Theo thống kê của Liên minh HTX tỉnh Điện Biên, trong 6 tháng đầu năm 2023, trên địa bàn tỉnh có 19 HTX được thành lập mới, nâng tổng số lên 306 HTX và 411 tổ hợp tác với 9.727 thành viên, tổng vốn điều lệ gần 90 tỷ đồng.
Bước chuyển lớn trong tư duy sản xuất
“Các HTX nông, lâm, thuỷ sản đã đóng vai trò tích cực trong việc nâng cao hiệu quả sản xuất, tạo việc làm, thúc đẩy kinh tế hộ phát triển, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, làm đầu mối trong việc chuyển giao tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp”, đại diện Liên minh HTX tỉnh Điện Biên đánh giá.
Một trong những đóng góp lớn nhất của kinh tế hợp tác, “đầu tàu” là các HTX, là đã góp phần thay đổi tư duy sản xuất nông nghiệp của đồng bào các dân tộc. |
Hiện tại, trên địa bàn tỉnh Điện Biên có một số mô hình HTX kiểu mới gắn với chuỗi giá trị sản phẩm, hàng hóa chủ lực của tỉnh là gạo, dứa, rau củ quả, miến dong... Trong đó, điển hình như HTX Hồng Phước Nà Tấu (bản Phiêng Ban, xã Nà Tấu, TP Điện Biên Phủ) được Hội Nông dân Việt Nam công nhận là HTX tiêu biểu toàn quốc năm 2023; HTX Dịch vụ tổng hợp Thanh Yên; HTX Nông nghiệp công nghệ cao Phú Mỹ Xanh; HTX Nông nghiệp tổng hợp Noong Luống; HTX Dứa Mường Nhà; HTX cây ăn quả sạch ở huyện Mường Ảng...
Đáng chú ý, một số HTX đã phát triển ngành nghề du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng, dịch vụ nhà nghỉ, khách sạn, dịch vụ ăn uống để phục vụ du khách tham quan. Tiêu biểu như HTX Pha Đin (bản Háng Tầu, xã Tỏa Tình, huyện Tuần Giáo). Các HTX công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp đã mạnh dạn đầu tư đổi mới công nghệ, mua sắm thiết bị, mở rộng nhà xưởng, chú trọng nâng cao chất lượng, mẫu mã sản phẩm.
Có thể nói, một trong những đóng góp lớn nhất của kinh tế hợp tác, “đầu tàu” là các HTX, là đã góp phần thay đổi tư duy sản xuất nông nghiệp của đồng bào các dân tộc, chuyển từ sản xuất nhỏ lẻ, manh mún sang sản xuất hàng hóa tập trung, quy mô lớn và đáp ứng được các tiêu chuẩn, yêu cầu về chất lượng và số lượng ngày càng cao hơn của thị trường.
Điển hình như HTX Hồng Phước ở xã Nà Tấu, TP Điện Biên Phủ. Sau 20 năm xây dựng, HTX đã có bước phát triển mạnh mẽ. Ngày đầu thành lập, HTX chỉ có 7 thành viên, vốn điều lệ vỏn vẹn 200 triệu đồng, đến nay đã tăng lên 20 thành viên, vốn điều lệ 5 tỷ đồng.
Giám đốc Lò Văn Pâng kể, năm 2013 - 2014, ông mạnh dạn đầu tư hơn 1 tỷ đồng để xây dựng dây chuyền chế biến tinh bột dong riềng thành miến dong. Năm 2014, sau khi nhà xưởng, dây chuyền lắp đặt xong, ông và các thành viên thử sản xuất một lượng vừa phải miến dong để cung cấp cho thị trường. Không ngờ miến dong của HTX sản xuất được khách hàng ưa chuộng và đánh giá cao...
