Dù chính sách giảm thuế Giá trị gia tăng (VAT) từ 10% xuống 8% theo Nghị định 15/2022/NĐ-CP đã áp dụng được 2 tháng nay. Tuy nhiên, theo phản ánh vào cuối tháng 3/2022 của Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas) thì nhiều doanh nghiệp (DN) còn gặp nhiều lúng túng khi thực hiện và có địa phương thực hiện không đồng nhất.
Lỗi tại ai?
Đơn cử như các DN khi mua sợi trong nước để sản xuất đã phải chịu thuế suất VAT có nơi thuế suất 8%, có nơi chịu thuế suất 10%. Cho nên, điều mong mỏi của Vitas là Tổng cục Thuế cần chỉ đạo các chi cục thuế tại các địa phương cần thực hiện đúng tinh thần của Nghị định 15/2022/NĐ-CP, nhằm hỗ trợ, giảm bớt khó khăn, chi phí sản xuất cho DN.
Tiếp tục cứng nhắc thu phí hạ tầng cảng biển, chi phí logistics vẫn tăng chóng mặt, dù giảm thuế như giá nhiên liệu còn ở mức cao gây “bão giá”… khiến cho việc cắt giảm chi phí của các DN trở nên bế tắc. |
Hoặc như vấn đề thu phí sử dụng hạ tầng cảng biển ở Tp.HCM. Bất chấp việc nhiều hiệp hội DN xin tạm dừng thu phí từ cách đây một tháng, vào đầu tháng 4/2022 chính quyền Tp.HCM vẫn quyết định triển khai.
Không những vậy, có ý kiến từ phía cơ quan quản lý còn cho rằng lẽ ra Tp.HCM đã thu phí cảng biển kể từ 1/7/2021 nhưng do ảnh hưởng của Covid-19 nên phải lùi đến 1/4/2022. Việc lùi thời điểm thu phí với số tiền 2.205 tỷ đồng tiền phí dự thu được coi như một khoản hỗ trợ DN sản xuất, kinh doanh, DN xuất nhập khẩu vượt “bão” Covid-19.
Theo Sở Giao thông vận tải Tp.HCM, dự kiến, các dự án kết nối hạ tầng giao thông tổng mức đầu tư hạ tầng giao thông kết nối cảng biển giai đoạn 2020 – 2030 là khoảng 93.247 tỷ đồng. Và dự kiến nguồn thu phí cảng biển trên địa bàn Tp.HCM giai đoạn 2021 – 2025 theo Đề án (nếu thu từ 1/7/2021) là 16.000 tỷ đồng và chỉ bù đắp một phần so với nhu cầu vốn đầu tư các công trình giao thông kết nối cảng biển thời gian tới.
Tuy nhiên, như lưu ý của nhiều DN, thời điểm áp dụng như hiện giờ vẫn chưa phù hợp, nhất là trong lúc DN còn đang phải đối mặt với rất nhiều khó khăn do Covid -19 và ảnh hưởng tiêu cực từ cuộc xung đột Nga – Ukraine.
Nhất là mức phí áp dụng quá cao, tạo thêm gánh nặng về tài chính cũng như thủ tục hành chính và tăng thời gian thực hiện thủ tục hành chính. DN phải đóng phí 2 lần đối với các lô hàng xuất khẩu phải sử dụng nguyên liệu nhập khẩu.
Còn theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thuỷ sản (Vasep), từ việc áp dụng mức thu phí hạ tầng cảng biển ở Tp.HCM thì chi phí tăng thêm cho một DN thủy sản quy mô trung bình là 3 - 3,5 tỷ đồng/năm, với DN lớn hơn khoảng 13,5 - 14 tỷ đồng/năm.
Có thể nói một vài vấn đề nêu trên là những điểm nghẽn “cố hữu” cho việc cắt giảm chi phí của DN trong bối cảnh có nhiều biến động. Nhất là hoạt động xuất nhập khẩu của các DN đang gặp nhiều áp lực về mặt chi phí.
Đừng để doanh nghiệp bế tắc
Như hệ luỵ từ cuộc xung đột Nga - Ukraine đang là một trong những nguyên nhân chính làm tăng giá trên thị trường một số mặt hàng nhiên liệu, nguyên liệu phục vụ sản xuất, tiêu dùng như khí đốt – dầu mỏ, xăng dầu dẫn đến chi phí logistics tăng cao.
Trong khi đó, số liệu mới đưa ra từ Tổng cục Thống kê cho thấy trong quý I/2022 chỉ số giá sản xuất sản phẩm công nghiệp đã tăng 4,39% so với cùng kỳ năm trước. Không chỉ vậy, chỉ số giá nguyên liệu, nhiên liệu, vật liệu dùng cho sản xuất cũng tăng 5,7%.
Ngoài ra, chỉ số giá xuất khẩu hàng hóa quý I/2022 tăng 2,47% so với quý trước và tăng 7,51% so với cùng kỳ năm trước. Còn chỉ số giá nhập khẩu hàng hoá so với cùng kỳ năm 2021 đã tăng đến 10,98%.
Qua trao đổi với VnBusiness, một chủ DN trong ngành gỗ ở tỉnh Bình Dương cho biết chi phí logistics đang tăng chóng mặt nên giá thành sản phẩm rất cao. Điều này đã ảnh hưởng nhiều đến lợi nhuận của công ty đối với nhiều đơn hàng đã chốt trước khi có biến động giá nguyên liệu.
Hay như các DN trong ngành vận tải. Tuy thuế Bảo vệ môi trường đã giảm nhưng giá xăng dầu tính đến đầu tháng 4/2022 vẫn còn ở mức cao. Theo tính toán của nhiều DN trong lĩnh vực này thì nhiều tháng nay giá nhiên liệu đã tăng hơn 50% chi phí của họ.
Mặt khác, chi phí xăng dầu chiếm khoảng 3,52% trong tổng chi phí sản xuất của toàn nền kinh tế. Do xăng dầu chiếm tỷ trọng khá cao và tác động mạnh vào giá thành sản phẩm sản xuất nên giá cả của hầu hết mặt hàng từ phía DN rốt cuộc phải chịu tác động do chi phí đầu vào tăng cao.
Cho nên, điều mà các DN mong mỏi trong lúc này là các cơ quan quản lý phải có giải pháp giảm chi phí logistics nội địa như giá cước vận tải, cắt giảm chi phí cảng biển, bến bãi…Đặc biệt là tác động đến các hãng vận tải nước ngoài cắt giảm cước vận tải biển, giảm các phụ phí liên quan đến logistics.
Giới chuyên gia nhấn mạnh điều thiết thực nhất để các cơ quan quản lý hỗ trợ các DN vào lúc này là cần chống tắc nghẽn trong việc cắt giảm chi phí nhằm không để DN bế tắc trong sản xuất kinh doanh.
Chẳng hạn như việc đồng nhất về chính sách giảm thuế VAT ở các địa phương khi mà nhiều DN đang nhắm tới “địa phương hoá sản xuất” nhằm tiết giảm chi phí. Ngoài ra, bên cạnh việc có thể tạm dừng đóng phí cảng biển ở Tp.HCM thì cần ưu tiên chuyện cắt giảm chi phí trong chuỗi cung ứng cho DN.
Về phía các DN, thay vì “mỏi cổ” chờ gỡ nghẽn cắt giảm chi phí thì điều cần làm trong thời “bão giá” là nên thay đổi chiến lược hoạt động, nhất là luôn có phương án dự phòng để vừa không tắc nghẽn chuỗi cung ứng vừa không phải chịu áp lực “đội chi phí”.
Thế Vinh