1. Giữ đà tăng trưởng ổn định
Trong bối cảnh kinh tế và thương mại toàn cầu suy giảm, nền kinh tế Việt Nam tiếp tục tăng trưởng nhanh, đạt trên 7%, cao hơn mức kế hoạch (6,6-6,8%), thuộc nhóm các nước có mức tăng trưởng cao nhất trong khu vực và trên thế giới; nâng quy mô GDP lên khoảng 266 tỷ USD, bình quân đạt gần 2.800 USD/người, điều chưa có trong lịch sử nước ta.
Theo đánh giá, năm 2019, Việt Nam không chỉ đạt được tăng trưởng nhanh hàng đầu khu vực cũng như trên thế giới, mà còn duy trì được nền tảng kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát chỉ 2,79%, mặt bằng lãi suất và tỷ giá luôn duy trì ổn định trong bối cảnh các thị trường tài chính toàn cầu đầy biến động. Cán cân ngân sách tính đến ngày 23/12 là thặng dư, tỷ lệ nợ công giảm từ hơn 64% GDP vài năm trước về còn khoảng 56% GDP.
Quy mô xuất nhập khẩu hơn 517 tỷ USD, cán cân thương mại hàng hóa đạt thặng dư kỷ lục gần 10 tỷ USD, dự trữ ngoại hối gần 80 tỷ USD - những con số mà 10 năm trước chúng ta không thể hình dung được.
2. Xuất khẩu vượt mốc 500 tỷ USD
Trong năm 2019, Việt Nam vẫn tiếp tục duy trì được đà tăng trưởng xuất nhập khẩu ở mức cao, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu năm 2019 vượt mốc 500 tỷ USD.
Kết quả này đạt được trong bối cảnh tăng trưởng kinh tế và thương mại toàn cầu giảm thấp do tác động của xung đột thương mại, cạnh tranh chiến lược giữa các nền kinh tế lớn, đặc biệt là căng thẳng thương mại giữa Mỹ với Trung Quốc; xu hướng bảo hộ mậu dịch và việc các nước đang ngày càng gia tăng các biện pháp hạn chế thương mại.
Đây là kết quả phản ánh sự nỗ lực của Chính phủ và các Bộ, ngành, địa phương trong việc giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô; không ngừng cải thiện môi trường kinh doanh tạo động lực cho DN yên tâm phát triển sản xuất và XK cũng như như thu hút mở rộng đầu tư cho phát triển XK; củng cố và tiếp tục khai thác có hiệu quả các thị trường XK truyền thống; mở rộng tìm kiếm, phát triển thêm nhiều thị trường mới từ việc tận dụng các FTA đã có hiệu lực, đặc biệt cho thấy sự năng động, sáng tạo của các DN đã tận dụng tốt hơn cơ hội từ các FTA để đẩy mạnh XK.
Đáng chú ý, khối DN trong nước tiếp tục là điểm sáng trong hoạt động XK hàng hóa của Việt Nam với mức tăng cao hơn 2 lần so với tốc độ tăng trưởng chung cả nước và cao hơn gần 5 lần so với tốc độ tăng trưởng của khối DN FDI. Qua đó tỷ trọng của khu vực kinh tế trong nước tiếp tục xu hướng tăng lên, chiếm hơn 30% tổng kim ngạch XK.
3. Tận dụng các FTA thế hệ mới
Năm 2019, Việt Nam thực hiện mở cửa hội nhập một cách mạnh mẽ hơn với Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) chính thức có hiệu lực và FTA Việt Nam - EU (EVFTA) chính thức được ký kết.
Ngay từ năm đầu tiên CPTPP có hiệu lực, kim ngạch XK của Việt Nam sang thị trường các thành viên đã thực thi Hiệp định này có tốc độ tăng trưởng cao trên hai con số, tập trung vào các mặt hàng mà Việt Nam có thế mạnh XK như điện thoại các loại và linh kiện; máy móc, thiết bị, dụng cụ phụ tùng khác; hàng thủy sản; và hàng dệt, may…
Tháng 6/2019, EVFTA và Hiệp định Bảo hộ đầu tư (EVIPA) giữa Việt Nam và EU chính thức được ký kết tại Hà Nội. Đây là hai FTA, đầu tư thế hệ mới có quy mô lớn nhất, tiêu chuẩn cao nhất giữa Việt Nam và EU. Cam kết xóa bỏ thuế nhập khẩu lên tới gần 100% biểu thuế và giá trị thương mại là mức cắt giảm thuế cao nhất trong các FTA mà Việt Nam đã từng ký kết. Hiệp định EVIPA cũng có ý nghĩa quan trọng, bảo đảm một môi trường đầu tư, kinh doanh cởi mở, thông thoáng hơn cho các nhà đầu tư toàn cầu.
