Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, 6 tháng đầu năm cả nước có 110,4 nghìn doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường, bình quân gần 18,4 nghìn doanh nghiệp/tháng. Con số này gần đuổi kịp tổng số doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động là 119,6 nghìn doanh nghiệp, trung bình 19,9 nghìn doanh nghiệp/tháng.
Cầu tiêu dùng yếu làm khó doanh nghiệp
Các doanh nghiệp đang gặp nhiều khó khăn ngay trên sân nhà. Kết quả khảo sát đối với trên 30.000 doanh nghiệp hoạt động trong các nhóm ngành chủ lực đóng góp tăng trưởng gồm chế biến, chế tạo; xây dựng và thương mại dịch vụ cho thấy, 53,8% doanh nghiệp đánh giá lực cầu trong nước yếu, đây là điểm nghẽn lớn nhất cho vấn đề tìm đầu ra của sản phẩm. 21,2% doanh nghiệp cho biết, vốn là khó khăn lớn nhất. Gần 20% doanh nghiệp cho rằng lãi suất tuy đã giảm nhưng vẫn ở mức cao, ảnh hưởng đến chi phí sản xuất. Ngoài ra, thiếu đơn hàng và lao động có tay nghề; chi phí nguyên liệu, dịch vụ đầu vào tăng cao cũng gây khó khăn cho hoạt động sản xuất kinh doanh.
"Nhu cầu thị trường trong nước thấp” là yếu tố ảnh hưởng nhiều nhất đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. |
Đơn cử, đối với ngành may mặc, ông Cao Hữu Hiếu, Tổng Giám đốc Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) cho biết, ngành còn gặp khó do năm 2022 - 2023, đơn giá dệt may xuống rất thấp, giảm 20 - 30%, thậm chí 50%. Do đó, hiện họ phải thương lượng lại với nhà mua để tăng giá lên trong bối cảnh các chi phí như lương cơ sở điều chỉnh từ 1/7. Chi phí logistics từ cuối năm ngoái liên tục tăng, xung đột biển đỏ khiến nhập bông bị trễ, bị kiểm tra hải quan cũng là những khó khăn của ngành.
Thậm chí, có những doanh nghiệp như Công ty May mặc Dony, dù nhận được nhiều đơn hàng nhưng thực chất là “ăn đong” vì đơn chủ yếu ở dạng ngắn hạn, không có ký kết hợp tác lâu dài. "Đơn hàng tăng cao dịp này là do đối tác nước ngoài gần cạn tồn kho nên bổ sung gấp. Sau đó bán chạy hay không họ không chắc, nên không dám đặt dài hạn", ông Phạm Quang Anh, Tổng giám đốc May mặc Dony cho biết.
Theo TS. Tô Hoài Nam, Phó Chủ tịch Thường trực kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam (VINASME) ảnh hưởng nhiều nhất đến hoạt động của doanh nghiệp là khả năng bán hàng suy yếu do nhu cầu giảm.Trong khi đó, tiếp cận vốn của doanh nghiệp cũng không hề dễ dàng. Các rào cản về thủ tục hành chính tuy đã được cải thiện đáng kể song vẫn còn những trở ngại, làm gia tăng chi phí hoạt động của doanh nghiệp.
Cần “liều thuốc” tẩm bổ
Việt Nam đặt mục tiêu tăng trưởng kinh tế năm 2024 từ 6 - 6,5%. Theo chuyên gia, tổng cầu tiêu dùng cuối cùng trong nước chiếm trên 70% GDP của nền kinh tế. Giải quyết bài toán kích cầu sẽ không chỉ là liều thuốc “tẩm bổ” cho doanh nghiệp mà còn góp phần thúc đẩy mục tiêu tăng trưởng GDP và kiểm soát lạm phát.
“Chính phủ cần thực hiện giải pháp kích cầu tiêu dùng thông qua chính sách thuế và an sinh xã hội”, ông Nguyễn Bích Lâm, nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê nhận định.
Vị chuyên gia cho rằng cần giảm thuế thu nhập cá nhân, giảm thuế VAT với thời hạn dài hơn, tỷ lệ cao hơn 2%. Bên cạnh đó, giảm giá dịch vụ hàng không, đường sắt để kích cầu du lịch trong nước và thu hút du lịch nước ngoài; tăng cường các đợt khuyến mại với mục tiêu Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam.
