Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM) vừa đưa ra dự báo tăng trưởng kinh tế năm 2024 theo 2 kịch bản, có thể đạt mức 6,13% theo kịch bản 1, và 6,48% trong kịch bản 2.
Kịch bản nào cho kinh tế 2024?
Theo ông Nguyễn Anh Dương, Trưởng ban nghiên cứu tổng hợp (CIEM), trong kịch bản 1, kinh tế thế giới tiếp tục phục hồi chậm, lạm phát neo cao, các nước chưa hạ lãi suất ở quy mô lớn, chuỗi cung ứng hàng hóa tiếp tục đối mặt với gián đoạn nghiêm trọng ở một số tuyến vận tải. GDP của thế giới tăng 2,9% trong năm 2024. Mức giá của Mỹ tăng tới 2,4%. Giá hàng nông sản xuất khẩu giảm 2,2%. Giá dầu thô thế giới giảm 0,7%.
Nếu làm tốt các động lực tăng trưởng mới, mỗi năm Việt Nam có thêm 1,5 - 2 điểm phần trăm tăng trưởng GDP. |
Về phía Việt Nam, tỷ giá VND/USD của Ngân hàng Thương mại tăng 1,5%. Tổng phương tiện thanh toán tăng khoảng 9%. Tín dụng tăng 15%. Giá nhập khẩu hàng hóa giảm 2%. Dân số tăng 0,84%, và số lao động có việc làm tăng 5% so với năm 2023. Lượng dầu thô xuất khẩu giả thiết giữ nguyên so với năm 2023. Tỷ giá hữu hiệu thực giả thiết giảm 2%...
Kịch bản 2 giữ nguyên hầu hết các giả thiết như trong kịch bản 1, chỉ điều chỉnh: GDP của thế giới tăng 3,2%; tổng phương tiện thanh toán tăng 10%; tín dụng tăng 16%; giá nhập khẩu hàng hóa giảm 5%; tỷ giá VND/USD của ngân hàng thương mại tăng 2%; đẩy mạnh cải cách môi trường kinh doanh, tạo thuận lợi hóa cho các mô hình kinh tế mới (kinh tế số, kinh tế tuần hoàn, kinh tế sáng tạo,…), qua đó cải thiện niềm tin của nhà đầu tư: vốn thực hiện của khu vực FDI (bao gồm cả phía nước ngoài và phía Việt Nam) tăng 5%; cải cách thể chế mạnh mẽ giúp tăng chất lượng tăng trưởng, trong đó có năng suất lao động.
Dự báo của CIEM về tăng trưởng GDP năm 2024 của Việt Nam cao hơn so các tổ chức tài chính quốc tế. Trước đó, báo cáo mới nhất của Ngân hàng Thế giới (WB) dự báo, tăng trưởng toàn cầu 2024 tiếp tục chậm lại, GDP thế giới có thể tăng 2,4%, đánh dấu năm thứ ba liên tiếp giảm tốc. Trong bối cảnh ấy, WB dự báo, tăng trưởng GDP Việt Nam cao hơn đáng kể mức trung bình toàn cầu, sẽ đạt khoảng 5,5%, đứng thứ hai trong khu vực Đông Nam Á, chỉ thấp hơn Philippines (5,8%).
Trong khi đó, Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) dự báo kinh tế Việt Nam tăng trưởng 6% trong năm 2024. Ngân hàng UOB (Singapore) cũng đưa ra dự báo ở mức 6%.
Theo ông Cấn Văn Lực, Chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV, Thành viên Hội đồng Tư vấn Chính sách Tài chính - tiền tệ Quốc gia, đa số các tổ chức tài chính quốc tế dự báo tăng trưởng kinh tế của Việt Nam năm 2024 khoảng 6%, tuy nhiên nhóm nghiên cứu của BIDV lạc quan hơn khi dự báo tăng trưởng của Việt Năm năm nay cao hơn 0,5% so với các dự báo trước đó.
