Bàn về sách lược cho năm 2024, một doanh nghiệp (DN) hàng đầu về xuất khẩu (XK) tôm là CTCP thực phẩm Sao Ta (FMC) nhấn mạnh đến tính linh hoạt. Nhất là trong bối cảnh có nhiều biến động thì sự linh hoạt, kịp thời có thể mang nhiều cơ hội, khi thoát khỏi nguy cơ sớm.
Biến thách thức thành cơ hội
Chẳng hạn về mặt thị trường XK, ngoài việc duy trì những thị trường đang có thì FMC sẽ tiếp tục tăng cường phát triển thị trường Nhật Bản, cũng như chú trọng tìm hiểu từng bước thâm nhập thị trường Trung Quốc, trên nền tảng phát huy thế mạnh của mình.
Các DN xuất khẩu nông sản cần có sách lược linh hoạt về mặt thị trường trước những biến động kéo dài như trong tháng 1/2024. |
Trong bối cảnh khó khăn đang diễn ra trên thế giới được cho là kéo dài ít nhất tới đầu quý 3/2024, với môi trường hoạt động còn đầy phức tạp và nhất là trở ngại còn quá nhiều, theo Ts. Hồ Quốc Lực, Chủ tịch HĐQT của FMC, phía công ty luôn toan tính tìm lối đi của mình có thể thoát ra hoàn cảnh này sớm nhất, cũng như luôn chú trọng tìm thời cơ cho mình.
Với các DN thủy sản hiện nay, điều lo ngại là tình hình biến động ở những điểm “nóng” trên thế giới (đơn cử như xung đột ở Trung Đông, căng thẳng ở Biển Đỏ) làm xáo trộn thương mại toàn cầu, sẽ ảnh hưởng đến hoạt động XK của họ. Điều này đòi hỏi bản thân DN theo dõi sát diễn biến và linh hoạt thích ứng.
Chính vì vậy, như nhận định đưa ra hôm 29/1 từ bà Lê Hằng, Giám đốc Truyền thông của Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản (Vasep), có thể sẽ có những cú “bẻ lái” về thị trường XK và biến thách thức thành cơ hội.
Bà Hằng đưa ra ví dụ như Trung Quốc có thể sẽ thu hút nhiều DN thủy sản hơn trong năm nay, vì vị trí địa lý gần, chi phí vận chuyển thấp, dễ kiểm soát hơn.
“Quan trọng hơn là Trung Quốc chắc chắn bị giảm nguồn cung từ Ecuador do cả vấn đề an ninh bất ổn tại đất nước Nam Mỹ này và do cả vấn đề vận tải biển khó khăn, chi phí tăng…Do vậy, Trung Quốc sẽ phải bù đắp nguồn cung từ Việt Nam và các nước châu Á khác”, bà Hằng chia sẻ.
Không riêng gì DN thủy sản, tình hình biến động trên thế giới như hiện tại đang đòi hỏi các DN ở những ngành XK chủ lực cần hết sức lưu tâm về mặt thị trường. Chẳng hạn với tình hình căng thẳng ở Biển Đỏ, theo Bộ phận phân tích thuộc Công ty chứng khoán Yuanta, các mặt hàng chủ lực của Việt Nam sang châu Âu như dệt may, giày dép, điện thoại và linh kiện có thể chịu ảnh hưởng do sự kết hợp giữa thời gian giao hàng kéo dài và giá cước tăng, chi phí bảo hiểm tăng, tạo ra rủi ro cho các DN xuất khẩu.
Ngoài ra, theo Yuanta, do sự cố tại Suez, tình trạng thiếu hụt vỏ container rỗng đang diễn ra khi nhu cầu sử dụng container từ Mỹ và châu Âu vẫn ở mức cao. Các container chứa hàng bị trì hoãn tại các cảng ở châu Âu và Mỹ do tình trạng tắc nghẽn tại cảng, đồng thời các tàu chở hàng bị kẹt ở Suez không thể mang container rỗng quay về châu Á đúng lịch trình, gây tình trạng mất cân bằng cung – cầu container trên thị trường vận tải giai đoạn này. Điều đó cũng gây ra bất lợi cho các DN xuất khẩu của Việt Nam.
