Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) vừa phối hợp với Tổ chức Hợp tác Quốc tế Đức (GIZ) vừa tổ chức Hội thảo “Kinh tế Việt Nam năm 2023 và triển vọng năm 2024: Cải cách để tăng tốc phục hồi tăng trưởng”.
CIEM đưa ra 2 kịch bản tăng trưởng GDP 2024 đều trên 6%. |
Theo báo cáo CIEM, Việt Nam bước vào năm 2023 với khá nhiều kỳ vọng, trong bối cảnh kinh tế-xã hội đã phục hồi khá tích cực trong năm 2022 và yêu cầu phải thúc đẩy tăng trưởng nhanh để tạo nền tảng cho việc thực hiện thắng lợi các mục tiêu trong Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 5 năm 2021-2025.
Kinh tế Việt Nam đã thể hiện khá rõ đà phục hồi tăng trưởng khá rõ nét trong nửa cuối năm 2023. Tổng sản phẩm trong nước (GDP) năm 2023 tăng 5,05%, thấp hơn 1,45 điểm phần trăm so với mục tiêu đề ra (6,5%) nhưng đã có sự cải thiện giữa các quý. Đà phục hồi tăng trưởng kinh tế không đi kèm với gia tăng áp lực lạm phát.
Đáng chú ý, báo cáo “Kinh tế Việt Nam năm 2023 và triển vọng năm 2024: Cải cách để tăng tốc phục hồi tăng trưởng” đưa ra 2 kịch bản dự báo triển vọng kinh tế Việt Nam năm 2024.
Kết quả dự báo cho thấy tăng trưởng kinh tế năm 2024 có thể đạt mức 6,13% theo kịch bản 1, và 6,48% trong kịch bản 2. Xuất khẩu cả năm dự báo tăng 4,02% trong kịch bản 1 và tăng 5,19% trong kịch bản 2. Thặng dư thương mại dự báo tương ứng ở các mức 4,02 tỷ USD và 5,19 tỷ USD. Lạm phát bình quân năm 2024 dự báo lần lượt ở mức 34% và 3,72%.
TS. Trần Thị Hồng Minh, Viện trưởng Viện CIEM đánh giá, trước bối cảnh thế giới biến động nhanh và khó lường, Việt Nam vẫn kiên định với các định hướng cải cách, giải pháp điều hành nhằm thúc đẩy phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội, gắn với duy trì ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn.
"Nằm ở một khu vực hội nhập kinh tế sôi động, Việt Nam vẫn là một điểm sáng trong việc thúc đẩy các FTA, gắn với cải thiện mức độ độc lập, tự chủ của nền kinh tế. Thực tế cho thấy, Việt Nam không chỉ dựa vào các giải pháp tài khóa và tiền tệ để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, mà đã tạo dựng không ít động lực mới từ cải cách thể chế kinh tế", bà Minh đánh giá.
Các động lực ấy đến từ thúc đẩy đổi mới sáng tạo, phát triển các mô hình kinh tế mới, cải cách môi trường kinh doanh, cơ cấu lại nền kinh tế, hoàn thiện quy hoạch và thể chế liên kết vùng. "Thực tế, kiến nghị của nhiều chuyên gia về việc tăng cường mở rộng tài khóa-tiền tệ nhằm kích thích tăng trưởng kinh tế cũng dựa trên đánh giá về cải thiện nền tảng về chất lượng thể chế và năng lực cải cách-điều hành kinh tế vĩ mô. Nếu duy trì và làm sâu sắc hơn chất lượng cải cách thể chế, kinh tế Việt Nam có thể tự tin về khả năng có những kết quả tích cực trong thời gian tới", bà Minh đánh giá.
Ngoài ra, CIEM cũng Báo cáo đánh giá kết quả hai năm thực thi Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP). Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành các văn bản liên quan đến tổ chức thực thi RCEP. Kết quả trong giai đoạn 2018-2023, dù còn cần theo dõi thêm, cho thấy tỷ trọng xuất nhập khẩu của Việt Nam với các quốc gia tham gia Hiệp định RCEP nhìn chung giữ xu hướng giảm. Tỷ lệ tận dụng ưu đãi trong RCEP còn tương đối thấp (0,67%). Tuy vậy, góc nhìn về tận dụng ưu đãi trong FTA ở khu vực RCEP cần được mở rộng, bởi RCEP được thiết lập trên cơ sở đã có một loạt FTA ở khu vực Đông Á. Chính vì vậy, việc hiện thực hóa RCEP đã tạo thêm động lực cho các hoạt động tận dụng FTA ở khu vực này (trong đó có các FTA của ASEAN) ngay trong bối cảnh khó khăn do dịch COVID-19.
Việt Nam cần tiếp tục xử lý một số thách thức trong quá trình thực hiện RCEP trong thời gian tới, trong đó có các thách thức về cải thiện tỷ lệ tận dụng ưu đãi, rủi ro gia tăng nhập siêu với một số đối tác trong RCEP, và bảo đảm chất lượng của các dự án FDI từ khu vực RCEP. Thách thức lớn nhất là tăng cường nhận thức, quán triệt cho các cơ quan, doanh nghiệp về tư duy phù hợp để tiếp cận và khai thác hiệu quả cơ hội từ RCEP.
Thy Lê