Để thương hiệu miến dong Hồng Phước ngày một vươn xa, ông Pâng đã gửi sản phẩm tham dự đánh giá phân hạng sản phẩm OCOP (Chương trình mỗi xã một sản phẩm). Và niềm vui đã đến với HTX khi sản phẩm miến dong được UBND tỉnh Điện Biên trao chứng nhận sản phẩm OCOP 3 sao ngay trong lần đầu tiên tham dự.
Khi sản phẩm miến dong có chỗ đứng trên thị trường, ông Pâng và các thành viên HTX Hồng Phước lại có bước đi táo bạo mà chưa có đợn vị tư nhân nào làm: Trồng cây "tỷ đô" mắc ca trên đỉnh đèo Tằng Quái.
Nhờ niềm tin và nỗ lực tìm tòi học hỏi, diện tích mắc ca của HTX phát triển tốt. Năm 2016 mới trồng thử nghiệm 5ha, sau khi thấy cây mắc ca phát triển tốt, ông Pâng và các thành viên HTX đã đầu tư mạnh.
Năm 2022, hơn 30ha mắc ca đã cho thu hoạch trên 10 tấn hạt thành phẩm. Với giá bán trung bình 250 nghìn đồng/kg đã đem lại cho HTX nguồn thu hơn 2,5 tỷ đồng. Hiện nay, sản phẩm mắc ca Hồng Phước đang được khách hàng ưa chuộng. Ông Pâng cho biết, sản phẩm sản xuất, đóng hộp ra đến đâu được các tiểu thương mua hết đến đó.
Không chỉ dừng lại ở việc trồng mắc ca, trồng, chế biến dong riềng và miến dong, với mục tiêu tăng thu nhập, ông Pâng cùng các thành viên HTX còn mở hướng sang chăn nuôi. Nhận thấy diện tích đất của HTX còn nhiều, nhất là diện tích đất dưới tán cây mắc ca để không rất phí, các thành viên bước đầu đã trồng thử nghiệm cỏ voi để phát triển chăn nuôi.
HTX đã đầu tư trên 500 triệu đồng để làm chuồng trại chăn nuôi dê sinh sản và dê thịt. Từ chỗ chỉ nuôi vài chục con sinh sản, nhưng nhận thấy dê phát triển nhanh và cho thu nhập cao hơn nhiều so với nuôi lợn, ông Pâng và các thành viên HTX quyết định đầu tư tăng đàn dê. Hiện nay, tổng đàn của HTX lúc nào cũng có hơn 300 con dê sinh sản và dê thịt.
Với cách nghĩ, cách làm mạnh dạn của "thuyền trưởng", đến nay, HTX Hồng Phước đã tạo công ăn việc làm cho 30 lao động thường xuyên với mức thu nhập trên 5 triệu đồng/người/tháng; các thành viên có mức thu nhập ổn định trên 100 triệu đồng/thành viên/năm.
“Điểm sáng” huyện biên giới Mường Nhé
Trên địa bàn tỉnh Điện Biên, huyện Mường Nhé được đánh giá là một trong những địa phương có phong trào phát triển kinh tế hợp tác mạnh và hiệu quả. Đến nay, huyện biên giới này có 13 HTX với tổng số thành viên là 107 người. Trong đó, 5 HTX mới thành lập (1 HTX dịch vụ Mắc ca Sín Thầu, 1 HTX gai xanh Mường Nhé, 1 HTX nông nghiệp, 2 HTX dịch vụ trồng và chế biến quế).