Cần có sách lược linh hoạt
Cho nên, việc DN xuất khẩu có những cú “bẻ lái” về mặt thị trường khi xảy ra các biến động như vậy là rất quan trọng. Đặc biệt là cần chú trọng nhiều hơn đến những thị trường gần, ít rủi ro, có nhiều lợi thế, nhu cầu tiêu thụ cao, có dư địa tăng trưởng.
Như với các DN xuất khẩu của Tp.HCM, trong bối cảnh nhiều biến động như hiện tại, giới chuyên gia lưu ý họ cần tìm kiếm đối tác, mở rộng thị trường XK sang các thị trường tiềm năng là Nhật Bản, Hàn Quốc, và Ấn Độ.
Nhất là khi ba thị trường tiềm năng ở ba quốc gia Việt Nam đã ký hiệp ước đối tác chiến lược toàn diện hiện đang chiếm tỷ trọng rất khiêm tốn trong tổng kim ngạch XK của TP. HCM là: Nhật Bản (7,16%), Hàn Quốc (4,31%) và Ấn Độ (1,41%).
Không riêng gì Tp.HCM, theo dữ liệu hồi năm rồi cho thấy XK hàng hoá của Việt Nam sang 2 quốc gia Nhật Bản và Hàn Quốc vẫn chiếm tỷ trọng nhỏ trong tổng nhập khẩu của 2 quốc gia này, lần lượt là 2,7% và 3,3%, trong khi đây là hai đối tác kinh tế quan trọng của Việt Nam.
Cho nên các DN xuất khẩu cần quan tâm nhiều hơn đến hai thị trường này trong thời gian tới khi mà Việt Nam đang có lợi thế nhờ các Hiệp định thương mại tự do (FTA) đã ký với Nhật Bản và Hàn Quốc. Điển hình như từ năm 2024, trái cây từ Việt Nam được hưởng thuế suất 0% theo FTA Việt Nam - Hàn Quốc, trong khi các quốc gia khác trong khu vực ASEAN vẫn chịu thuế 36%, hoặc từ Trung Quốc chịu thuế 27%.
Riêng với thị trường Ấn Độ, theo Thương vụ Việt Nam tại quốc gia này, XK hàng hóa sang thị trường Ấn Độ trong năm 2024 vẫn mở ra cơ hội cho DN Việt, khi nhu cầu tiêu dùng tại thị trường có 1,4 tỷ dân dần phục hồi và lấy lại đà tăng trưởng sau đại dịch.
Theo đó, nhìn vào cơ cấu hàng XK và sự tăng trưởng XK trong thời gian qua có thể thấy, về phía Việt Nam nhóm ngành sản xuất điện thoại, nông sản, sắt thép...có nhiều cơ hội để đẩy mạnh XK sang Ấn Độ. Hơn nữa, như khuyến khích từ phía Thương vụ, DN Việt Nam XK sang Ấn Độ cần tạo hệ sinh thái tại thị trường này, cũng như tiếp cận thị trường thương mại điện tử đầy tiềm năng tại quốc gia này.
Hoặc như trong khu vực ASEAN, dù có nhiều dư địa tăng trưởng XK nhưng các DN Việt có vẻ như vẫn còn bỏ ngỏ. Theo đánh giá từ phía Thương vụ Việt Nam tại Philippines, với thị trường có nhiều tiềm năng như Philippines nhưng cơ cấu sản phẩm XK của Việt Nam còn chưa cân xứng. Số lượng các mặt hàng, ngành hàng XK còn hạn chế, chỉ khoảng 35 mặt hàng, ngành hàng, trong khi còn rất nhiều các mặt hàng, ngành hàng có tiềm năng khai thác tại thị trường này.
Ngoài ra, theo phía Thương vụ, trong cơ cấu mặt hàng XK của Việt Nam sang Philippines tỷ trọng mặt hàng nông sản lớn trong khi các ngành hàng khác manh mún, nhỏ lẻ, sản phẩm ít đa dạng. Chưa có sản phẩm, mặt hàng nông sản tươi sống (hoa quả, thịt) nào vào được thị trường Philippines mặc dù nhu cầu tiêu dùng rất lớn.
Tóm lại, trước những biến động khó lường trên thế giới trong năm 2024 thì các DN xuất khẩu cần phải biết “biến nguy thành cơ”, đặc biệt là có sách lược linh hoạt về mặt thị trường thông qua những cú “bẻ lái” đầy tự tin của mình.
Thế Vinh