Theo báo cáo của Bộ Công Thương, nhu cầu điện của Việt Nam đến năm 2020 phải đạt 265 tỷ kWh và năm 2030 là 570 tỷ kWh (cao gấp ba lần hiện nay). Trong khi đó, nguồn cung điện của Việt Nam phụ thuộc phần lớn vào nhiệt điện than, khí nhưng hiện tại, các nguồn năng lượng hóa thạch như than, khí đang suy giảm, cạn kiệt cho nên cần ưu tiên phát triển hệ thống năng lượng tái tạo để bổ sung nguồn điện thiếu hụt này.
Dự án chậm tiến độ
Theo tính toán của Hiệp hội Năng lượng Việt Nam (VEA), năm 2020, giá điện gió đất liền vào khoảng 7,11 cent/kWh, điện than là 60 USD/tấn, như vậy điện gió sẽ kinh tế hơn nhiều so với điện than. Trường hợp giá điện gió đất liền 7,8 cent/kWh, các nhà máy điện gió có thể thu hồi vốn và có lợi nhuận. Với điện mặt trời, theo phân tích của VEA, Chính phủ hỗ trợ giá mua điện 9,35 cent/kWh, các dự án đều có khả năng có lãi, ổn định…
Song cho đến nay, năng lượng tái tạo vẫn chưa phát triển. Ông Trần Viết Ngãi, Chủ tịch VEA, đánh giá tiềm năng năng lượng tái tạo (điện gió, mặt trời, sinh khối) đang hiện hữu ở Việt Nam nhưng chưa được khơi dậy.
Năm 2015, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt “Chiến lược phát triển năng lượng tái tạo” nhưng đến nay mới có khoảng 160MW điện gió, 15MW điện mặt trời, 10MW điện sinh khối (chưa tính công suất đồng phát tại các nhà máy đường gần 200MW).“Có thể nói rằng những con số này hết sức nhỏ bé so với tiềm năng vô tận của nó. Nguồn năng lượng này là nguồn năng lượng sạch, không gây ô nhiễm môi trường”, ông Ngãi nói.
Chia sẻ khó khăn phát triển điện gió và điện mặt trời, đại diện Sở Công Thương tỉnh Bình Thuận cho biết, Bình Thuận là địa phương có tiềm năng khá lớn về nguồn năng lượng tái tạo như điện gió và điện mặt trời. Giá trị tốc độ gió và bức xạ mặt trời trung bình hàng năm cao và ổn định trong suốt cả năm so với nhiều địa phương khác.
Cho đến nay, trên địa bàn tỉnh Bình Thuận có 19 dự án điện gió với tổng công suất đăng ký đầu tư 1.192,5MW. Trong 19 dự án có 9 dự án được cấp giấy chứng nhận đầu tư, đến nay đã có 3 dự án đi vào hoạt động với tổng công suất 60MW.
Do ảnh hưởng của suy thoái kinh tế cùng với chi phí sản xuất, đầu tư cao vì hầu hết trang thiết bị điện gió phải nhập khẩu nên các dự án đều triển khai chậm tiến độ so với yêu cầu đề ra.
![]() |
Năng lượng tái tạo chưa đủ sức hấp dẫn nhà đầu tư
Theo Sở Công Thương Bình Thuận, trở ngại lớn nhất là giá mua điện gió. Giá mua điện gió, theo quy định hiện nay, tuy đã được Chính phủ ưu tiên trợ giá, nhưng vẫn còn thấp so với giá thành, chưa đủ sức hấp dẫn để thu hút các tổ chức tài chính tín dụng tham gia cho vay vốn nhằm triển khai thực hiện dự án nên khiến các nhà đầu tư điện gió thực hiện dự án cầm chừng, kéo dài tiến độ.
Vì vậy, Bình Thuận kiến nghị Thủ tướng Chính phủ và các bộ, ngành trung ương xem xét, giải quyết việc điều chỉnh tăng mức mua điện từ các dự án điện gió cho phù hợp để thúc đẩy đầu tư, cũng như có những chính sách định hướng các nguồn vốn vay ưu đãi từ những tổ chức tín dụng nước ngoài, lãi suất thấp để đầu tư vào các dự án điện gió trên địa bàn tỉnh mà đến nay vẫn chưa được điều chỉnh.
Cùng với đó, về dự án điện mặt trời, chi phí sản xuất điện mặt trời trong thời gian tới sẽ có xu hướng giảm so với hiện nay nhưng với Việt Nam, chi phí vẫn cao hơn nhiều so với các nguồn năng lượng khác.
Giá bán thấp hơn khu vực
Điều này cho thấy việc tổ chức triển khai thực hiện các dự án điện gió, điện mặt trời vẫn còn một số hạn chế như: chưa có quy hoạch quốc gia về phát triển năng lượng tái tạo; suất đầu tư cho các dự án năng lượng tái tạo cao, giá bán thấp nên chưa thật sự hấp dẫn các nhà đầu tư.
