Theo Bộ NN&PTNT, ước tính nhập khẩu (NK) nông, lâm, thủy sản 8 tháng đầu năm 2018 lên đến 20,72 tỷ USD, tăng 9,2% so với cùng kỳ năm 2017. Trong đó, nhiều ngành xuất khẩu (XK) chủ lực của Việt Nam phải NK nguyên liệu phục vụ cho sản xuất.
Cụ thể, khối lượng điều nhân Việt Nam XK 8 tháng đầu năm 2018 ước đạt 238.000 tấn với kim ngạch 2,2 tỷ USD, nhưng phải chi ra tới 1,81 tỷ USD để NK 896.000 tấn hạt điều nguyên liệu.
Phụ thuộc nguyên liệu nhập
Thời gian qua, ngành điều đang xảy ra tình trạng khi thấy thị trường XK điều nhân khởi sắc, các nhà máy đua nhau tăng công suất, tranh mua cả trong nước lẫn NK để có nguyên liệu.
Có thời điểm, giá điều thô nhập từ châu Phi chỉ ở mức 400-500 USD/tấn, đến khi nhiều doanh nghiệp (DN) Việt tham gia, tranh mua đã đẩy lên mức 1.000 USD/tấn.
Hậu quả là DN Việt bị các nhà cung cấp điều thô châu Phi tạo sức ép, tăng giá bán, đặt cọc, đến khi nhận hàng phải trả thêm tiền hoặc chất lượng không như cam kết nhưng không được bồi thường.
Với mặt hàng thủy sản, Việt Nam luôn được đánh giá là có tiềm năng và lợi thế rất lớn nhưng 8 tháng đầu năm 2018, ngành này cũng NK với kim ngạch lên tới 1,14 tỷ USD, tăng 24,1% so với cùng kỳ năm 2017.
Với ngành gỗ và các sản phẩm gỗ, luỹ kế NK 8 tháng đầu năm đạt 1,45 tỷ USD, tăng 0,6% so với cùng kỳ năm 2017. Trong bối cảnh căng thẳng thương mại, Bộ NN&PTNT cho biết tình trạng thiếu hụt nguyên liệu gỗ có tính hợp pháp tiếp tục là những yếu tố chi phối thị trường gỗ thế giới.
Liên quan đến vấn đề đảm bảo nguồn nguyên liệu gỗ hợp pháp, một loạt nhà XK gỗ nguyên liệu lớn đã có các biện pháp nhằm đẩy mạnh và nâng cao tính hợp pháp cho nguồn gỗ rừng trồng.
Chẳng hạn như Indonesia – nhà XK gỗ lớn tại khu vực Đông Nam Á và là đối thủ cạnh tranh trực tiếp của Việt Nam tại các thị trường như Trung Quốc, EU, Nhật Bản cũng đã hoàn thành việc đàm phán các Hiệp định đối tác tự nguyện về tăng cường thực thi lâm luật (VPA – FLEGT) với EU.
"Trong năm 2017, Việt Nam đã hoàn tất đàm phán VPA-FLEGT, tuy nhiên cho đến nay, Việt Nam vẫn đang trong giai đoạn đầu triển khai. Trước hết, cần học hỏi kinh nghiệm thành công của các nước đi trước trong việc thực thi hiệp định này", Bộ NN&PTNN khuyến cáo.
Điều đó đặt ra vấn đề ngành nông nghiệp Việt Nam cần phải xây dựng vùng nguyên liệu bền vững, việc không quy hoạch vùng sản xuất nguyên liệu đã dẫn đến sản phẩm XK bị hạn chế hoặc chủ yếu XK thô.
Ông Nguyễn Tôn Quyền, Tổng Thư ký Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam, cho biết hiện nhiều tỉnh ở vùng Tây Bắc, Đông Bắc, Tây Nguyên, Duyên hải miền Trung và Đông Nam bộ, diện tích rừng trồng nhỏ so với diện tích đất tự nhiên. Nhiều DN chế biến gỗ mong muốn đầu tư trồng rừng để ổn định nguyên liệu nhưng không có đất.
Vì vậy, ông Quyền mong muốn mở rộng diện tích rừng trồng trên đất đã giao cho người dân theo hình thức liên kết giữa DN chế biến gỗ với chủ rừng là hộ gia đình và HTX trồng rừng.
"Song hành cùng các biện pháp đảm bảo nguồn cung gỗ nguyên liệu trong ngắn hạn như duy trì và đa dạng hóa nguồn gỗ NK, tiếp cận nguồn nguyên liệu từ các thị trường ít rủi ro, cần chú trọng các giải pháp dài hạn về phát triển rừng gỗ lớn, đảm bảo nguồn cung trong nước cũng như tích cực đẩy mạnh cấp chứng chỉ rừng", ông Quyền khuyến nghị.
![]() |
Xuất hiện DN Việt Nam nhưng do người Trung Quốc làm chủ, cạnh tranh quyết liệt với các DN chè trong nước trong việc thu mua nguyên liệu |
Khốn khổ vì thương lái
Không chỉ phụ thuộc nguyên liệu NK, mà nhiều mặt hàng nông sản đang xảy ra tình trạng khó cạnh tranh với thương lái Trung Quốc khi thu mua nguyên liệu.
Đơn cử như ngành chè, mới đây, bà Nguyễn Thị Ánh Hồng, Tổng thư ký Hiệp hội Chè Việt Nam, cho biết hiện vùng nguyên liệu chè không nhiều, gần như rất khó mở rộng. Mỗi năm, ngành chè Việt Nam thiệt hại khoảng 1.000 tỷ đồng do thiếu liên kết tổ chức sản xuất, thiếu vùng nguyên liệu.
