Báo cáo TRAC Việt Nam 2018 là một đánh giá độc lập được thực hiện dựa trên thông tin công khai tại các trang điện tử của DN, nhằm đo lường mức độ công khai thông tin của các DN Việt Nam so với thông lệ quốc tế.
Công khai nhưng không minh bạch
Dựa trên kết quả thu thập thông tin từ nhóm nghiên cứu trả lời 26 câu hỏi tập trung vào 3 nhóm vấn đề lớn, là: Công khai thông tin về chương trình phòng chống tham nhũng (13 câu hỏi); minh bạch trong cấu trúc và tỷ lệ sở hữu (8 câu hỏi) và công khai thông tin tài chính cơ bản theo cơ chế báo cáo quốc gia (5 câu hỏi). Thông tin được thu thập trong khoảng thời gian từ 1/4 - 5/6/2018.
Theo bà Nguyễn Thị Kim Liên - Cố vấn quốc gia của Tổ chức hướng tới minh bạch, so với Báo cáo TRAC lần đầu tiên vào năm 2017, Báo cáo TRAC Việt Nam 2018 có một số thay đổi song không đáng kể.
Các DN được đánh giá đạt điểm thấp với mức trung bình là 15% ở khía cạnh công khai thông tin về các chương trình phòng, chống tham nhũng. Đặc biệt, hơn 50% các DN trong Báo cáo không công khai bất kỳ thông tin nào trên website, trong đó có cả các DN thuộc top dẫn đầu DN có vốn nhà nước.
Các công ty có điểm minh bạch cao đều là các công ty con của công ty đa quốc gia, như Samsung Electronics Việt Nam, Unilever Việt Nam và Nestle Việt Nam (đạt 81%).
Vinamilk là doanh nghiệp trong nước hiếm hoi duy trì được ở mức cao cả 3 tiêu chí. Tập đoàn Điện lực VN (EVN) là doanh nghiệp nhà nước có điểm số cao nhất nhưng cũng chỉ ở mức 27%, trong khi các công ty đa quốc gia ở các thị trường mới nổi điểm số bình quân là 48%. Đáng chú ý, có tới hơn một nửa số DN (24 trong tổng số 45 DN) bị chấm điểm 0%.
Bà Liên lý giải, Luật Phòng chống tham nhũng sửa đổi bổ sung năm 2012 (chương II) đưa ra các yêu cầu về công khai, minh bạch đối với cơ quan quản lý nhà nước ở những lĩnh vực dễ xảy ra tham nhũng. Tuy nhiên, luật lại không yêu cầu các DN công khai thông tin về các chương trình phòng, chống tham nhũng của đơn vị mình.
Hầu hết các DN Việt Nam không có chương trình phòng chống tham nhũng phù hợp với thông lệ quốc tế. Một số công ty niêm yết coi trọng vấn đề này là khi chính bản thân họ buộc phải xây dựng như điều kiện ra nhập thị trường, như Vinamilk đưa ra chính sách phòng chống tham nhũng năm 2009 khi chuẩn bị niêm yết trên Sở GDCK Singapore.
Không chỉ thiếu minh bạch trong công bố các thông tin liên quan đến phòng chống tham nhũng, việc minh bạch trong cấu trúc và tỷ lệ sở hữu của DN, minh bạch công bố các thông tin tài chính cơ bản dù được quy định trong các luật chuyên ngành như Luật Đầu tư, Luật Chứng khoán cũng không được DN tuân thủ một cách nghiêm túc.
Phòng chống tham nhũng để phù hợp với thông lệ quốc tế và bảo đảm sự minh bạch là cần thiết |
Tăng cường giám sát của người dân
Theo đại diện nhóm nghiên cứu, việc công khai thông tin về cấu trúc và tỷ lệ sở hữu của DN và giao dịch với các bên liên quan là một trong những nguyên tắc của quản trị DN hiệu quả, điều này làm bộc lộ các mối quan hệ giữa các công ty và giúp phát hiện các dòng tài chính bất hợp pháp, từ đó giảm cơ hội tham nhũng và các vi phạm tài chính khác.
Dù đạt điểm cao nhất trong số 3 khía cạnh, với điểm trung bình của các DN đạt 66%, nhưng vẫn còn một số DN không công khai như Tập đoàn Công nghiệp Viễn thông Quân đội (Viettel) đạt kết quả kém nhất, với 10%; Saigon Petro và TCT Tân Cảng Sài Gòn (SG New Port) đạt khoảng 25%, cho thấy việc thực thi quy định có tính chất bắt buộc của pháp luật còn bị buông lỏng.
Với khía cạnh công bố thông tin tài chính, 18 DN lớn nhất được khảo sát có hoạt động bên ngoài Việt Nam không có DN nào công khai thông tin tài chính cơ bản tại các quốc gia nơi DN hoạt động. Duy nhất có Tổng công ty Viễn thông Mobifone có cung cấp thông tin về đóng góp cho cộng đồng tại Việt Nam.
Các chuyên gia tham dự buổi công bố đều cho rằng minh bạch chính là “chìa khóa” để thúc đẩy môi trường kinh doanh liêm chính tại Việt Nam. Công khai thông tin DN làm giảm thiểu nguy cơ tham nhũng bởi DN càng minh bạch thì càng được nhà đầu tư, đối tác và khách hàng tin tưởng.
Ts. Lê Đăng Doanh - chuyên gia kinh tế, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM), cho rằng: DN vừa là nạn nhân và cũng là tác nhân gây ra tham nhũng. Trong bối cảnh Việt Nam đã tham gia ngày càng sâu vào các thiết chế kinh tế toàn cầu như CPTPP, việc quy định các điều khoản liên quan đến phòng chống tham nhũng để phù hợp với thông lệ quốc tế và bảo đảm sự minh bạch là cần thiết.
Trong đó cần hơn sự tham gia giám sát của người dân và cộng đồng trong thực thi. Thời gian tới, Quốc hội cần sớm thông qua Dự thảo Luật Phòng chống tham nhũng 2012 (sửa đổi) để mở rộng phạm vi điều chỉnh luật sang khu vực tư và nâng cao trách nhiệm cung cấp thông tin và giải trình của DN.
Hồng Quân