Cây "tỷ đô" mắc ca mở ra cơ hội thoát nghèo, làm giàu cho thành viên các HTX ở tỉnh Điện Biên, trong đó có đồng bào dân tộc thiểu số. |
Thời gian qua, nhằm đánh giá hiệu quả hoạt động của kinh tế tập thể, nhất là với HTX, Liên minh HTX tỉnh Điện Biên đã phối hợp với các đơn vị liên quan khảo sát tình hình hoạt động HTX trên địa bàn huyện Mường Nhé. Kết quả cho thấy, HTX trên địa bàn huyện đã có những chuyển biến tích cực và đạt kết quả rõ nét. Số HTX thành lập mới phát triển nhanh và hoạt động ngày càng đa dạng, nỗ lực vươn lên, đổi mới tổ chức và nội dung hoạt động, mở rộng sản xuất kinh doanh theo hướng đa ngành, đa nghề. Ngoài ra, các HTX còn tích cực hỗ trợ nhau về kỹ thuật sản xuất, giữ gìn an ninh trật tự khu vực, góp phần phát triển kinh tế ổn định, giảm nghèo cho người dân tại vùng sản xuất.
Theo đánh giá của chính quyền địa phương, có được kết quả này, bên cạnh sự nỗ lực vươn lên, đổi mới của HTX còn có sự giúp đỡ của Liên minh HTX tỉnh và sự phối hợp, hỗ trợ chặt chẽ của chính quyền các cấp huyện Mường Nhé. Các HTX từng bước phát huy vai trò trong việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế, giải quyết việc làm, tăng thu nhập và đóng góp vào phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương.
Điển hình như HTX Dịch vụ và Sản xuất nông nghiệp Hà Ân (bản Phiêng Vai, xã Nậm Kè) được thành lập năm 2021 với 7 thành viên, tổng số vốn điều lệ 5 tỷ đồng. Dù được thành lập chưa lâu, số lượng thành viên không nhiều, song với sự quan tâm của các cấp, ngành liên quan, HTX tập trung mở rộng sản xuất các sản phẩm chủ lực, có thế mạnh, mang tính vùng miền nên thu nhập bình quân của thành viên không ngừng tăng, trung bình từ 15 - 17 triệu đồng/tháng.
Giám đốc Nguyễn Tiến Nghĩa cho biết, để nâng cao chất lượng sản phẩm, mở rộng thị trường tiêu thụ, tăng thu nhập cho thành viên, HTX đã liên kết với 3 xã: Chà Nưa, Si Pa Phìn, Phìn Hồ (huyện Nậm Pồ) để trồng bí xanh xuất bán đến thị trường Hà Nội. Hiện nay, với diện tích 1,2ha bí (trồng 2 vụ/năm), HTX thu hoạch khoảng 150 tấn/năm. Giá bí xanh trung bình từ 4 - 5 nghìn đồng/kg, có thời điểm giá cao từ 18 - 20 nghìn đồng/kg đã tạo nguồn thu nhập ổn định cho thành viên HTX.
Đặc biệt, mới đây, 3 sản phẩm trà (Cực tây hoa hồng trà, Cực tây tô mộc trà, Cực tây bí xanh trà) của HTX đã được huyện Mường Nhé công nhận là sản phẩm OCOP 2 sao, sản phẩm Cực tây Hà Nhì trà được tỉnh công nhận là sản phẩm OCOP 3 sao.
Nói tới kinh tế hợp tác ở Mường Nhé cũng không thể không kể đến HTX Gai xanh, dù HTX mới được thành lập vào tháng 3/2022 với 8 thành viên, đa số là các thanh niên 8X, 9X.
Anh Trịnh Xuân Phượng (SN 1987) - một trong những thành viên chủ chốt của HTX Gai xanh Mường Nhé cho hay, sau khi tìm hiểu thổ nhưỡng địa phương rất phù hợp với việc trồng cây gai xanh làm nguyên liệu sản xuất vải, anh đã quyết định thành lập HTX. Mục đích là nhằm kết nối, tìm kiếm “bạn đồng hành” cùng hỗ trợ nhau sản xuất. Những người anh nghĩ đến đầu tiên là thanh niên chưa có việc làm tại địa phương.
