Thông tin đưa ra cuối tuần qua của Tổng cục Thống kê cho thấy trong 2 tháng đầu năm 2021, trị giá xuất khẩu (XK) của nhóm hàng điện thoại và linh kiện ước tính đạt 9,3 tỷ USD, chiếm 19,2% tổng kim ngạch XK và tăng cao ở mức 22,8% so với cùng kỳ năm trước.
Vẫn là “mỏ vàng” của khối ngoại
Cơ quan thống kê nhận định rằng, trong khi nhiều ngành sản xuất công nghiệp và XK khác gặp khó khăn do dịch Covid-19 chưa được kiểm soát trên toàn cầu thì điện thoại và linh kiện tiếp tục là mặt hàng XK chủ yếu của Việt Nam.
![]() |
XK điện thoại và linh kiện rất cần khả năng “chen chân” sâu hơn của khối nội. |
Thị trường XK lớn của nhóm hàng này chủ yếu vẫn là EU, Mỹ, Trung Quốc. Trong đó, riêng điện thoại và linh kiện sang Trung Quốc trong 2 tháng đầu năm nay đạt gần 2,5 tỷ USD, tăng 103,9% so với cùng kỳ năm trước.
Sức tiêu thụ điện thoại trên thị trường thế giới được dự báo có khả năng tăng trưởng tốt trong năm nay cho đến năm 2024 là cơ hội để mặt hàng XK chủ lực của Việt Nam tiếp tục phô diễn.
Dự báo của Euromonitor cho biết, tốc độ CAGR (Tốc độ tăng trưởng hằng năm kép) của thị trường điện thoại di động cho đến năm 2024 là 19%/năm. Trong đó, sản lượng tiêu thụ tăng ở mức CAGR khoảng 3,9%/năm.
Còn theo dự báo của DigiTimes Research thì sản lượng smartphone (điện thoại thông minh) trên toàn cầu dự kiến sẽ đạt mức tăng trưởng hai con số trong năm 2021 sau ba năm giảm liên tiếp.
Theo đó, sản lượng xuất xưởng smartphone nói chung trên toàn cầu hồi năm ngoái giảm 10,7% so với năm 2019 và dự kiến phục hồi vào năm 2021, với mức tăng trưởng hàng năm là 9,9%.
Nhất là các mẫu smartphone thuộc thế hệ mạng 5G giá rẻ cũng như smartphone 4G sẽ thúc đẩy nhu cầu người dùng ở các thị trường mới nổi. Những thiết bị này dự kiến đạt hơn 1,5 tỷ chiếc vào năm 2023 và 1,7 tỷ vào năm 2025.
Nhìn vào triển vọng của thị trường tiêu thụ điện thoại di động trên thế giới để thấy rằng mảng XK điện thoại và linh kiện vẫn sẽ là “mỏ vàng” cho các nhà đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), điển hình như Samsung.
Bởi lẽ, 95% tổng kim ngạch XK điện thoại và linh kiện của Việt Nam vẫn đang thuộc các doanh nghiệp (DN) FDI.
Những diễn biến thời gian gần đây cũng cho thấy nhiều sản phẩm công nghệ điện thoại và linh kiện hàng đầu tiếp tục được khối ngoại rót vốn mở rộng sản xuất hoặc dịch chuyển đầu tư sang Việt Nam.
Điển hình như loạt thiết bị smartphone của Apple đang được sản xuất ở Việt Nam. Và nhiều đối tác gia công lớn của hãng này như Foxcon, Luxshare, GoerTek, Compal đều có các nhà máy tại Việt Nam hoặc dịch chuyển từ Trung Quốc sang.
Cơ hội nào cho khối nội?
Như nhận định mới đây trên tờ Bangkok Post của Thái Lan thì những thách thức hiện tại cũng không ngăn cản các nhà sản xuất toàn cầu liên tục đổ xô vào Việt Nam, trong đó bao gồm loạt tập đoàn điện thoại lớn như: Apple, Samsung và LG Electronics.
Ngoài “điểm sáng” của khối ngoại thì hoạt động XK điện thoại và linh kiện vẫn tiếp tục trông chờ sự trỗi dậy của khối nội nhằm tận dụng những cơ hội lớn được mở ra từ sức tăng trưởng của thị trường tiêu thụ cũng như sức hút từ dòng vốn FDI.
Chẳng hạn những thông tin mới đây cho biết mẫu điện thoại thông minh “made in Vietnam” do VinSmart (một DN nội địa) sản xuất đã chính thức được bày bán trên một số trang bán lẻ thị trường Mỹ.
Đơn cử như trang web chính thức của nhà mạng hàng đầu nước Mỹ là AT&T đã đưa các ba mẫu smartphone do VinSmart sản xuất “lên sóng” hồi tháng 2/2021.
Ngoài 3 mẫu smartphone nói trên, trang web của FCC (Uỷ ban truyền thông liên bang Mỹ) còn liệt kê nhiều mẫu điện thoại khác do VinSmart sản xuất đã vượt qua các bài kiểm tra chất lượng để bán tại Mỹ, trong đó có nhiều mẫu đã gửi tài liệu phê duyệt hồi tháng 1/2021.
Có thể thấy đây là tín hiệu mới khá lạc quan để các DN công nghệ Việt tự tin hơn trong hoạt động đầu tư nhằm sản xuất, XK điện thoại, linh kiện và mạnh dạn cạnh tranh trên thị trường quốc tế.
Với sản phẩm điện thoại của VinSmart, giới chuyên gia cho rằng tiềm lực của họ được đánh giá cao và đủ sức để gây khó khăn cho các hãng điện thoại Trung Quốc ở phân khúc giá rẻ.
Bên cạnh đó, việc làm thế nào để khối nội “chen chân" sâu hơn vào chuỗi cung ứng của khối ngoại trong mảng sản xuất điện thoại và linh kiện vẫn còn là một dấu hỏi lớn.
Chẳng hạn với Samsung, kim ngạch XK điện thoại và linh kiện trong 2 tháng đầu năm nay tăng cao vẫn là nhờ hãng này đẩy mạnh XK sản phẩm điện thoại di động phiên bản mới. Và tính đến cuối năm ngoái, số DN Việt trở thành nhà cung ứng cấp 1 cho Samsung đã vào khoảng 50 DN.
Đó là con số đáng khích lệ nhưng để khối nội tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng điện thoại và linh kiện thì còn nhiều chuyện phải làm. Đặc biệt là việc khối ngoại vẫn không ngừng gia tăng nhập khẩu nguyên liệu, linh kiện đầu vào cho sản xuất điện thoại.
Nhìn vào số liệu của Bộ Công Thương sẽ thấy 2 tháng đầu năm 2021, Việt Nam đã nhập khẩu điện thoại các loại và linh kiện đạt 3,64 tỷ USD, tăng 74,6% so cùng kỳ năm ngoái. Đó là điều mà các DN nội địa cần lưu tâm nếu muốn tận dụng các cơ hội mở ra ở mảng điện thoại và linh kiện.
Thế Vinh