Cũng theo ông Lâm, chiến lược tăng trưởng dựa vào xuất khẩu có vai trò quan trọng trong bối cảnh toàn cầu hóa, định hình lại chuỗi cung ứng và căng thẳng thương mại gia tăng. Để phát huy tối đa lợi thế của nền kinh tế kết nối, cần hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật về xuất, nhập khẩu; thực hiện chính sách tài khóa và tiền tệ hỗ trợ doanh nghiệp gia tăng nguồn cung, tiết giảm chi phí nâng cao khả năng cạnh tranh của hàng hoá Việt.
Với bài toán thiếu lao động tay nghề, Chính phủ và các địa phương cần thực hiện chương trình đào tạo nghề và kỹ năng đáp ứng yêu cầu tuyển dụng của doanh nghiệp, bên cạnh đó thực thi các chính sách, giải pháp cải thiện và nâng cao đời sống người lao động. Doanh nghiệp cũng cần chủ động nâng mức lương, chế độ chăm sóc, đãi ngộ hấp dẫn hơn.
Để kích cầu tiêu dùng, theo ông Trần Quốc Hùng, nguyên giám đốc điều hành Viện Tài chính quốc tế (IIF) cần có biện pháp mạnh mẽ để thúc đẩy tăng nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công, qua đó kích cầu và xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất. Bên cạnh đó, cần cắt giảm các thuế trực thu và gián thu cũng như phí công cộng để tăng sức mua của hộ gia đình, tăng tổng cầu tiêu dùng trong nước.
“Với tỉ lệ bội chi ngân sách 2024 dự trù là 3,4% GDP và số dư nợ công khoảng 40% GDP, Việt Nam có dư địa để thực hiện các biện pháp kích cầu đối với hộ gia đình”, ông Hùng cho biết.
Sau cùng, vị chuyên gia cho rằng cần cần thận trọng trong việc giảm lãi suất. Trong tình hình hiện nay, mức cầu tín dụng của doanh nghiệp không tăng nhiều nhưng mức huy động tín dụng tăng chậm lại, chỉ có 1,5% từ cuối năm 2023 và gây sức ép giảm giá cho đồng tiền Việt Nam, góp phần gây lạm phát.
TS. Nguyễn Quốc Việt Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu kinh tế và chính sách, Đại học Kinh tế - ĐHQG Hà Nội Triển vọng tăng trưởng kinh tế còn nhiều ẩn số nên doanh nghiệp, người dân có tâm lý thắt chặt tiêu dùng, đầu tư. Điều này phản ánh qua chỉ số tăng trưởng tín dụng thấp nhưng lượng tiền gửi vào ngân hàng 6 tháng đầu năm rất cao. Khi cả người dân, doanh nghiệp đều phòng thủ thì vòng quay của hàng hóa, tiền tệ trên thị trường sẽ giảm xuống, doanh nghiệp rất khó bán được hàng. Bà Đinh Thị Thuý Phương Vụ trưởng Vụ thống kê Thương mại và Dịch vụ, Tổng Cục thống kê Cầu hàng hoá trên thế giới có xu hướng tăng, hoạt động sản xuất trong nước tích cực, chất lượng hàng hoá Việt Nam ngày càng được khẳng định. Trong nửa cuối năm, cần tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền lợi thế của hiệp định thương mại tự do tới các doanh nghiệp; đẩy mạnh xúc tiến thương mại hàng hoá trên thị trường, đặc biệt tận dụng tối đa các chương trình chuyển đổi số, kết nối thương mại điện tử; giảm bớt thời gian thông quan hàng hóa để tiết kiệm thời gian, chi phí cho doanh nghiệp. TS. Lê Duy Bình Giám đốc điều hành Economica Việt Nam Chúng ta chỉ có 5 nghìn doanh nghiệp thực sự được tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu. Đây là một tỷ lệ rất là thấp. Cần đổi mới cách tiếp cận để hỗ trợ doanh nghiệp tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng toàn cầu, qua đó có thể hỗ trợ cho cả nền kinh tế. Đổi mới thể chế, môi trường kinh doanh, quy định pháp luật cần có trọng tâm, trọng điểm hơn nữa. Các biện pháp hỗ trợ, miễn giảm kiểu bao cấp nên được thu lại để nền kinh tế dần về đúng quy luật vốn có. Các doanh nghiệp sẽ phải điều chỉnh tuân theo những kỷ luật, quy định của thị trường, của chuỗi cung ứng, từ đó có sức cạnh tranh lớn hơn. |
Đỗ Kiều