Điều này có thể nhìn thấy từ việc 15.000 tấn thanh long ở huyện Châu Thành (Long An), khi bước vào thu hoạch rộ trong nửa đầu tháng 8/2021, đã được thu mua hết sau nhiều lo lắng tắc đầu ra trước đó.
Gỡ bí đầu ra
Qua tìm hiểu được biết, đó là nhờ có nhiều tổ chức, cá nhân trong và ngoài tỉnh Long An đặt mua để làm từ thiện trong dịch Covid-19 đợt 4 này. Ngoài ra, một số nhà kho cũng mua tích trữ với số lượng lớn, nhằm giúp người trồng thanh long qua cơn khốn khó.
Theo ông Trần Thái Long, quản lý nhà kho Thanh Long Hồng Nguyên Long, với trách nhiệm liên kết và chia sẻ nên nhà kho của ông đã thu mua khoảng 1.000 tấn thanh long của các nông dân ở huyện Châu Thành trong đợt thu hoạch này, dù đầu ra đang rất khó khăn.
Tác động của dịch Covid-19 đợt 4 đòi hỏi chuỗi cung ứng ngành hàng nông sản cần liên kết chặt chẽ hơn nữa. |
Còn theo ông Nguyễn Quốc Trịnh, Chủ tịch Hiệp hội thanh long tỉnh Long An, các HTX, đơn vị đang phải tích cực tìm kiếm nguồn tiêu thụ dù 15.000 tấn thanh long ở huyện Châu Thành đã được thu mua hết. Nhất là khi số lượng thanh long đang trữ ở các nhà kho đông lạnh ở huyện này cũng còn khá nhiều (khoảng 5.000 tấn).
Còn tại tỉnh Tiền Giang, những ghi nhận mới nhất cho thấy, trong nửa đầu tháng 8 toàn tỉnh có 1.426 ha rau màu cho thu hoạch, với sản lượng khoảng 21.400 tấn và đã được tiêu thụ hết.
Việc tiêu thụ hết toàn bộ số rau màu trên giữa những ách tắc do dịch bệnh gây ra được cho là nhờ có liên kết tốt giữa người nông dân, HTX với các đơn vị phân phối.
Ngành nông nghiệp tỉnh Tiền Giang cũng xác định mục tiêu trong việc tiêu thụ nông sản lúc này là ưu tiên thị trường nội địa thông qua kết nối thu mua nông sản giữa các địa phương, doanh nghiệp (DN) và nông dân nhằm giảm gánh nặng đầu ra của nông sản.
Còn ở Cần Thơ, theo ông Trần Thái Nghiêm, Phó giám đốc Sở NN&PTNT, trong thời gian đầu thực hiện giãn cách xã hội, do bị động trong khâu thu hoạch và vận chuyển nông sản nên nông dân, các hợp tác xã sản xuất gặp khó khăn trong tiêu thụ nông sản.
Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, theo ông Nghiêm, nhờ có Tổ công tác đặc biệt phía Nam của Bộ NN&PTNT (Tổ 970) phối hợp cùng Cần Thơ tích cực vào cuộc, tìm đầu mối kết nối tiêu thụ nông sản, giúp tháo gỡ phần nào khó khăn cho nông dân.
Điển hình là với quả nhãn đang vào mùa chín rộ với sản lượng hàng ngàn tấn, tiêu thụ khó khăn, nhất là ở một số HTX trồng nhãn ở huyện Cờ Ðỏ (Cần Thơ). Rất may là nhờ có sự hỗ trợ của Tổ 970 và các ngành chức năng ở Cần Thơ nên Công ty VINA T&T group và một số siêu thị đã đến thu mua, tiêu thụ.
Bất cập chuỗi cung ứng
Trong khi đó, ở Hậu Giang, các địa phương trong tỉnh vẫn đang xem xét thu mua giải cứu hàng trăm tấn rau quả chưa có thương lái thu mua, tập trung ở các huyện Châu Thành A, Vị Thuỷ, Châu Thành, Phụng Hiệp, thành phố Ngã Bảy. Tuy nhiên, dù giải pháp đã được đưa ra nhưng số lượng rau quả đã được giải cứu trên thực tế chưa nhiều so với số lượng còn tồn đọng.
Trong vấn đề tiêu thụ nông sản nhằm gỡ khó cho nông dân giữa đại dịch Covid-19 đợt 4, giới chuyên gia cho rằng trách nhiệm chia sẻ, hỗ trợ từ phía doanh nghiệp, cơ quan chức năng có liên quan là rất cần thiết. Tuy nhiên, điều quan trọng hơn nữa là cần phải rút ra được bài học từ tính liên kết để người nông dân không phải chật vật đầu ra.
Nhất là khi dịch Covid-19 đã chứng tỏ tình trạng liên kết kém hiệu quả, bất cập trong các chuỗi cung ứng ngành hàng nông sản ở các tỉnh phía Nam, dẫn đến số lượng lớn nông sản tồn đọng, khối lượng hàng tồn trong các kho trữ lạnh và tình trạng thiếu linh hoạt trong hoạt động kết nối tiêu thụ.
Do đó, bài học liên kết rút ra cho chuỗi cung ứng nông sản giữa đại dịch là đòi hỏi phải có tốc độ nhanh hơn, tính linh hoạt cao hơn, sự vào cuộc của các cơ quan chức năng khẩn trương hơn. Tức là ngành hàng nông sản phải định hình lại chuỗi cung ứng có tính liên kết chặt chẽ, tổng lực hơn.
Nhất là ở thị trường tiêu thụ nông sản trong nước, bên cạnh các vấn đề khó khăn chủ quan do dịch Covid-19 gây ra thì rất cần xây dựng nhiều chuỗi cung ứng hơn với vai trò lớn của DN và hợp tác xã (HTX).
Có lẽ cũng cần tham khảo việc liên kết như tại HTX bưởi Thành Công ở xã Kế Thành, huyện Kế Sách (tỉnh Sóc Trăng). Mặc dù giữa giai đoạn dịch Covid-19 diễn biến căng thẳng, thế nhưng các nhà vườn là thành viên của HTX rất phấn khởi khi trái bưởi của họ có được đầu ra khá ổn định vì đã có CTCP Vinagreenco bao tiêu toàn bộ sản lượng trái sau thu hoạch.
Bình quân mỗi ngày, lượng bưởi của công ty này thu mua từ 8 -10 tấn. Trong thời điểm thực hiện Chỉ thị số 16 của Thủ tướng Chính phủ, để đảm bảo phòng, chống dịch, ngành nông nghiệp của Sóc Trăng đã đề nghị công ty thu mua bưởi tại huyện Kế Sách cử người trực tiếp ở ngay tại địa phương để thu mua trái bưởi. Trong khi đó, HTX sẽ đứng ra thu mua bưởi về giao lại cho phía công ty vận chuyển đi tiêu thụ, không để xảy ra tình trạng tồn đọng.
Qua câu chuyện trên có thể thấy, nếu có sự liên kết tốt, chuẩn bị bài bản như ở HTX bưởi Thành Công và sự hỗ trợ của các cơ quan chức năng cùng DN, dù dịch Covid-19 có phức tạp thì việc tiêu thụ nông sản vẫn được khơi thông. Đây có thể xem là bài học về sự liên kết để các nông dân tham gia tốt hơn vào chuỗi giá trị nông sản, để “gặt” thành công chứ không phải là thất bại như trong lúc khó khăn này.
Thế Vinh
Bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết số 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ. |