Tại hội nghị đối thoại giữa DN với Cục Thuế Tp.HCM diễn ra cuối tuần qua, đại diện công ty cổ phần BNF Việt Nam (trụ sở tại quận Thủ Đức) đặt vấn đề: công ty mua nguyên liệu là thiếc ở Việt Nam rồi gia công sâu thành các sản phẩm dây, thanh thiếc hàn không chì (thành phần thiếc chiếm 90% trở lên) qua nhiều công đoạn để bán.
Khi công ty xuất khẩu (XK) hoặc bán cho DN chế xuất các sản phẩm thiếc hàn không chì dạng thanh và dây các loại thì câu hỏi đặt ra là có thuộc đối tượng được áp dụng thuế suất thuế GTGT 0% hay không?
Luật chưa rõ ràng
Về vấn đề trên, Cục Thuế Tp.HCM trả lời rằng nếu sản phẩm thiếc hàn không chì dạng thanh và dây các loại là hàng hóa được chế biến từ tài nguyên, khoáng sản có tổng trị giá tài nguyên, khoáng sản có nguồn gốc trong nước cộng với chi phí năng lượng chiếm từ 51% giá thành sản xuất sản phẩm trở lên thì sản phẩm XK thuộc đối tượng không chịu thuế GTGT (không áp dụng mức thuế suất 0%).
Tuy nhiên, phía Cục Thuế Tp.HCM cho biết thêm, về vướng mắc của DN liên quan đến việc xác định sản phẩm nào khi XK thuộc đối tượng phải tính tỷ lệ trị giá tài nguyên, khoáng sản cộng chi phí năng lượng trên giá thành sản phẩm để áp dụng chính sách thuế GTGT cho phù hợp.
Bộ Tài chính đã có công văn vào tháng 7/2017 lấy ý kiến sửa đổi, bổ sung Nghị định số 12/2015/NĐ-CP và Nghị định số 100/2016/NĐ-CP. Trong đó có nội dung sửa đổi chính sách thuế GTGT đối với sản phẩm XK được chế biến từ tài nguyên, khoáng sản.
Thực tế, câu hỏi của công ty BNF Việt Nam cũng là thắc mắc chung của nhiều DN trong lĩnh vực chế biến và XK những ngành nghề liên quan đến tài nguyên, khoáng sản khi luật vẫn còn chưa rõ ràng.
Trong buổi đối thoại giữa DN phía Nam với Bộ Tài chính vào cuối tháng 11/2017, bà Nguyễn Thị Cúc, Chủ tịch Hội Tư vấn thuế, cũng từng lưu ý rằng nhiều DN khổ sở vì chuyện này khi không thể biết bao nhiêu tổng trị giá tài nguyên, khoáng sản cộng với chi phí năng lượng chiếm từ 51% giá thành sản xuất sản phẩm. Các sản phẩm tài nguyên XK từ 1/7/2016 đến nay là không được hoàn thuế vì không ai xác định tỷ lệ 51% giá trị như thế nào.
Đại diện công ty TNHH Logistics Shibusawa Việt Nam, công ty TNHH Hưởng Thanh Bình cùng một số DN khác cần Cục Thuế Tp.HCM giải thích rõ hơn những quy định về quản lý thuế đối với DN có giao dịch liên kết dựa trên Nghị định số 20/2017/NĐ-CP và Thông tư số 41/2017/TT-BTC. Việc thực hiện báo cáo các phụ lục trong hồ sơ xác định giá giao dịch, về hạch toán lãi vay của các bên liên kết, cá nhân vay nếu không thuộc vào trường hợp các bên liên kết thì có bị khống chế lãi suất không vượt quá 20%/năm và không vượt quá 150% lãi suất cơ bản của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.
![]() |
Các nhà đầu tư nước ngoài đang quan tâm đến những quy định mới về giao dịch liên kết, giá chuyển nhượng
Lúng túng vận dụng luật
Phía Cục Thuế Tp.HCM giải thích rằng người nộp thuế có giao dịch liên kết thuộc phạm vi điều chỉnh tại Nghị định số 20/2017/NĐ-CP có trách nhiệm kê khai thông tin về quan hệ liên kết, giao dịch liên kết và cung cấp Hồ sơ xác định giá giao dịch liên kết theo Nghị định số 20/2017/NĐ-CP.
Ngoại trừ các trường hợp được miễn kê khai xác định giá giao dịch liên kết tại mục III, mục IV Mẫu số 01 (quy định tại khoản 1 điều 11), miễn lập Hồ sơ xác định giá giao dịch liên kết (quy định tại khoản 2 điều 11).
Trường hợp như công ty TNHH Logistics Shibusawa Việt Nam, nếu DN thực hiện kinh doanh với chức năng đơn giản, không phát sinh doanh thu, chi phí từ hoạt động khai thác, sử dụng tài sản vô hình, có doanh thu dưới 200 tỷ đồng, kinh doanh lĩnh vực dịch vụ giao nhận hàng hóa (lĩnh vực không có quy định về áp dụng tỷ suất lợi nhuận thuần trước lãi vay và thuế thu nhập DN trên doanh thu) thì công ty có trách nhiệm kê khai thông tin về quan hệ liên kết, giao dịch liên kết và cung cấp Hồ sơ xác định giá giao dịch liên kết theo quy định.
Ông Nguyễn Thế Anh cho biết do Thông tư 41/2017/TT/BTC ngày 28/4/2017 được áp dụng từ ngày 1/5/2017 gây vướng mắc cho các DN có niên độ tài chính khác năm dương lịch 2017, nên việc áp dụng các quy định về thuế đối với DN có giao dịch liên kết đang gặp khó. Do chưa có văn bản hướng dẫn thực hiện, nên các DN còn gặp nhiều lúng túng.
Hiện, Cục Thuế Tp.HCM đã có báo cáo vướng mắc gửi Bộ Tài chính, tuy nhiên vẫn chưa được trả lời. Do vậy, tạm thời các DN kê khai trước thời điểm 1/5/2017 vẫn áp dụng theo Thông tư 66/2010/TT-BTC ngày 22/4/2010 của Bộ Tài chính, còn các DN kê khai từ ngày 1/5/2017 trở đi thì áp dụng theo quy định của Nghị định 20/2017/NĐ-CP.
Ông Nguyễn Nam Bình, Phó Cục trưởng Cục Thuế Tp.HCM, cho biết các nhà đầu tư nước ngoài và kể cả các DN trong nước đang bắt đầu quan tâm đến quy định về giao dịch liên kết. Giao dịch liên kết được quy định để DN giải trình đối với cơ quan thuế về hồ sơ, về giá chuyển nhượng.
Ở đây, các DN muốn quan tâm đến các quy định mới trong Thông tư 41 và Nghị định 20, nhất là các vấn đề về chi phí lãi vay, đối với các DN có giao dịch liên kết thì quan tâm đến việc lập hồ sơ, tỷ lệ được áp dụng chung với các loại hình dịch vụ.
Về cơ bản, theo ông Bình, những vấn đề thuộc phạm vi thẩm quyền của cơ quan thuế ở địa phương đã cố gắng giải quyết, tháo gỡ một cách nhanh nhất. Riêng những vấn đề ngoài thẩm quyền sẽ ghi nhận lại và kiến nghị với chính quyền Tp.HCM và Bộ Tài chính để tháo gỡ vướng mắc, khó khăn cho DN.
Thế Vinh