'Thời điểm vàng' của cải cách
Để đạt được mục tiêu trên, vị chuyên gia cho rằng Việt Nam cần đẩy mạnh phát triển các động lực tăng trưởng mới: Nếu đẩy mạnh chuyển đổi số giúp GDP tăng thêm hàng năm bình quân 1% mỗi năm; đẩy mạnh cải cách thể chế kinh tế đóng góp bình quân 0,2% GDP mỗi năm; Nếu làm tốt tăng trưởng xanh và biến đổi khí hậu sẽ giúp tăng từ 1,8 - 2% GDP.
“Nếu làm tốt các động lực tăng trưởng mới, mỗi năm Việt Nam có thêm 1,5 - 2 điểm phần trăm tăng trưởng GDP”, ông Lực nhấn mạnh. Cùng với đó, vị chuyên gia cũng cho rằng, Việt Nam cần phải “làm mới” các động lực tăng trưởng cũ, phải khơi thông nguồn lực ở đầu tư tư nhân và tiêu dùng. Đặc biệt, trong năm 2024, Việt Nam có thể thúc đẩy tăng trưởng mà không quá lo về lạm phát.
Theo bà Trần Thị Hồng Minh, Viện trưởng Viện CIEM, năm 2024 còn nhiều khó khăn với kinh tế Việt Nam nói riêng và thế giới nói chung. Tuy nhiên, nếu duy trì và làm sâu sắc hơn chất lượng cải cách thể chế, kinh tế Việt Nam có thể tự tin về khả năng có những kết quả tích cực trong thời gian tới.
Thực tế cho thấy, để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, Việt Nam không chỉ dựa vào giải pháp tài khóa và tiền tệ, mà đã tạo dựng không ít động lực mới từ cải cách thể chế kinh tế. Các động lực đến từ thúc đẩy đổi mới sáng tạo, phát triển các mô hình kinh tế mới, cải cách môi trường kinh doanh, cơ cấu lại nền kinh tế, hoàn thiện quy hoạch và thể chế liên kết vùng.
Chính phủ cũng đã nhìn nhận thẳng thắn, cầu thị về các vấn đề cần tháo gỡ; trong đó có tình trạng nợ đọng văn bản, kỷ luật, kỷ cương trong hoạt động công vụ, khó khăn đối với hấp thụ vốn… để từ đó có những chỉ đạo, nghiên cứu tháo gỡ.
Bà Minh đánh giá: "Trong bối cảnh phát triển mới, chúng tôi tâm niệm thể chế chính là nguồn lực, thậm chí “chìa khóa” cho tăng trưởng của Việt Nam".
Để đáp ứng được yêu cầu thực tiễn trong bối cảnh năm 2024 nhiều biến số, bên cạnh tinh thần chỉ đạo quyết liệt từ Chính phủ, các Bộ, ngành và chính quyền các địa phương, Ban Nghiên cứu Phát triển kinh tế tư nhân (Ban IV thuộc Hội đồng Tư vấn Cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng Chính phủ) nhấn mạnh cần phải nỗ lực hơn, đặc biệt trong việc đồng hành cùng DN tháo gỡ 5 khó khăn chính: Khó khăn về đơn hàng; Khó khăn về dòng tiền; Khó khăn trong việc thực hiện các thủ tục hành chính và đáp ứng các quy định của pháp luật; Nguy cơ hình sự hóa các giao dịch kinh tế; Khó khăn về tiếp cận vốn vay. Đây là những khó khăn không mới, đã được DN phản ánh và nêu ra trong khảo sát hồi tháng 4/2023, giờ tiếp tục được DN đề cập lại ở thời điểm khảo sát tháng 12/2023.
Theo Ban IV, khi bối cảnh thế giới nhiều biến số nhưng vai trò của Việt Nam không ngừng được củng cố trên trường quốc tế, đây là “thời điểm vàng” của cải cách, giải quyết triệt để những vấn đề nội tại của nền kinh tế cũng như của mô hình phát triển để tạo ra các động lực phát triển mới.
Nhật Linh