“Hầu hết đoàn viên, thanh niên mà tôi tìm gặp đều đang loay hoay với câu hỏi làm gì để bám quê? Khi nghe tôi đề cập đến HTX, họ đều đồng tình sẵn sàng cùng chung lưng đấu cật. Không trông chờ chính sách hỗ trợ, 8 thành viên chúng tôi cùng nhau góp vốn, chủ động xây dựng phương án, kế hoạch sản xuất phù hợp với điều kiện thực tế địa phương”, anh Phượng chia sẻ.
Vượt qua những khó khăn bước đầu, hiện nay, HTX đã mở rộng mô hình trồng gai xanh với 12,5 ha. Ngoài ra, HTX còn liên kết với một số hộ dân mở rộng diện tích trồng gai xanh lên khoảng gần 20 ha tại các xã: Mường Nhé, Nậm Kè, Leng Su Sìn, Chung Chải, Nậm Vì, Pá Mỳ, Sín Thầu. Quá trình trồng, chăm sóc, thu hoạch sẽ được cán bộ kỹ thuật của một doanh nghiệp hỗ trợ và cam kết bao tiêu sản phẩm đầu ra 10 năm với giá cả ổn định.
Từ cuối tháng 8/2022, một số diện tích trồng gai xanh đầu tiên của HTX đã cho thu hoạch vụ đầu. Thành phẩm vỏ gai khô đều được đánh giá đạt loại I, với giá thu mua 34.000 đồng/kg. Do có đặc điểm là loại cây lưu gốc dễ trồng nên theo tính toán, mỗi năm gai xanh sẽ cho thu hoạch từ 4 - 5 vụ. Với diện tích hiện có, sau khi trừ chi phí, HTX sẽ thu lãi khoảng 11 - 14 triệu đồng/ha.
Đánh giá cao vai trò của kinh tế hợp tác, ông Nguyễn Văn Hưng, Chủ tịch UBND huyện Mường Nhé khẳng định, giai đoạn 2021 - 2025, huyện sẽ tiếp tục khuyến khích thành lập các HTX và tổ hợp tác để mở rộng mô hình sản xuất, kinh doanh, phát triển sản phẩm mang tính hàng hoá. Nhằm phát triển, nâng cao chất lượng hoạt động của các HTX, huyện chú trọng gặp gỡ, đối thoại về chính sách xây dựng, phát triển HTX gắn với chuyển đổi cơ cấu kinh tế nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới. Đồng thời, chỉ đạo 11/11 xã tổ chức khảo sát nắm bắt nhu cầu học nghề của người lao động, đặc thù sản xuất, mô hình nông nghiệp của từng địa phương, điều tra cung - cầu lao động. Từ đó, huyện xây dựng kế hoạch, triển khai đào tạo nghề sát với nhu cầu thực tiễn, phù hợp với thực tế, năng lực, đáp ứng yêu cầu phát triển các HTX. Huyện cũng khuyến khích các HTX tích cực đổi mới, xây dựng kế hoạch phát triển cụ thể, chủ động đa dạng hóa đối tượng sản xuất để đáp ứng nhu cầu thị trường.
Đột phá từ khoa học công nghệ
Canh tác theo hướng GAP (thực hành sản xuất nông nghiệp tốt), HTX Nông nghiệp tổng hợp Noong Luống, xã Noong Luống, huyện Điện Biên đã xây dựng lộ trình phát triển sản phẩm và đến tháng 12/2021, UBND tỉnh đã công nhận sản phẩm đỗ leo 4 mùa đạt 3 sao trong Chương trình OCOP.
Các HTX được khuyến khích xây dựng và phát triển các mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, sản phẩm đạt chuẩn GAP, hữu cơ... |
Anh Nguyễn Xuân Huy, Giám đốc HTX Nông nghiệp tổng hợp Noong Luống chia sẻ: “Thời gian tới, chúng tôi cố gắng nâng cao chất lượng sản phẩm và tăng cường quảng bá để quả đỗ leo tăng lên chất lượng 4, 5 sao. Đến thời điểm đó, chúng tôi có hướng xuất khẩu và liên hệ với các công ty để có kênh phân phối xuất khẩu nhằm tăng giá trị và tính ổn định của sản phẩm”.
