Trước vụ việc xuất khẩu (XK) gần 100 container hạt điều trị giá hàng trăm triệu USD từ Việt Nam sang Ý nhưng doanh nghiệp (DN) Việt không nhận được tiền thanh toán và có nguy cơ mất hàng, nhiều ý kiến bày tỏ băn khoăn về sự dễ dãi khi xuất hàng cho các đối tác mới, chưa phải là khách hàng truyền thống.
Rủi ro từ phương thức thanh toán
Lẽ ra, ngay trong lần đầu XK hạt điều cho các đối tác Ý (thông qua môi giới), các DN Việt nên chọn phương án thanh toán L/C (thanh toán theo thư tín dụng chứng từ) không hủy ngang mở tại các ngân hàng uy tín quốc tế, đồng thời hạn chế cho khách hàng trả chậm, để đảm bảo an toàn cho các bên.
Bài học cần rút ra cho các DN Việt trong lúc này trong hoạt động XK là không thể tiếp tục dễ dãi mà cần thẩm định kỹ các thông tin về phía đối tác ngoại và chọn phương thức thanh toán hạn chế được rủi ro. |
Và khi đối tác mở L/C, cần đề nghị ngân hàng Việt Nam kiểm tra tính xác thực của L/C trước khi giao chứng từ. Qua đó, có thể đảm bảo tính an toàn và hạn chế tối đa rủi ro trong giao dịch, thanh toán.
Trong khi đó, ở sự cố lần này, các doanh nghiệp XK hạt điều lại ủy nhiệm thu cho 5 ngân hàng Việt Nam thông qua phương thức thanh toán D/P (nhờ thu kèm chứng từ).
Phương thức thanh toán D/P là hình thức thanh toán XK phổ biến trong thương mại quốc tế. Trong đó, tổ chức XK chuyển chỉ thị cho ngân hàng xuất trình để giao chứng từ tiêu đề hàng hóa cho người nhập khẩu (NK) chỉ khi người NK thanh toán đầy đủ theo hóa đơn giá trị hoặc hối phiếu. Nói cách khác, nhà NK chỉ có thể nhận hàng sau khi đã thanh toán cho ngân hàng xuất trình.
Phương thức này có ưu điểm là dễ dàng đưa vào sử dụng do không yêu cầu hạn mức tín dụng với ngân hàng. Về mặt thủ tục dễ dàng cho cả người bán và người mua. Chi phí và phí quản lý của việc sử dụng phương thức thanh toán D/P thấp hơn đáng kể so với các phương thức khác như tín dụng chứng từ.
Tuy vậy, giới chuyên gia lưu ý phương thức thanh toán D/P được cho là chứa đựng nhiều rủi ro. Trong đó, rủi ro lớn nhất là người mua có thể từ chối hàng hóa mà không có lý do chính đáng và không thanh toán. Hệ lụy sẽ dẫn đến tình trạng người bán không bao giờ được trả tiền trong khi phải quản lý việc trả hàng từ cảng nước ngoài.
Điều này có thể nhìn rõ từ văn bản hoả tốc gửi đến Đại sứ quán và Thương vụ Việt Nam tại Ý hôm 8/3, Hiệp hội Điều Việt Nam (Vinacas) có đề nghị hỗ trợ bằng cách làm việc với các cơ quan có thẩm quyền và hãng tàu tại Ý nhằm có thể áp dụng các biện pháp “khẩn cấp” tạm thời giữ lại các lô hàng đang nằm tại cảng và sẽ đến cảng.
Tuy nhiên, với 100 container nhân điều được vận chuyển một quãng đường dài từ Việt Nam sang Ý, dù được tạm thời giữ lại tại cảng thì thiệt thòi cuối cùng vẫn là người bán.
Cẩn trọng tránh “tiền mất...”
Đặc biệt là chi phí quá đắt đỏ đối với người bán để trả tiền vận chuyển trở lại. Vì thế, trong chuyện rủi ro này, phía DN Việt có khi buộc phải tìm mọi cách để “bán tháo” số container hạt điều đó ngay tại Ý với một khoản chiết khấu khá cao.
Hệ luỵ của sự dễ dãi, cả tin của DN Việt với đối tác “ảo” ở nước ngoài cũng có thể thấy rõ từ cảnh báo hôm 7/3 của Thương vụ Việt Nam tại Ma-rốc.
Cụ thể, Công ty KN Universe Plastic ở thành phố Casablanca (Ma-rốc) của đối tượng có tên là Khalid mới đây đã tiếp tục lừa lừa đảo một DN xuất khẩu hàng nhựa nguyên liệu của Việt Nam với thủ đoạn mới: Nói với DN xuất khẩu có người nhà bị Covid 19 sẽ thanh toán sau để câu giờ, đồng thời cấu kết với các đối tượng có liên quan thông quan lô hàng, nhưng không thanh toán, lảng tránh mọi liên hệ.
Theo thông tin từ hãng tàu, đối tượng Khalid và KN Universe Plastic đã... thông quan trộm lô hàng từ ngày 29/1/2022! KN Universe Plastic là tên mới thay đổi của Công ty Fisherlab Sarl, có tiền sử lừa đảo DN Việt Nam mà Thương vụ Ma-rốc đã cảnh báo tới cộng đồng DN trong nước vào đầu tháng 4/2020.
Thực ra, những vụ lừa đảo từ các đối tác NK đã được cảnh báo rất nhiều. Nếu như trước năm 2020, những đối tác “ảo” lừa đảo các DN Việt Nam chủ yếu đến từ châu Phi thì vài năm trở lại đây đã xảy ra phổ biến hơn ở những thị trường tiềm năng như châu Âu, Bắc Mỹ, Trung Đông…
Giới chuyên gia cho rằng chính sự cả tin, dễ dãi, chủ quan trong phương thức thanh toán khiến cho các DN Việt (là bên bán) cuối cùng chịu cảnh “tiền mất tật mang” khi giao hàng nhưng bên mua không trả tiền.
Chiêu thức của các đối tác “ảo” thì có thừa. Như trong vụ lừa đảo từ đối tác nhập khẩu ở Ma-rốc, thủ đoạn trước đây của đối tượng Khalid và Công ty Fisherlab Sarl là ký hợp đồng nhập khẩu 1 - 2 lần đầu số lượng ít, thanh toán đầy đủ để tạo niềm tin.
Sau đó, Khalid đề nghị ký hợp đồng lớn và trở mặt với lý do chất lượng hàng không đảm bảo, đòi trả lại tiền, không hợp tác để xử lý lô hàng, thông đồng lấy trộm hàng, lảng tránh mọi liên hệ.
Qua những vụ việc lừa đảo từ các đối tác “ảo”, bài học cần rút ra cho các DN Việt trong lúc này trong hoạt động XK là không thể tiếp tục dễ dãi mà phải cần thẩm định kỹ các thông tin về phía đối tác ngoại (nhất là các đối tác mới giao dịch lần đầu). Đồng thời, có sự chuyên nghiệp về mặt pháp lý trong thoả thuận hợp đồng XK và chọn cho mình phương thức giao dịch thanh toán ít rủi ro hơn dù có thể tốn chi phí nhiều hơn…
Thế Vinh