Đơn cử như vấn đề dự trữ xăng dầu. Nhiều đại biểu chất vấn là việc thực hiện dự trữ có đảm bảo đúng theo quy định trong Nghị định 95/2021/NĐ-CP về kinh doanh xăng dầu? Và việc doanh nghiệp không dự trữ có phải là nguyên nhân bất bất ổn giá xăng dầu ?
Cơ chế dự trữ bất hợp lý
Ngoài ra, như lưu ý của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, quan trọng nhất vẫn là nguồn cung, không được để mất cân đối nguồn cung xăng dầu. Bởi vì nếu không có xăng để bán thì không chỉ nói đến giá, khi đó sản xuất kinh doanh sẽ bị ảnh hưởng nặng.
Việc điều hành xăng dầu không thông suốt, không linh hoạt có một phần nguyên nhân đến từ một số thay đổi về đảm bảo dự trữ lưu thông xăng dầu. |
Từ mối băn khoăn nêu trên, giới chuyên gia cho rằng việc điều hành xăng dầu không thông suốt, không linh hoạt có một phần nguyên nhân đến từ một số thay đổi về đảm bảo dự trữ lưu thông xăng dầu.
Chẳng hạn, Nghị định 95/2021/NĐ-CP (có hiệu lực từ ngày 2/1/2022) có quy định rút ngắn mức dự trữ lưu thông với xăng dầu thành phẩm xuống 20 ngày.
Quy định này được cho là dẫn tới rủi ro khi nguồn cung trong nước từ nhà máy lọc dầu thiếu hụt. Trong khi đó, Nghị định 83 về kinh doanh xăng dầu trước đây yêu cầu doanh nghiệp đầu mối phải đảm bảo dự trữ lưu thông 30 ngày. Còn doanh nghiệp sản xuất dự trữ dầu thô từ 30-60 ngày, phòng khi có sự cố bất ngờ.
Ngoài ra, như nhận định của Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên, với lượng tiêu thụ mỗi tháng gần 2 triệu m3 thì quy định dự trữ có đủ lượng 5 - 7 ngày vẫn là thấp.
“Cơ chế dự trữ quốc gia cũng chưa có hệ thống kho riêng nên giao dự trữ cho các doanh nghiệp đầu mối, đây là cơ chế rõ ràng bất hợp lý. Chúng tôi đang điều chỉnh để trình một mô hình quản lý, nâng cao mức dự trữ để trong tình thế bất trắc thì phải đủ dùng được một vài tháng”, ông Diên nói.
Không chỉ vậy, một trong những bất cập còn được thể hiện tại Nghị định 95 là quy định: “Đối với kỳ điều hành trùng vào dịp Tết Nguyên đán, thời gian điều hành được lùi sang kỳ điều hành tiếp theo”.
Bất cập này cũng được Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên nêu ra tại cuộc họp bàn về tình hình cung ứng xăng dầu hồi tháng 2/2022. Và Bộ trưởng có đề nghị Vụ Thị trường trong nước phải nghiên cứu lại quy định này.
Thậm chí, Bộ trưởng Diên còn nhấn mạnh đến việc điều hành linh hoạt hơn ở các kỳ tiếp theo, không nhất thiết phải theo chu kỳ 10 ngày mà có thể chu kỳ 3-5 ngày cho phù hợp.
Hoặc như trong vấn đề về giảm thuế, phí nhằm điều tiết giá mặt hàng xăng là cần thiết, nhưng chọn sắc thuế nào thì vẫn còn gây tranh cãi. Điển hình là việc đề xuất giảm 50% thuế Bảo vệ môi trường (BVMT). Liên quan đề xuất này, Chính phủ cũng vừa ban hành Nghị quyết số 31/NQ-CP thông qua dự án Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về mức thuế BVMT đối với xăng, dầu, mỡ nhờn đến hết ngày 31/12/2022.