Hơn nữa, hiện đang xảy ra tình trạng các địa phương để xưởng sơ chế chè nhỏ lẻ mọc tràn lan, tranh giành nguyên liệu, gây khó khăn cho các nhà máy.
Cụ thể, ngành chè đang phát triển đặc sản chè cổ thụ, tuy nhiên xuất hiện hiện tượng DN đứng tên Việt Nam nhưng chủ Trung Quốc – thu mua, giành giật nguyên liệu bằng cách đẩy giá lên cao.
Nhà máy trong nước mua 20.000 đồng/kg nhưng DN Trung Quốc mua với giá 30.000 đồng/kg. Điều này gây khó khăn cho DN trong việc thu mua nguyên liệu.
Báo cáo của Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản mới đây cũng nêu lên thực trạng này. Trong bối cảnh xung đột thương mại Mỹ – Trung đang căng thẳng, ngày càng xuất hiện DN Việt Nam nhưng do người Trung Quốc làm chủ, cạnh tranh quyết liệt với các DN chè trong nước trong việc thu mua nguyên liệu. Điều này khiến cho các DN gặp không ít khó khăn, đặc biệt là trong giai đoạn XK đang có xu hướng giảm như hiện nay.
Đối với ngành chè, Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản kiến nghị cần có cơ chế thích hợp để ngăn chặn việc các DN Trung Quốc "làm giá" trên thị trường chè, gây ảnh hưởng lớn tới DN Việt Nam. Cùng với đó, cần có chính sách hỗ trợ vốn và công nghệ để các DN chè đầu tư chế biến sâu các sản phẩm chè và phát triển vùng nguyên liệu.
Bà Nguyễn Thị Thành Thực, Chủ tịch kiêm Giám đốc công ty Bagico, chia sẻ thời điểm năm 2002, mỗi ngày công ty xuất được hơn 200 tấn vải sang Trung Quốc nhưng hiện nay không thể xuất được vì thương lái Trung Quốc đã sang tận nơi, đặt hàng tận vườn.
"Họ biết Việt Nam có những cái gì ngon nhất, có vào thời gian nào, thu hoạch như thế nào rồi gom mua. Người Trung Quốc mua sản phẩm thô Việt Nam để xuất sang Trung Quốc, sắp tới, họ sẵn sàng chế biến tại Việt Nam để xuất đi thế giới và sang Trung Quốc. Đây là điểm bất lợi cho chúng ta, nếu so sánh chuỗi từ sản xuất, cung ứng tới chế biến, Việt Nam thua Trung Quốc 20 năm là ít nhất", bà Thực đánh giá.
Hơn nữa, muốn phát triển vùng nguyên liệu, DN phải "bắt tay" hợp tác với nông dân. Trên thực tế, hiện nay đã có nhiều mô hình nhưng sự liên kết còn lỏng lẻo.
Ông Nguyễn Quý Dương, Phó Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NN&PTNT), nhận định ở các quốc gia như Mỹ và châu Âu, các hiệp hội của họ rất mạnh và các DN trong hiệp hội liên kết với nhau rất chặt chẽ, nghĩa là khi "anh XK, anh phải có vùng nguyên liệu của anh", và vùng nguyên liệu này phải được tổ chức sản xuất gắt gao, trong khi đây lại là điểm yếu đối với nhiều mặt hàng nông sản XK chủ lực như hồ tiêu, chè, cà phê của Việt Nam.
Cụ thể, rất nhiều DN đầu tư bài bản từ đầu, có ký kết hợp đồng nhưng đến khi thu hoạch lại không thu gom được vì bị nông dân "bẻ kèo".
Trường hợp của ngành hàng hồ tiêu là một ví dụ. Một số DN, thương lái không đầu tư gì nhưng biết có hồ tiêu an toàn là sẵn sàng trả giá cao hơn để mua, là một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng "phá kèo".
Ngành nông nghiệp cần phải giải được bài toán này mới mong phát triển vùng nguyên liệu bền vững.
Lê Thúy
Ông Nguyễn Xuân Cường - Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Xây dựng vùng nguyên liệu nông sản an toàn không chỉ tạo điều kiện thuận lợi cho DN có nguồn cung ổn định, mà còn giám sát được chất lượng, nâng cao sức cạnh tranh. Để phát huy hiệu quả chương trình này, Nhà nước bảo đảm hỗ trợ 100% kinh phí xây dựng cơ sở hạ tầng đến hàng rào của dự án có xây dựng vùng nguyên liệu tập trung ở các tỉnh, thành phố. Ông Nguyễn Quý Dương - Phó Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật Về phía cơ quan quản lý nhà nước, chúng tôi đang phối hợp với phía địa phương để làm sao khi DN đã vào, liên kết được với bà con, phía địa phương cũng phải phối hợp để cam kết với phía bà con là khi có sản phẩm phải bán cho DN. Sự vào cuộc của địa phương là hết sức quan trọng đối với các DN, khuyến khích nhiều DN tham gia vào đầu tư phát triển vùng nguyên liệu. Ông Lại Cao Lê - Chủ tịch HĐQT Tổng công ty Chè Việt Nam Để DN có thể xây dựng vùng nguyên liệu an toàn, bền vững cho ngành chè, các bộ, địa phương thực hiện nghiêm quy định phải có vùng nguyên liệu mới được mở nhà máy, tránh tình trạng mở ồ ạt, xảy ra tình trạng "tranh mua" như hiện nay. |