Đại diện Sở Công Thương Bình Định cho biết, trong thời gian qua, để tạo điều kiện cho các nhà đầu tư vào lĩnh vực năng lượng tái tạo, UBND tỉnh đã quy hoạch khu vực phong điện nằm trong Khu kinh tế Nhơn Hội, Tp.Quy Nhơn và đã cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho dự án nhà máy phong điện Phương Mai 1 với công suất 30MW; dự án nhà máy điện Phương Mai 3 với công suất 21MW; dự án nhà máy điện gió Nhơn Hội với công suất 61,1MW và dự án nhà máy điện và điện gió Fujiwara Bình Định, công suất 100MW.
Tuy nhiên, dự án nhà máy phong điện Phương Mai 1 được cấp giấy chứng nhận đầu tư từ năm 2009 và dự án nhà máy phong điện Phương Mai 3 được cấp giấy chứng nhận đầu tư từ năm 2007 nhưng đến nay vẫn chưa được triển khai thi công xây dựng.
UBND tỉnh nhiều lần gia hạn cho nhà đầu tư để tiếp tục thực hiện khảo sát, nghiên cứu lập dự án đầu tư, nguyên nhân chủ yếu là do cơ chế hỗ trợ về giá điện gió còn thấp, không đảm bảo các chỉ tiêu về tài chính để nhà đầu tư triển khai đầu tư dự án.
“Đối với dự án nhà máy điện gió Nhơn Hội, hiện ban quản lý khu kinh tế tỉnh đã chấm dứt hoạt động dự án do không thực hiện đảm bảo các cam kết về đầu tư. Ngoài ra, UBND tỉnh đã chủ trương cho một nhà đầu tư thực hiện khảo sát, nghiên cứu để lập dự án đầu tư nhà máy điện gió Mỹ An, công suất 50MW, hiện đang triển khai thực hiện các thủ tục liên quan để bổ sung vào quy hoạch phát triển điện lực theo quy định”, đại diện tỉnh Bình Định cho biết.
Còn với các dự án điện mặt trời hiện nay trên địa bàn tỉnh Bình Định, có hơn 20 nhà đầu tư đăng ký đầu tư dự án nhưng cho đến nay, UBND tỉnh chỉ cấp giấy chứng nhận đầu tư cho một dự án là dự án nhà máy điện mặt trời và điện gió Fujiwara Bình Định, công suất 64MW.
Dưới góc độ doanh nghiệp, ông Huỳnh Kim Lập, Chủ tịch HĐQT công ty Cổ phần Đầu tư Xây dựng Thiên Tân, chia sẻ hiện nay cơ quan tỉnh ủy và UBND tỉnh ở hầu hết địa phương rất ủng hộ nhưng một số sở, ban, ngành chưa giải quyết kịp thời, chưa có cơ chế ưu đãi, chưa đi vào thực tế, nhiều thủ tục pháp lý còn rườm rà nên mất rất nhiều thời gian để triển khai thực hiện dự án.
Trước việc giá điện than có lợi thế hơn so với điện sạch vì giá rẻ, ông Ngô Đức Lâm, nguyên Cục trưởng Cục An toàn kỹ thuật, Bộ Công Thương, cho rằng giá điện tái tạo vẫn còn cao hơn so với nhiệt điện than bởi vì chúng ta chưa đánh thuế cacbon và thuế môi trường với điện than như các nước.
“Nếu việc đánh thuế này được thực hiện, chắc chắn giá của điện than sẽ tăng lên khoảng 12 – 13cent/kWh thay vì 7 – 8cent/kWh như hiện nay. Khi đó, giá của năng lượng tái tạo sẽ cạnh tranh được mà không cần đến chính sách hỗ trợ nào của Nhà nước để thúc đẩy phát triển”, ông Lâm cho biết.
Lê Thúy
Ông Huỳnh Kim Lập - Chủ tịch HĐQT công ty Cổ phần Đầu tư Xây dựng Thiên Tân Doanh nghiệp đầu tư các dự án quang điện chủ yếu trên vùng đất đá, vùng sa mạc, những vùng này có giá trị đất rất thấp nên Chính phủ cần có cơ chế chính sách thu hút đầu tư, xem xét về giá mua bán điện và hỗ trợ doanh nghiệp về việc đấu nối, bán điện. Thực tế hiện nay, công ty chưa biết mua bán điện ở đâu, với cơ quan nào. Chính phủ cần chỉ đạo các cơ quan liên quan hỗ trợ nhà đầu tư để dự án năng lượng mặt trời có khả năng phát triển nhanh, bền vững. Ông Trần Viết Ngãi - Chủ tịch Hiệp hội Năng lượng Việt Nam Nếu khai thác ở mức cao, tận dụng hàng chục nghìn MW từ năng lượng mặt trời, gió, năng lượng sinh khối, có thể đảm bảo cân đối nguồn điện cho nhiều thế kỷ tới và luôn luôn đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia. Ts. Nguyễn Thế Mịch - Đại học Bách khoa Hà Nội Để triển khai một dự án điện gió, chỉ riêng việc đo gió đã cần tối thiểu một năm, chưa kể đến việc xin phép, đàm phán về đất đai. Đồng thời, phải dùng các phần mềm mà giá của mỗi phần mềm chừng 1 triệu USD. Cột đo gió cũng cần vốn đầu tư khoảng 1 tỷ đồng. Đây là nguyên nhân khiến nhiều nhà đầu tư chưa mặn mà đầu tư các dự án phát triển năng lượng tái tạo. |