tạo hình ảnh và các hình thức sản xuất kỹ thuật số liên quan khác”, TS. Yiu chia sẻ.
Gỡ vướng chính sách thuế, hải quan
TS. Yiu nhấn mạnh: “Các thương hiệu trong nước cần đa dạng hóa sản phẩm và thị trường chứ không nên chỉ dựa vào một dòng sản phẩm để kinh doanh. Thương hiệu Việt nên hiểu khách hàng mục tiêu và thị trường ngách của mình, và thực hiện các chiến lược để giữ khách hàng trung thành. Đồng thời, nên hiểu biên lợi nhuận là bao nhiêu trước khi định giá bán lẻ hay áp dụng bất kỳ chương trình khuyến mãi hoặc giảm giá nào”.
Theo giới chuyên gia, để cạnh tranh trong bối cảnh hiện nay đòi các DN dệt may, thời trang Việt cần nâng cấp năng lực sản xuất cũng như cập nhật các xu hướng, nhu cầu mua sắm của khách hàng tiềm năng quốc tế. Nhất là cần phản ứng nhanh với thị trường, cập nhật xu hướng thường xuyên, nâng cao dịch vụ hậu cần.
Hơn thế nữa, bên cạnh một số giải pháp hỗ trợ vượt khó từ Chính phủ thì những bất cập trong khâu chính sách thuế, thủ tục hải quan có liên quan trực tiếp đến ngành dệt may, thời trang Việt cũng cần được sớm gỡ vướng.
Cụ thể là hôm 12/5 phía Vitas đã có công văn gửi Văn phòng Chính phủ, Bộ Tài chính, Bộ Công Thương, Tổng cục Hải quan về kiến nghị của các DN dệt may trên cả nước về các vướng mắc chính sách thuế và thủ tục hải quan khi thực hiện Nghị định 18/2021/NĐ-CP ngày 11/03/2021, thay thế cho Nghị định 134/2016/NĐ-CP ngày 01/09/2016.
Như băn khoăn về tính bất cập khi thực hiện Nghị định mới này chính là DN nội địa xuất khẩu (XK) tại chỗ sản phẩm cho DN sản xuất, XK phải nộp thuế XK cho sản phẩm xuất ra. Đồng thời, DN nhập khẩu sản phẩm tại chỗ cũng phải nộp thuế nhập khẩu cho sản phẩm nhập tại chỗ. Như vậy một đối tượng hàng hóa cả 2 DN đều phải nộp thuế.
Trong khi đó, thực tế hàng nhập khẩu tại chỗ sử dụng để sản xuất XK sau cùng cũng xuất ra nước ngoài, không tiêu thụ trong thị trường Việt Nam thì theo quy định tại Luật thuế xuất nhập khẩu phải được miễn thuế.
Theo Vitas, vấn đề nộp thuế ngay sau đó được hoàn lại khi chứng minh là thực sự XK gây khó khăn rất lớn cho DN, vì phải huy động một số tiền lớn để đóng thuế và mất rất nhiều thời gian để hoàn thành các thủ tục nộp và hoàn thuế sau đó.
Không những vậy, Vitas nhấn mạnh điều đó còn làm tăng thủ tục hành chính cho cả DN lẫn cơ quan quản lý để theo dõi, chuẩn bị hồ sơ quyết toán thuế, hoàn thuế. Mặt khác, bất cập này dẫn đến không khuyến khích hàng sản xuất XK, gây ra sự bất bình đẳng giữa hàng gia công XK và hàng sản xuất XK.
Thế Vinh