Bà Trang Bùi, Giám đốc Cấp cao Thị trường Việt Nam của Công ty nghiên cứu thị trường JLL cho biết, trong thời kỳ cao điểm của đại dịch Covid-19, khoảng 30% - 50% đơn đặt hàng xuất khẩu (XK) thủy sản đã bị hủy dẫn đến hàng tồn kho tăng mạnh và các kho lạnh phải hoạt động tối đa công suất.
Nguồn cung hạn chế
Điều này cho thấy tầm quan trọng của kho lạnh khi ngành chế biến thuỷ sản XK chiếm nhiều diện tích kho lạnh nhất. Nhiều doanh nghiệp (DN) trong ngành hàng cá tra đã từng đối mặt với tình cảnh kho lạnh của DN đã bị đầy vì chứa hàng tồn kho nên không còn chỗ chứa nguyên liệu.
Nhu cầu kho lạnh cho bảo quản rau quả phục vụ xuất khẩu đang rất cao, trong khi nguồn cung còn hạn chế. |
Với chuỗi cung ứng lạnh cho các DN thuỷ sản không tập trung và hầu hết được điều hành bởi các nhà cung cấp vừa và nhỏ, theo bà Trang Bùi, đây là lúc mà các nhà khai thác cần tận dụng cơ hội để đầu tư các trung tâm kho lạnh trong ngành hàng này.
Sau ngành hàng thuỷ sản, mảng rau quả XK cũng đang có nhu cầu lớn về kho lạnh. Đặc biệt là trong bối cảnh ảnh hưởng của dịch Covid-19 khiến hoạt động XK rau quả gặp không ít khó khăn, lại thiếu container rỗng và kéo dài thời gian vận chuyển, dẫn đến rất cần công nghệ bảo quản từ các kho lạnh.
Vì thiếu kho lạnh bảo quản, nên theo ông Nguyễn Quốc Trịnh, Chủ tịch Hiệp hội Thanh long Long An, vẫn có tình trạng thanh long phải bán đổ bán tháo, nhất là các nông dân, HTX không đủ vốn để đầu tư kho bảo quản riêng.
Ngoài ra, ông Trịnh lưu ý thêm là dù tổng công suất kho lạnh tại Long An đủ cho nhu cầu trữ thanh long nhưng các chủ kho đồng thời cũng kinh doanh thanh long, vì lý do cạnh tranh nên nhiều thời điểm họ vẫn không cho nông dân, HTX thuê kho.
Trong khi đó, theo lưu ý của một công ty nghiên cứu thị trường Việt Nam, kho lạnh chứa thủy sản sẽ hoạt động hiệu quả nhất khi nằm trong khoảng cách 50 km đến các cảng, còn với các mặt hàng như rau quả nên được bố trí nằm gần các khu đô thị.
Từ cách đây 2 năm, theo đánh giá của Bộ Công Thương, hệ thống kho lạnh dịch vụ ở trong nước đang có tỷ lệ khai thác rất cao ở mức 90%, cho thấy nhu cầu sử dụng kho lạnh ngày càng gia tăng.
Tuy nhiên, do thị trường kho lạnh Việt Nam còn khá phân mảnh, những nhà cung cấp dịch vụ kho lạnh có thị phần tương đối như Emergent Cold, Minh Phú Gemadept, ABA, Hoàng Phi Quân, Lotte, An Việt Cold Storage, Phan Duy, Satra, Meto, Alpha, Transimex… chỉ mới đáp ứng được một phần rất nhỏ của thị trường, cũng như chưa tích hợp nhiều dịch vụ trong kho lạnh.
Nguồn cung kho lạnh hiện chủ yếu tập trung ở khu vực phía Nam do nhu cầu lớn, trong đó khoảng 60% thị phần được nắm giữ bởi các nhà đầu tư nước ngoài. Nguồn cung bị hạn chế một phần là do các cơ sở kho lạnh cần nhiều thời gian xây dựng; việc xây dựng các kho bảo quản lạnh phức tạp và tốn kém hơn so với các kho tiêu chuẩn.
Nhu cầu đang tăng cao
“Chi phí đầu tư kho lạnh cao gấp 2-3 lần so với nhà kho thông thường và quá trình xây dựng có thể lâu hơn đến 6 tháng. Bên cạnh đó là thời hạn thuê thường kéo dài từ 15 - 20 năm khiến nguồn cung đã khan hiếm càng khan hiếm hơn”, bà Trang chia sẻ.
Không chỉ nông sản Việt đang “khát” kho lạnh, mà là tình trạng chung ở nhiều quốc gia khác, nhất là trước sự hoành hành của dịch Covid-19 khiến cho xu hướng người tiêu dùng chuyển sang “đi chợ” trực tuyến thêm gia tăng, đang thúc đẩy nhu cầu đối với kho lạnh chứa hàng.
Tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương, Công ty nghiên cứu Forrester dự báo, dịch vụ “đi chợ” trực tuyến sẽ tăng 30% mỗi năm cho đến năm 2024, tăng gấp đôi thị phần trực tuyến lên 10,6%.
Ông Michael Ignatiadis - chuyên gia về chuỗi cung ứng và hậu cần cho rằng, tỷ lệ dân số và tầng lớp trung lưu tăng nhanh làm tăng nhu cầu mua thực phẩm tươi ngon cũng là nguyên nhân chính thúc đẩy nhu cầu về kho lạnh.
Nhu cầu lớn khiến các nhà phát triển phải đáp ứng theo, dẫn đến sự bùng nổ xây dựng. Theo công ty tư vấn Emergen, khối lượng xây dựng kho lạnh được dự đoán sẽ đạt giá trị 18,6 tỷ USD vào năm 2027, tăng 13,8% mỗi năm.
Còn tại Việt Nam, với số lượng các siêu thị mini tăng lên và các cửa hàng tiện lợi tăng gấp 3 lần, cùng với xu hướng bán lẻ trực tuyến đang lên ngôi, nên phát sinh nhu cầu rất cao về kho lạnh và hệ thống vận tải lạnh để giữ hàng hoá tươi và đảm bảo chất lượng lâu dài.
Giới chuyên gia cho rằng, để khuyến khích các DN trong nước đầu tư vào lĩnh vực này rất cần có ưu đãi về lãi suất cho các khoản vay dài hạn nhằm xây dựng các kho lạnh có công suất tối thiểu 5.000 pallet (dùng để kê hàng hóa) trở lên.
Việc khuyến khích các DN nội địa rót vốn đầu tư vào kho lạnh phục vụ cho ngành hàng nông sản rất cần được thúc đẩy mạnh hơn nữa trong lúc này. Bởi lẽ, một nghiên cứu nhằm đo lường tổn thất nông sản thực phẩm và sử dụng chuỗi lạnh tại Việt Nam từng chỉ rõ, có đến 25,4% sản phẩm nông sản được sản xuất bị hư hỏng trước khi được đưa đến các nhà máy chế biến hoặc trung tâm phân phối.
Bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết số 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ. |
Thế Vinh