Các FTA thế hệ mới này giúp Việt Nam thể hiện cam kết mạnh mẽ đối với đổi mới và hội nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng. Đồng thời, tạo cơ hội cho Việt Nam thúc đẩy tăng trưởng kinh tế nhanh hơn trong giai đoạn tới.
4. Sự tăng trưởng bứt phá của thương mại điện tử
2019 được đánh giá là năm có sự tăng trưởng bứt phá của thị trường thương mại điện tử (TMĐT) đưa Việt Nam trở thành một trong những thị trường TMĐT tiềm năng nhất khu vực ASEAN.
Việt Nam hiện được đánh giá là một trong những thị trường TMĐTphát triển nhanh nhất ở Đông Nam Á với tốc độ tăng trưởng trung bình hàng năm là hơn 25% trong giai đoạn hiện nay và được dự báo quy mô thị trường có khả năng lên tới 13 tỷ USD vào năm 2020. Doanh thu hoạt động TMĐT ngày càng chiếm tỷ trọng cao trong tổng doanh thu bán lẻ và dịch vụ tiêu dùng (xấp xỉ 4% và đang gia tăng nhanh).
Theo Báo cáo "Kinh tế Internet Đông Nam Á 2018" của Google - Temasek, tốc độ tăng trưởng TMĐT của Việt Nam giai đoạn 2015 - 2025 được dự báo ở mức 43%, đưa Việt Nam trở thành nước có nền TMĐT tăng trưởng nhanh nhất khu vực.
5. Nỗ lực cải thiện môi trường kinh doanh, đầu tư
Chính phủ đã bám sát Nghị quyết của Trung ương, Bộ Chính trị, Quốc hội và phương châm hành động “Kỷ cương, liêm chính, hành động, sáng tạo, bứt phá, hiệu quả” với 6 trọng tâm điều hành, 8 nhóm giải pháp, 186 nhiệm vụ phát triển kinh tế xã hội và 5 nhóm giải pháp, 64 nhiệm vụ cải thiện môi trường kinh doanh; kiên định, kiên trì, triển khai thực hiện nhanh hơn, hiệu quả hơn, thiết thực hơn và toàn diện hơn các nhiệm vụ, giải pháp đề ra.
Năm 2019, với việc tăng 3,5 điểm và 10 bậc theo đánh giá của WEF, Việt Nam trở thành quán quân trong cuộc đua cải thiện thứ hạng trong Bảng xếp hạng Năng lực cạnh tranh toàn cầu 2019. Theo cộng đồng DN, đây là kết quả minh chứng cho nỗ lực bền bỉ trong cải cách của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong thời gian qua.
Tháng 8/2019, Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 50-NQ/TW về “Định hướng hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao chất lượng, hiệu quả hợp tác đầu tư nước ngoài (FDI) đến năm 2030”. Việc lần đầu tiên Bộ Chính trị ban hành một Nghị quyết chuyên đề về FDI đã được các nhà đầu tư trong và ngoài nước đánh giá cao.
Nghị quyết chỉ rõ ưu tiên chiến lược của Việt Nam trong thu hút FDI giai đoạn tới là các dự án có công nghệ mới, công nghệ cao, công nghệ sạch, quản trị hiện đại, có giá trị gia tăng cao, có tác động lan tỏa, kết nối chuỗi sản xuất và cung ứng toàn cầu. Nghị quyết là tiền đề để Việt Nam thu hút nguồn vốn FDI thế hệ mới có chất lượng cao hơn.
6. Điểm sáng công nghiệp chế biến chế tạo
Sản xuất nhóm ngành công nghiệp chế biến chế tạo vẫn duy trì là nhóm chiếm tỷ trọng lớn nhất trong toàn ngành công nghiệp, tiếp tục tăng trưởng với tốc độ cao nhất là trên 10%.
