Thống kê của Bộ NN&PTNT cho thấy, kim ngạch xuất khẩu (XK) nông lâm thủy sản quý I/2022 ước trên 12,8 tỷ USD, tăng 15,3% so với cùng kỳ năm trước.
Nông sản được giá vẫn khó vui
Đáng chú ý, trong quý I, nhiều mặt hàng đạt giá trị xuất khẩu cao hơn so với cùng kỳ, như: Cao su, chè, gạo, hồ tiêu, sắn và các sản phẩm từ sắn, cá tra, tôm, gỗ và các sản phẩm gỗ.
Nông sản Việt Nam vẫn chưa khẳng định được thương hiệu tới người tiêu dùng thế giới. |
Cụ thể, giá trị xuất khẩu cà phê đạt khoảng 1,2 tỷ USD (tăng 50,4%); cao su đạt khoảng 746 triệu USD (tăng 10,7%); gạo đạt 715 triệu USD (tăng 10,5%); hồ tiêu khoảng 252 triệu USD (tăng 40,8%); sắn và sản phẩm sắn đạt 420 triệu USD (tăng 15,5%), cá tra đạt 606 triệu USD (tăng 82,0%), tôm đạt 929 triệu USD (tăng 39,7%), gỗ và sản phẩm gỗ đạt trên 3,9 tỷ USD (tăng 3,0%); mây, tre, cói thảm đạt 265 triệu USD (tăng 34,4%).
Với mặt hàng gạo, theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam, chỉ trong vòng 2 tuần gần đây, giá gạo xuất khẩu 100% tấm của Việt Nam đã được điều chỉnh tăng 3 đợt, với tổng mức tăng lên tới 17 USD/tấn. Ngày 16/4, giá gạo 5% tấm xuất khẩu của Việt Nam đạt mức 415 USD/tấn, trong khi loại gạo này của Thái Lan hiện giao dịch ở mức 408 - 412 USD/tấn. Cùng với đó, gạo 25% tấm có giá 395 USD/tấn và gạo 100% tấm có giá 360 USD/tấn. Giá gạo xuất khẩu của Việt Nam cũng đạt mức cao nhất trong vòng gần 4 tháng trở lại đây.
Tuy vậy, đằng sau những thông tin tích cực trên, xuất khẩu nông sản của Việt Nam vẫn đối mặt với nhiều khó khăn, nhất là trong việc định vị thương hiệu.
Ông Lê Phú Cường, Tham tán Thương mại Việt Nam tại Thổ Nhĩ Kỳ, chia sẻ nông sản Việt Nam rất tiềm năng nhưng để chinh phục được thị trường này lại không hề dễ dàng, trước hết là vượt qua đối thủ Thái Lan.
Ông Cường kể trong chuyến thăm một doanh nghiệp phân phối bản địa, họ chia sẻ ưa chuộng nhập dứa đóng hộp của Thái Lan hơn Việt Nam là vì giá của Thái Lan cạnh tranh hơn chúng ta. Điều đó có nghĩa, chúng ta luôn có thị trường nhưng sản phẩm phải cạnh tranh được về giá và chất lượng.
Hiện nay, Thổ Nhĩ Kỳ có 4 doanh nghiệp chuyên nhập khẩu các sản phẩm thực phẩm từ châu Á với quy mô lớn nhưng rất ít doanh nghiệp Việt Nam tiếp cận được các nhà nhập khẩu này. Ông Cường cho rằng một phần do không có nhiều doanh nghiệp Việt Nam sang tận nơi tham gia các hội chợ hay gặp gỡ các đối tác Thổ Nhĩ Kỳ để xây dựng lòng tin, tìm kiếm các cơ hội kinh doanh.
"Trong một vài hội chợ Thương vụ tham gia, chúng tôi có trưng bày sản phẩm nông sản của Việt Nam, các đối tác này đến tìm hiểu nhưng khi đề cập tới vấn đề giao thương, ký kết hợp đồng thì các nhà mua hàng Thổ Nhĩ Kỳ bảo rằng để họ hỏi xem đối tác bên Thái Lan có sản phẩm này không thì mới tính xem có mua của Việt Nam hay không. Đây là điều khiến chúng ta phải nỗ lực hơn nữa trong việc tiếp cận thị trường, xây dựng uy tín với nhà nhập khẩu lớn", ông Cường nói và cho biết đây là những chia sẻ rất thật lòng của mình.
Chất lượng là hướng đi tất yếu
Đang đẩy mạnh xuất khẩu nhiều mặt hàng nông sản Việt Nam sang Hàn Quốc, ông Nguyễn Quang Thảo, Giám đốc công ty TPS, nêu một điểm hạn chế lớn nhất mà nông sản Việt Nam gặp phải là vấn đề chất lượng. Theo đó, thị trường Hàn Quốc rất khắt khe trong việc kiểm tra dư lượng hóa chất với các loại rau quả; còn thuỷ sản sẽ được kiểm tra vấn đề vi sinh, kháng sinh. Hầu hết các doanh nghiệp Việt Nam gặp khó ở lĩnh vực này. Theo đó, tốt nhất rau quả Việt Nam nên kiểm tra chất lượng trước khi xuất khẩu sang Hàn Quốc.
Thêm vào đó, ông Thảo cho hay đa phần nông sản Việt Nam vẫn xuất khẩu thô, tươi, hàng sấy sang Hàn Quốc với giá trị gia tăng không cao, rủi ro lớn vì là hàng tươi nên nếu không làm cẩn thận thì hư hỏng, chất lượng giảm sút.
"Vừa qua, một số nhà nhập khẩu phàn nàn rất lớn về chất lượng quả nhãn của Việt Nam khi xuất khẩu sang thị trường này. Dẫn đến, sau đó chúng tôi có xuất khẩu một lô hàng nhãn chất lượng cao nhưng cũng không được đối tác đánh giá cao vì cảm giác thất vọng trước đó vẫn tồn tại như một định kiến. Việc không chú trọng vào chất lượng không chỉ khiến doanh nghiệp đó bị ảnh hưởng mà cả ngành hàng sẽ bị thiệt hại theo", ông Thảo phàn nàn.
Hay thủy sản cũng là mặt hàng có tốc độ xuất khẩu tăng mạnh trong những tháng đầu năm, bà Lê Hằng, Phó Giám đốc Trung tâm VASEP.PRO. đánh giá triển vọng xuất khẩu tiếp tục khởi sắc trong quý II. Nhu cầu thị trường vẫn đang rất cao, giá xuất khẩu cao sẽ đẩy giá trị doanh số lên cao. Tuy vậy, các doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản cũng không được hưởng lợi nhiều.
"Nguyên nhân là do chi phí sản xuất, kinh doanh quá lớn nên nói thẳng thắn là tốc độ tăng giá xuất khẩu không thể bù đắp tốc độ tăng chi phí sản xuất và bán hàng. Để giữ khách hàng, tận dụng cơ hội thị trường, doanh nghiệp chấp nhận giảm tỷ suất lợi nhuận trong năm nay", bà Hằng cho biết.
Theo bà Hằng, xuất khẩu thủy sản Việt Nam đang phải cạnh tranh gay gắt với các đối thủ như Ấn Độ, Ecuador về giá. Còn về vấn đề chất lượng, doanh nghiệp muốn xuất khẩu sang thị trường lớn như Mỹ, EU hay Nhật Bản thì đều phải xác định đây là chuyện tất yếu, buộc phải thích nghi nếu muốn tồn tại.
Lê Thúy