1. Giữ đà tăng trưởng cao
Tăng trưởng GDP của Việt Nam trong năm 2018 đạt mức kỷ lục, ước đạt 7,08%, cao nhất trong 10 năm qua và cũng cao hơn mọi dự báo. Các lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo và lĩnh vực dịch vụ; nông, lâm thủy sản tăng trưởng tốt, là động lực chính cho tăng trưởng kinh tế năm 2018.
Dù tăng trưởng cao, Việt Nam vẫn duy trì được ổn định kinh tế vĩ mô với việc giữ được mục tiêu chỉ số giá tiêu dùng (CPI), thâm hụt ngân sách giảm, thị trường chứng khoán ổn định. Trong năm 2018, nền tảng kinh tế vĩ mô tiếp tục được duy trì và củng cố. Lạm phát được kiểm soát dưới 3,6% (tăng 3,45%), lạm phát cơ bản duy trì ổn định dưới 1,5% (tăng 1,48%). Tổng cầu của nền kinh tế duy trì mức tăng khá, xuất khẩu và tiêu dùng tăng cao hơn cùng kỳ.
Điều kiện tiên quyết là cần có công nghệ chế biến và chuỗi giá trị theo định hướng thị trường trên nền tảng logistics hiện đại.
2. Nỗ lực cắt giảm điều kiện kinh doanh
Năm 2018, việc không ngừng cải cách thủ tục hành chính, tạo hành lang thông thoáng cho doanh nghiệp (DN) hoạt động đã và đang là động lực rất lớn trong việc phát triển các DN xuất khẩu trong nước cũng như thu hút mở rộng đầu tư và xuất khẩu sản phẩm của các DN. Chính phủ kiên quyết cắt giảm các giấy phép tạo nhiều động lực tận dụng cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0.
Cho tới nay, Chính phủ đã ban hành và trình Quốc hội ban hành 28 văn bản quy phạm pháp luật để chính thức cắt giảm 3.346/6.191 điều kiện kinh doanh (đạt 108,1%, vượt 8,1% so với mục tiêu đề ra).
Chính phủ, các bộ, cơ quan đã ban hành 21 văn bản quy phạm pháp luật để cắt giảm 6.776/9.926 dòng hàng phải kiểm tra chuyên ngành (đạt 136,5%, vượt 36,5% so với mục tiêu đề ra).
Việc cắt giảm điều kiện kinh doanh và danh mục sản phẩm hàng hóa kiểm tra chuyên ngành thuộc phạm vi quản lý của 8 Bộ đã giúp tiết kiệm gần 17,5 triệu ngày công/năm và 6.279,2 tỷ đồng mỗi năm.
3.Xuất khẩu tăng cao, khối nội chuyển mình
Xuất khẩu (XK) hàng hóa của Việt Nam trong cả năm 2018 đạt mức tăng trưởng trên 10% với kim ngạch 244,7 tỷ USD, vượt xa kế hoạch 214 tỷ USD đã đề ra. Điển hình như XK nông sản Việt Nam năm 2018 vượt kỷ lục 40 tỷ USD. XK dệt may tăng đột biến, kim ngạch năm 2018 hơn 36 tỷ USD (là tốc độ tăng trưởng cao nhất từ năm 2011 đến nay).
Mỹ vẫn là thị trường XK lớn nhất của Việt Nam, tiếp đến là các thị trường EU, Trung Quốc, ASEAN, Nhật Bản, Hàn Quốc… Hàng hóa Việt Nam đã tiếp tục khai thác các thị trường truyền thống và mở rộng tìm kiếm, phát triển thêm nhiều thị trường mới từ việc tận dụng các hiệp định thương mại tự do (FTA) đã có hiệu lực và đang tiếp tục đàm phán, ký kết.
Một tín hiệu lạc quan là nếu như những năm trước đây, XK của khối DN có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) luôn đạt mức tăng trưởng cao hơn so với khối DN trong nước, thì đến năm 2018, tốc độ tăng trưởng của DN trong nước đã duy trì cao hơn khối FDI.
Dù tăng trưởng tín dụng có thể chậm hơn so với năm trước nhưng cũng không "làm khó" các nnhà băng hoàn thành mục tiêu lợi nhuận cho cả năm.
4. Thu hút mạnh dòng vốn ngoại
Trong năm 2018, tổng vốn đăng ký cấp mới, tăng thêm và góp vốn mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài là 35,46 tỷ USD. Lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo là lĩnh vực thu hút được nhiều sự quan tâm của nhà đầu tư nước ngoài với tổng số vốn đạt 16,58 tỷ USD, chiếm 46,7% tổng vốn đầu tư đăng ký. Tiếp theo là lĩnh vực hoạt động kinh doanh bất động sản và lĩnh vực bán buôn, bán lẻ.
Nhật Bản đứng vị trí thứ nhất với tổng vốn đầu tư là 8,59 tỷ USD, chiếm 24,2% tổng vốn đầu tư. Tiếp đến là Hàn Quốc, Singapore. Hà Nội là địa phương thu hút nhiều vốn đầu tư nước ngoài nhất năm 2018 với tổng số vốn đăng ký là 7,5 tỷ USD, chiếm 21,2% tổng vốn đầu tư. Tiếp đến là Tp.HCM, Hải Phòng.
Theo Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia, trong năm 2018, dòng vốn ngoại vào thị trường chứng khoán Việt Nam tích cực. Khối ngoại mua ròng khoảng 1,9 tỷ USD cổ phiếu trên sàn, tập trung vào các giao dịch thỏa thuận lớn… Tổng giá trị danh mục đầu tư của khối ngoại khoảng 35,3 tỷ USD, tăng 8,9% so với cuối năm 2017.