Vẫn chờ biện pháp mạnh từ thuế
Tuy nhiên, theo quan điểm của bà Vũ Thị Lưu Mai, Phó chủ nhiệm Uỷ ban Tài chính ngân sách của Quốc hội, nếu giảm thuế BVMT cho xăng dầu, lại chưa thực sự hợp lý.
Bởi vì thuế BVMT bản chất là đánh vào các mặt hàng gây ô nhiễm và mức thuế được xây dựng trên mức độ gây ô nhiễm. Cho nên giảm thuế BVMT với xăng dầu sẽ bất hợp lý, vì đối tượng gây ô nhiễm cao chịu thuế suất thấp, ngược lại đối tượng gây ô nhiễm thấp lại chịu thuế cao.
Ngoài ra, xăng dầu đã mua dự trữ bắt buộc theo quy định, chịu thuế BVMT 4.000 đồng, nhưng nếu bán ra sau thời điểm giảm thuế thì sẽ lỗ. Điều này chưa phù hợp điều hành giá cả, đảm bảo lợi ích các bên.
Chính vì vậy, theo bà Mai, nếu chọn sắc thuế khác không phát sinh nghịch lý này. Điều này có thể tham khảo các quốc gia điều tiết giá xăng dầu đã chọn giảm thuế Giá trị gia tăng (VAT), thuế Tiêu thụ đặc biệt, hay thuế nhập khẩu…
Có thể ý kiến của bà Mai khác với số đông nhưng rất cần phải ghi nhận, để thấy rằng việc giảm thuế BVMT chưa hẳn đã giúp hạ giá xăng, mà còn cần kéo giảm ở những sắc thuế khác.
Qua tìm hiểu của VnBusiness về cách thức của nhiều quốc gia trên thế giới trong việc kìm giá xăng thì thấy rằng bên cạnh chuyện sử dụng quỹ bình ổn hoặc mở kho dự trữ thì việc thông qua các biện pháp về thuế, phí là rất quan trọng. Nhất là một loạt quốc gia đã và đang thực hiện phương án giảm thuế VAT hoặc thuế Tiêu thụ đặc biệt đối với xăng và dầu diesel để giảm bớt gánh nặng chi phí cho người dân và doanh nghiệp.
Điển hình như ở Hà Lan đã giảm 12% thuế VAT với năng lượng, xuống còn 9%; mức thuế tiêu thụ đặc biệt với xăng dầu cũng giảm 21%. Còn ở Anh, một số công ty nhiên liệu đang kêu gọi chính phủ Anh cắt giảm thuế VAT vốn đang chiếm khoảng 16% giá một lít nhiên liệu.
Trong khi đó, ở Hàn Quốc cũng đang chọn giảm gia hạn giảm thuế 20% với xăng dầu thêm 3 tháng, tới cuối tháng 7/2022. Nước này cũng bỏ ngỏ khả năng tăng thêm mức giảm thuế nếu giá vẫn đà đi lên nhằm kìm đà tăng của giá xăng dầu. Hoặc như Thái Lan đã giảm gần 50% thuế Tiêu thụ đặc biệt với dầu diesel trong 3 tháng.
Tuy vậy, ở trong nước, để tháo nhanh “nút thắt” về thuế, phí đối mặt hàng xăng dầu trong lúc này không phải là chuyện đơn giản nếu thiếu đi biện pháp mạnh.
Nhất là khi việc chọn giảm sắc thuế nào, liên Bộ đã cân nhắc, báo cáo Chính phủ. Nếu chọn giảm loại thuế khác, thuộc thẩm quyền của Quốc hội và phải tới tháng 5/2022 mới có thể thông qua, rồi Nghị quyết Quốc hội có hiệu lực cũng phải tháng 6, 7/2022. Rõ ràng, đó cũng là một nút thắt khi mà dư luận mong muốn sớm giảm giá xăng thông qua hình thức giảm thuế.
Thế Vinh