Đóng góp vào sự tăng trưởng của công nghiệp chế biến chế tạo chủ yếu là từ các ngành: sản xuất kim loại (tăng trưởng 31,7%), sản xuất than cốc, dầu mỏ tinh chế (24,5%), sản xuất giấy và sản phẩm từ giấy (12,1%), đồ nội thất (11,3%), dệt (11,3%).
Các mặt hàng có mức tăng trưởng XK cao như: gỗ và đồ gỗ nội thất, dệt may, da giày, điện tử, dây cáp điện, đồ chơi và dụng cụ thể thao... đã góp phần nâng cao vị thế của ngành công nghiệp chế biến chế tạo.
Ngay cả trong thu hút vốn FDI năm 2019 thì lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo chiếm tỷ trọng cao nhất với tổng vốn đạt 21,56 tỷ USD, chiếm 67,8% tổng vốn đầu tư đăng ký.
7. Ổn định chính sách tiền tệ và tín dụng
Điểm nhấn của năm 2019 nằm ở tỷ giá trung tâm do Ngân hàng Nhà nước công bố, với mức tăng gần 1,5% so với cuối năm 2018. Hướng tăng này được cho là sự chủ động của nhà điều hành để đưa tỷ giá trung tâm trở nên cân bằng hơn so với các mức tỷ giá giao dịch trên các thị trường.
Trong điều hành chính sách tiền tệ, Ngân hàng Nhà nước đã có một năm thành công khi sử dụng những chính sách hợp lý, linh hoạt để ổn định tỷ giá, kiềm chế lạm phát nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Trong năm, cơ quan điều hành đã chủ động sử dụng một loạt các công cụ thị trường tiền tệ như hạ lãi suất điều hành, hạ lãi suất thông qua kênh tín phiếu/thị trường mở, hạ tỷ giá mua vào song song với việc điều chỉnh tăng dần tỷ giá trung tâm phù hợp với diễn biến thị trường. Tiền đồng tiếp tục nằm trong nhóm những đồng tiền ổn định nhất khu vực bất chấp những bất ổn địa chính trị và các sự kiện kinh tế trong và ngoài nước.
Trong năm 2019, các ngân hàng đẩy mạnh cải tiến, ứng dụng công nghệ của cuộc cách mạng 4.0 vào nghiệp vụ và hoạt động tín dụng. Đó là việc chuyển đổi thẻ chip, kết hợp với phát triển các ứng dụng di động, hướng đến thanh toán không dùng tiền mặt được đẩy mạnh. Sự bùng nổ công nghệ kéo theo sự phát triển của DN fintech tham gia vào lĩnh vực tài chính như trung gian thanh toán, cho vay trực tuyến...
8. Xử lý nhiều đại án kinh tế, tham nhũng
Năm 2019, nhiều đại án kinh tế, tham nhũng đã được đưa ra xét xử với quyết tâm làm trong sạch bộ máy.
Điển hình là việc xét xử các đại án kinh tế, như: Đại án tại MobiFone - AVG, các vụ án sai phạm về đất công liên quan đến Phan Văn Anh Vũ (Vũ Nhôm), đại án sai phạm về quản lý kinh tế tại Bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam, các vụ án sai phạm về tiền lãi ngoài giữa công ty nhà nước với Ocean Bank, xét xử giai đoạn 2 vụ án tại Ngân hàng Đại Tín…
Năm 2019, nhiều tổ chức đảng, cán bộ cấp cao có sai phạm đã bị đề nghị xem xét kỷ luật, thi hành kỷ luật và xử lý hình sự, trong đó có nguyên Phó Thủ tướng Chính phủ, cựu Bộ trưởng, Thứ trưởng, nguyên Thứ trưởng, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; Bí thư, nguyên Bí thư Đảng ủy, nguyên Chủ tịch Hội đồng quản trị, nguyên Tổng giám đốc Tập đoàn, Tổng công ty nhà nước; Ban Cán sự Đảng bộ; Ban Thường vụ Tỉnh ủy; Ban Thường vụ Đảng ủy Tập đoàn, Tổng công ty nhà nước. Việc xử lý nghiêm minh các cán bộ, tổ chức đảng có sai phạm tiếp tục khẳng định quan điểm không có “vùng cấm” trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, thể hiện quyết tâm giữ vững kỷ cương, kỷ luật của Đảng, làm trong sạch bộ máy, lấy lại và củng cố niềm tin của nhân dân.
TBKD