5. Những quyết sách lớn
Trong năm 2018, vào tháng 11, Quốc hội Khóa XIV đã phê chuẩn Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP). Đây là Hiệp định thương mại tự do lớn thứ ba thế giới hiện nay và sẽ được thực thi từ năm 2019. Hiệp định là cơ hội để Việt Nam mở rộng thị trường xuất khẩu, thu hút đầu tư, thúc đẩy tăng trưởng, cải cách chính sách theo hướng minh bạch và thông thoáng hơn.
Nghị quyết 36-NQ/TW về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 được Ban Chấp hành Trung ương Đảng Khóa XII ban hành vào tháng 10/2018. Mục tiêu của Nghị quyết là đưa Việt Nam trở thành quốc gia biển mạnh, đạt cơ bản các tiêu chí về phát triển bền vững kinh tế biển.
Tháng 9/2018, tại Hà Nội, Uỷ ban Quản lý vốn nhà nước tại DN đã chính thức ra mắt, tiếp quản 19 đơn vị là các tập đoàn, tổng công ty do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ. Ủy ban sẽ quản lý trên 1 triệu tỷ đồng tổng vốn chủ sở hữu nhà nước và 2,3 triệu tỷ đồng tổng giá trị tài sản từ các đơn vị, chiếm tới 2/3 tổng tài sản nhà nước tại DN.
6. Ổn định, cân đối chính sách tiền tệ và tín dụng
Năm 2018 là một năm khá thành công trong điều hành các chỉ số lãi suất, tỷ giá hối đoái. Mức độ tăng tỷ giá hối đoái được duy trì vừa giúp ổn định kinh tế vĩ mô vừa tạo nền tảng tăng xuất khẩu, cũng như giúp Ngân hàng Nhà nước có thêm cơ hội để tăng dự trữ ngoại tệ. Đến cuối năm 2018, tỷ giá trung tâm tăng khoảng 1,5% so với đầu năm, tỷ giá ngân hàng thương mại tăng khoảng 2,8% và tỷ giá thị trường tự do tăng khoảng 3,5% so với đầu năm.
Thanh khoản của hệ thống tổ chức tín dụng vẫn được đảm bảo. Nguồn vốn huy động toàn hệ thống ước tăng tương đương năm 2017. Hệ số LDR (tỷ lệ cấp tín dụng so với nguồn vốn huy động) khoảng 87,5% (năm 2017: 87,8%). Trong nửa đầu năm 2018, thanh khoản hệ thống tổ chức tín dụng khá dồi dào do được hỗ trợ từ việc Ngân hàng Nhà nước mua được lượng lớn ngoại tệ. Tuy nhiên, từ cuối tháng 7/2018, thanh khoản kém dồi dào hơn chủ yếu do áp lực từ phía tỷ giá và nhu cầu về vốn cuối năm tăng cao.
7. Xử lý nhiều đại án kinh tế, tham nhũng
Năm 2018, nhiều đại án kinh tế, tham nhũng đã được đưa ra xét xử với quyết tâm làm trong sạch bộ máy. Điển hình là việc xét xử các đại án kinh tế, như: Đại án tại Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN), Ocean Bank, vụ đánh bạc nghìn tỷ qua mạng, Ngân hàng Đông Á (DAB) liên quan đến Phan Văn Anh Vũ (Vũ Nhôm), Ngân hàng Xây dựng Việt Nam (VNCB), Tổng công ty Thái Sơn, vụ lừa đảo ở Housing Group liên quan đến cựu Đại biểu Quốc hội Châu Thị Thu Nga…
Theo Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao, năm 2018, các vụ án về tham nhũng, kinh tế được phát hiện, khởi tố tăng 32,2%. Còn theo Thanh tra Chính phủ, tình hình tham nhũng năm 2018 vẫn còn biểu hiện diễn biến phức tạp. Tình trạng "tham nhũng vặt", nhũng nhiễu, tiêu cực trong khu vực hành chính, dịch vụ công vẫn xảy ra ở nhiều nơi, gây bức xúc cho người dân và DN. Một số biểu hiện như "lợi ích nhóm", DN "sân sau" vẫn có thể xảy ra, nhất là trong các lĩnh vực như quản lý, sử dụng đất đai, tài nguyên, khoáng sản; đấu thầu; đầu tư xây dựng, mua sắm, quản lý, sử dụng tài sản công; cổ phần hóa…
8.Cuộc chiến thương mại Mỹ – Trung tác động đến Việt Nam
Năm 2018, cuộc chiến thương mại Mỹ – Trung kéo dài và mở rộng với số lượng hàng hoá bị áp thuế trị giá 200 tỷ USD đã tác động không nhỏ tới kinh tế Việt Nam khi Việt Nam đang tham gia sâu vào chuỗi sản xuất toàn cầu.
Đáng chú ý là rủi ro về gian lận thương mại khi hàng Trung Quốc tìm cách "núp bóng" hàng Việt Nam và xuất sang Mỹ để tránh thuế. Nếu không kiểm soát chuyện này thì sẽ làm cho Việt Nam thành tâm điểm để Mỹ nhắm đến.
Xung đột thương mại Mỹ – Trung còn đẩy nhiều nhà đầu tư, trong đó có cả nhà đầu tư Trung Quốc có thể chuyển dòng vốn sang Việt Nam, nhưng điều này cũng chứa những lo ngại về nguy cơ trở thành nơi tập kết cho các công nghệ lạc hậu, ô nhiễm, quy mô nhỏ dịch chuyển từ Trung Quốc.
Mặc dù vậy, từ cuộc chiến thương mại này, Việt Nam có cơ hội thúc đẩy XK các mặt hàng có thế mạnh cạnh tranh vào Mỹ, thay thế Trung Quốc.