Được biết, nhóm doanh nghiệp bán lẻ này có trên 50% tổng số cửa hàng bán lẻ xăng dầu trên cả nước (gần 9.000 cửa hàng).
Các doanh nghiệp bán lẻ nêu ra nhiều bất cập khi thực hiện các quy định về kinh doanh xăng dầu. |
Theo các doanh nghiệp, qua thời gian thực hiện Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định 83/2014, Nghị định 95/2021 về kinh doanh xăng dầu có nhiều quy định về quản lý xăng dầu chưa phù hợp, đặc biệt là các quy định ở khâu bán lẻ dẫn đến doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu thua lỗ nặng nề trong thời gian dài, từ đó làm đứt gãy chuỗi cung ứng, thị trường bất ổn… gây ảnh hưởng đến tình trạng thiếu hụt xăng dầu.
Trong đó, về vấn đề chiết khấu, theo quy định, xăng dầu là mặt hàng thiết yếu nên dù lời hay lỗ, doanh nghiệp vẫn buộc phải bán hàng, nếu ngừng bán phải có lý do chính đáng, nếu không sẽ bị phạt. Và thực tế thời gian qua, dù phải chịu mức chiết khấu 0 đồng, nhà cung cấp tự kê phí vận chuyển lên quá cao so với phí vận chuyển thực tế nên các doanh nghiệp bán lẻ đang lỗ rất nặng nhưng các doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu vẫn phải duy trì kinh doanh.
Cùng với đó, doanh nghiệp bán lẻ chỉ được lấy hàng một nơi nên sau khi ký hợp đồng sẽ bị chèn ép chiết khấu, thương nhân phân phối cho chiết khấu bao nhiêu cũng phải nhận. Kể cả sau 1, 2 năm đổi nhà phân phối khác thì vẫn bị chèn ép chiết khấu. Bởi nhà phân phối biết rằng nếu doanh nghiệp bán lẻ không lấy hàng của họ thì cũng không thể lấy hàng của nhà phân phối khác, nên “doanh nghiệp bán lẻ ở trong thế kẹt, mọi sự cạnh tranh bị triệt tiêu”, các doanh nghiệp nêu.
Trong khi đó, Bộ Công Thương đang xây dựng dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định 83/2014, Nghị định 95/2021 về kinh doanh xăng dầu, nhưng theo các doanh nghiệp, những sửa đổi, bổ sung của dự thảo Nghị định này không thay đổi được gì với thực trạng của doanh nghiệp bán lẻ hiện nay...
Vì vậy, doanh nghiệp bán lẻ kiến nghị nên quy định chiết khấu vào công thức tính giá cơ sở như là một khoản chi phí lưu thông ở khâu bán lẻ một cách hợp lý để đảm bảo không có sự phân biệt đối xử giữa các doanh nghiệp.
Về mua hàng từ nhiều thương nhân nhập khẩu, phân phối, doanh nghiệp bán lẻ muốn lấy hàng nơi khác thì phải thanh lý hợp đồng, xử lý, bồi thường các bảng biểu và logo liên quan, phải đăng ký giấy đủ điều kiện kinh doanh với Sở Công thương… Nhưng do quy định doanh nghiệp bán lẻ chỉ được lấy hàng ở 1 nơi nên nếu có chuyển qua nhà cung cấp khác một thời gian thì cũng bị chèn ép như vậy.
Theo đó, các doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu cho rằng Nghị định 83 và Nghị định 95 quy định cho doanh nghiệp bán lẻ chỉ lấy hàng một nơi để quản lý chất lượng là không thuyết phục.
Vì vậy, các doanh nghiệp đề nghị được mua xăng dầu từ 3 thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu hoặc thương nhân phân phối xăng dầu theo hợp đồng mua bán xăng dầu, áp dụng đối với cả doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu...
L. Thúy