Trong quý 3/2024 này, như dự kiến của một tổ chức xúc tiến thương mại ở Tp.HCM, là sẽ tổ chức chương trình khảo sát thị trường kết nối giao thương giữa doanh nghiệp (DN) Việt Nam với các hệ thống phân phối, nhà nhập khẩu thị trường Halal tại Indonesia.
Nhìn từ động thái của Indonesia
Điều này được kỳ vọng sẽ góp phần gia tăng kim ngạch xuất khẩu (XK) vào Indonesia trong thời gian tới khi đây là đối tác thương mại lớn thứ ba trong khu vực ASEAN, và là một trong những thị trường nhập khẩu tiềm năng của Việt Nam.
Giao thương với đối tác thu mua từ Indonesia đòi hỏi các DN xuất khẩu theo dõi sát những biến động ở thị trường này để không phải gặp bất lợi. |
Tuy nhiên, các DN cũng cần lưu tâm, theo dõi sát những biến động ở thị trường để không phải gặp tình cảnh bất lợi, rủi ro khi XK. Nhất là khi Indonesia vốn dĩ là thị trường mang tính bảo hộ cao với nhiều hàng rào phi thuế quan, thường xuyên áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại (PVTM), đặc biệt là sử dụng cả biện pháp chống bán phá giá và tự vệ.
Như thông tin mới nhất trong tháng 7/2024 từ Thương vụ Việt Nam tại Indonesia, đó là Indonesia sẽ áp dụng các biện pháp PVTM đối với nhóm hàng dệt may, hàng điện tử, giày dép, gạch ốp lát và mỹ phẩm đang nhập khẩu tràn ngập thị trường nước này trong bối cảnh sản xuất nội địa sụt giảm, nhiều lao động bị mất việc.
Phía Thương vụ khuyến cáo các DN xuất khẩu Việt Nam cần theo dõi sát thông tin thị trường này. Cụ thể là các mặt hàng dệt may, giày dép, hàng điện tử đang là những mặt hàng XK chính, rất quan trọng của Việt Nam sang thị trường Indonesia với tổng kim ngạch XK các nhóm hàng này là 1,5 tỷ USD, chiếm tỷ trọng 30% tổng kim ngạch XK của Việt Nam sang Indonesia hồi năm 2023.
Theo phán đoán, việc giảm thêm sức cạnh tranh hàng hóa đến từ Việt Nam (đặc biệt ngành dệt may) phần nào sẽ giúp ngành dệt may nước này phục hồi đơn hàng (chuyển đơn hàng sản xuất hàng may mặc của các thương hiệu thời trang quốc tế tại Việt Nam sang Indonesia sản xuất để bán tại thị trường Indonesia…).
Hoặc như tình hình XK gạo Việt Nam sang thị trường Indonesia được cho là có khả năng sẽ gặp bất lợi trước việc Cơ quan hậu cần quốc gia- Bulog (Cơ quan được phân giao thu mua gạo thầu quốc tế của Chính phủ Indonesia) và Cơ quan Lương thực quốc gia Indonesia bị một tổ chức dân sự People's Democracy Study (SDR) khiếu kiện lên Ủy ban chống tham nhũng quốc gia (KPU) trong thượng tuần tháng 7/2024.
CTCP Tập đoàn Tân Long của Việt Nam đã được nhắc đến trong cáo buộc này khi chào bán 100.000 tấn gạo với giá 538 USD/tấn nhân chuyến thăm nhà máy xay xát của tập đoàn này trong dịp Bộ trưởng Nông nghiệp Indonesia sang Việt Nam hồi tháng 5/2024.
Tuy nhiên, qua trao đổi với báo chí, ông Trương Sỹ Bá, Chủ tịch HĐQT của Tân Long đã khẳng định tập đoàn này không trúng bất cứ lô hàng nào của Bulog.