Lãnh đạo Sở NN&PTNT tỉnh Điện Biên cho biết, mục tiêu của ngành nông nghiệp trong thời gian tới là phát triển toàn diện theo hướng hiện đại, nâng cao năng suất, chất lượng và hiệu quả sản xuất. Qua đó, tăng cường tạo ra các sản phẩm chất lượng, đáp ứng nhu cầu đa dạng không những trong tỉnh, trong nước mà còn hướng đến xuất khẩu.
Để đạt được mục tiêu này, thời gian qua, tỉnh Điện Biên đang thực hiện các giải pháp nhằm đẩy mạnh triển khai Đề án Tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững. Đặc biệt, tỉnh khuyến khích nông dân, HTX, doanh nghiệp xây dựng và phát triển các mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp thông minh, có sản phẩm đáp ứng tiêu chuẩn GAP, hữu cơ.
Chính vì thế, trong thời gian gần đây, nhiều mô hình nông nghiệp hiện đại đã được hình thành ở hầu khắp các địa phương trên địa bàn tỉnh Điện Biên. Điển hình như tháng 2/2022, HTX Dâu tây Mường Phăng (xã Mường Phăng, TP Điện Biên Phủ) được thành lập với 8 thành viên. Giám đốc là chàng thanh niên trẻ Hoàng Văn Dán (SN 1990).
Anh Dán tâm sự, trong nhiều chuyến du lịch tham quan ở các địa bàn lân cận, đặc biệt là tại huyện Mộc Châu (Sơn La), anh rất ấn tượng với mô hình trồng dâu tây Hana hữu cơ.
Nhận thấy khí hậu, thổ nhưỡng ở Mường Phăng khá tương đồng và phù hợp, anh Dán đã tự bỏ công sức, vốn đầu tư trồng thử nghiệm gần 2.000 m2. Đất không phụ công người, vụ đầu tiên, dâu tây đã cho quả ngọt, chất lượng. Với giá bán trung bình từ 80 - 160 nghìn đồng/kg, anh thu lãi hơn 100 triệu đồng.
Với khát vọng xây dựng vùng cung ứng hàng hóa ổn định, bền vững, anh Dán vận động 7 thanh niên thế hệ 9X khác thành lập HTX Dâu tây Mường Phăng. Sau đó, HTX mở rộng diện tích trồng dâu tây lên 1,4 ha.
Anh Dán cho biết, thông thường hàng năm, bắt đầu từ tháng 11, HTX bán cây dâu tây làm cảnh, từ tháng 12 đến tháng 5 năm sau thì bán quả và triển khai dịch vụ trải nghiệm hái dâu tại vườn cho du khách.
Lãnh đạo UBND xã Mường Phăng đánh giá, trước nay, bà con địa phương vốn chỉ quen với các giống cây trồng cũ (lúa, ngô, sắn…), năng suất và thu nhập không cao. Đây là mô hình đưa cây dâu tây đầu tiên về xã và thực tế đã cho thấy hiệu quả rất tích cực.
Sản phẩm quả dâu tây được các thành viên HTX thu hái đến đâu đều được bán hết đến đó. Số lượng lớn sẽ đóng gói và đưa đi tiêu thụ tại các siêu thị, cửa hàng trong TP Điện Biên Phủ. Đặc biệt, vào mùa tham quan, các vườn dâu tây thu hút nhiều du khách vào trải nghiệm.
“Với việc tham gia của các thanh niên trẻ tuổi không chỉ giúp nâng cao hiệu quả hoạt động của HTX mà còn giúp chuyển đổi giống cây trồng mang lại hiệu quả kinh tế cao cho địa phương”, đại diện UBND xã Mường Phăng nói.
Minh Lan