Từ cáo buộc của SDR, Thương vụ Việt Nam tại Indonesia nhận định có khả năng sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng tới việc thu mua lúa gạo của Indonesia từ Việt Nam từ nay đến hết năm 2024 hoặc cho tới khi vụ việc được điều tra làm rõ. Trong khi Indonesia lại là thị trường XK gạo lớn thứ 2 của Việt Nam nếu tính riêng trong 5 tháng đầu năm 2024.
Không để bị loại trừ
Trước các rủi ro về PVTM, giới chuyên gia có lời khuyên cho các DN xuất khẩu cần chủ động liên hệ, phối hợp chặt chẽ với các cơ quan hữu quan Việt Nam trong trường hợp Indonesia khởi xướng các biện pháp PVTM có liên quan tới sản phẩm của DN nhằm bảo vệ quyền lợi chính đáng của mình.
Hoặc như việc XK gạo đối mặt với những cáo buộc (như trường hợp ở Indonesia), để các DN không bị động trước “bẫy rủi ro” như vậy, điều mà các cơ quan hữu quan của Việt Nam cần làm là thường xuyên hỗ trợ cho các thương nhân XK gạo hiểu hơn về luật cạnh tranh, PVTM.
Như hồi tháng 6/2024, khi phổ biến pháp luật về cạnh tranh, PVTM cho các thương nhân kinh doanh XK gạo, bà Nguyễn Thị Quỳnh Nga, Phó Chủ tịch Uỷ ban Cạnh tranh Quốc gia, có lưu ý các DN cần nghiên cứu để ứng phó trước các nguy cơ nước nhập khẩu áp dụng biện pháp PVTM đối với các mặt hàng nông lâm thủy sản (bao gồm mặt hàng gạo) của Việt Nam.
Theo bà Nga, các DN cần tuân thủ pháp luật cạnh tranh cùng với các quy định khác của pháp luật liên quan đến kinh doanh XK gạo. Bên cạnh đó, các DN cần xây dựng cơ sở thông tin dữ liệu đáp ứng yêu cầu của thị trường nhập khẩu, cập nhật thông tin về thị trường gạo thế giới, dự báo chính sách nhập khẩu gạo của các nước.
Bàn về thách thức cho XK trong 6 tháng cuối năm 2024, một trong những vấn đề được Bộ Công Thương lưu tâm chính là một số mặt hàng XK chủ lực sang các thị trường lớn sẽ tiếp tục phải đối mặt với các áp lực về điều tra PVTM, các rào cản kỹ thuật liên quan đến môi trường, phát triển bền vững, chuyển đổi xanh.
Chính vì vậy, điều rất cần là các DN phải theo dõi sát diễn biến thị trường XK và thay đổi chính sách của các đối tác nhằm có các giải pháp phù hợp, tránh phải bị động và đối mặt rủi ro.
Bên cạnh đó, như chia sẻ của ông Nguyễn Hữu Nam, Phó Giám đốc Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) - Chi nhánh khu vực Tp.HCM, song song với những điểm sáng, các hiệp định thương mại tự do (FTA) cũng đang đặt ra nhiều áp lực cho DN xuất khẩu, buộc DN phải nhanh chóng thay đổi, bắt kịp các tiêu chuẩn mới nhằm không bị loại trừ, tăng sức cạnh tranh.
Qua nghiên cứu, ông Nam thấy rằng, các thị trường lớn thời gian qua và sắp tới đây sẽ tăng cường siết chặt các tiêu chuẩn, quy chuẩn về hàng hóa. Điều này yêu cầu DN phải có chiến lược, phương án thay đổi quy trình sản xuất, nhập nguyên liệu để hoạt động giao thương không bị ngưng trệ.
Còn đứng ở góc độ quản lý, Bộ Công Thương cho biết sẽ chỉ đạo hệ thống Thương vụ Việt Nam tại các khu vực thị trường thường xuyên cập nhật thông tin về tình hình thị trường nước ngoài và các quy định, tiêu chuẩn, điều kiện của thị trường nước ngoài có thể tác động đến hoạt động XK của Việt Nam và khuyến nghị đối với các địa phương, hiệp hội và DN xuất khẩu.
Thế Vinh