Than Uyên là huyện vùng cao của tỉnh Lai Châu, với diện tích đất nông nghiệp và đồng cỏ rộng gần 40.000 ha, trong đó có các đồng lớn bậc nhất vùng núi phía Bắc, như Mường Than, Mường Cang, Ta Gia, Mường Mít… cùng hệ thống sông ngòi dày đặc, tạo nên những điều kiện tự nhiên thuận lợi để phát triển nông nghiệp an toàn.
HTX là điểm tựa trong sản xuất
Để phát huy tiềm năng của địa phương, hàng loạt HTX đã được thành lập và cho thấy những kết quả tích cực. Đến nay, toàn huyện có trên 10 HTX, với những điển hình như HTX Thanh niên Mường Mít (nuôi cá lồng), HTX Hùa Na (sản xuất gạo an toàn), HTX Mường Than (chăn nuôi lợn)…
Nhiều thanh niên dân tộc thiểu số ở Than Uyên đang lựa chọn khởi nghiệp với mô hình HTX. |
Năm 2017, HTX Thanh niên Mường Mít, xã Mường Mít được thành lập, do sự phối hợp của Huyện đoàn Than Uyên và Đoàn xã Mường Mít. HTX hiện có 8 thành viên, đang phát triển 10 lồng cá (dung tích bình quân 70 - 90 m3/ lồng), với các loại cá thế mạnh của vùng như cá trắm, rô phi, cá trê…
Nhờ sự chủ động trong ứng dụng khoa học - kỹ thuật, chú trọng an toàn lao động, các lồng cá của HTX Mường Mít đang phát triển ổn định. Không chỉ nâng cao thu nhập cho 8 hộ thành viên, HTX đang tạo việc làm ổn định cho 10 lao động, hầu hết là người dân tộc thiểu số, mức lương bình quân 3 - 5 triệu đồng/người/tháng.
Cũng hoạt động trong lĩnh vực nuôi cá lồng, HTX Thanh niên Ta Gia (xã Ta Gia) hiện thu hút 7 hộ thành viên, tạo việc làm cho 15 lao động. Các lồng cá cho doanh thu ổn định 50 - 70 triệu đồng/ lồng/năm, năng suất, chất lượng sản phẩm liên tục được nâng lên, thị trường tiêu thụ được mở rộng.
Anh Lường Văn Chùm, Giám đốc HTX Ta Gia, một trong những điển hình thanh niên dân tộc thiểu số làm kinh tế giỏi của huyện Than Uyên, cho biết: “Với mục tiêu hỗ trợ thanh niên trên địa bàn lập nghiệp, phát triển sản xuất an toàn, cụm nuôi cá của HTX được Nhà nước hỗ trợ 100% kinh phí làm lồng, còn lại các thành viên tự đối ứng giống, thức ăn, kỹ thuật nuôi trồng, phát triển thương hiệu…”.
Bên cạnh cá lồng, các thành viên HTX Ta Gia còn tận dụng diện tích nước mặt để nuôi thủy cầm (vịt, ngan, ngỗng). Hiện tại, HTX đang duy trì đàn vịt gần 1.000 con, bình quân mỗi năm đưa ra thị trường 800 con vịt thương phẩm, 10.000 quả trứng, mang lại lợi nhuận xấp xỉ 50 triệu đồng.
Tương tự, nhận thấy việc nuôi cá lồng theo kiểu truyền thống thường xuyên bị rủi ro dịch bệnh, các thành viên HTX thanh niên Thẩm Phé, xã Mường Kim đã chú trọng áp dụng cách nuôi theo hướng bền vững, bảo vệ môi trường.
Để giúp người dân nắm được những kiến thức nuôi trồng thủy sản, HTX cùng ngành nông nghiệp thường xuyên mở các đợt tập huấn kỹ thuật chăm sóc, phòng chống dịch bệnh cho cá, cách lựa chọn các loại thức ăn phù hợp. Đồng thời, hướng dẫn các hộ nuôi vệ sinh lồng cá sạch sẽ, từ 1 - 2 tháng vệ sinh lồng cá một lần để tránh tình trạng ô nhiễm môi trường nước, giúp cá sinh trưởng và phát triển tốt.
Liên kết là chìa khóa thành công
HTX thanh niên Thẩm Phé đang có 16 lồng cá với tổng diện tích nuôi cá trên mặt hồ vào khoảng gần 600m2. Cá của các thành viên không chỉ tiêu thụ trong tỉnh, mà còn xuất đi các địa phương khác, trong đó có TP. Hà Nội. Ngoài nuôi cá rô phi, trắm đen, HTX còn mở rộng sang nuôi cá tầm, cá lăng để nâng cao thu nhập.
Các HTX là nền tảng để thành viên, người lao động nâng cao năng lực sản xuất, tăng giá trị kinh tế. |
Việc ứng dụng kỹ thuật nuôi cá lồng của HTX Thẩm Phé là bước ngoặt lớn giúp chuyển đổi sản xuất, tạo cơ hội việc làm cho bà con, nhất là người dân vùng tái định cư lòng hồ thủy điện. Bên cạnh đó, còn mở ra hướng sản xuất phù hợp với điều kiện kinh tế của địa phương khi người dân tận dụng lợi thế trên địa bàn có diện tích mặt hồ Thủy điện Huội Quảng, Bản Chát để nuôi trồng thủy sản.
Theo lãnh đạo UBND xã Mường Kim, mô hình sản xuất của HTX Thẩm Phé phát huy được tiềm năng của địa phương trong sản xuất và du lịch. Qua đó, không chỉ mang lại lợi nhuận cho các thành viên mà còn tạo việc làm, tăng nguồn thu nhập cho người dân, góp phần giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa, phong tục tập quán tốt đẹp của mỗi dân tộc.
HTX Thanh niên Mường Cang, xã Mường Cang, với mô hình sản xuất gạo đặc sản Séng Cù, cũng đang là đơn vị tiêu biểu, có đóng góp tích cực trong quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế của huyện theo hướng sản xuất hàng hóa, nâng cao giá trị sản xuất, tạo việc làm, tăng thu nhập cho lao động, đặc biệt là lao động dân tộc thiểu số.
Giám đốc HTX Mường Cang Hà Thị Nhung chia sẻ: “Để phát huy hiệu quả của mô hình, khoa học - kỹ thuật là điều kiện tiên quyết. Vì vậy, ngay từ khi thành lập, HTX đã cử cán bộ đi tập huấn, nắm vững quy trình sản xuất lúa, gạo an toàn, bảo đảm hiệu quả kinh tế và an toàn cho thành viên, người lao động”.
Bà Nguyễn Thị Thu Thủy, Phó Trưởng phòng phụ trách Phòng NN&PTNT huyện Than Uyên, đánh giá trong những năm qua, các HTX là nhân tố quan trọng giúp huyện giải được 2 bài toán khó là tạo việc làm và mở hướng đi mới cho người dân, từng bước xây dựng các mô hình sản xuất hiện đại, an toàn, hiệu quả.
Các HTX đang tạo ra những hiệu ứng tích cực, góp phần thay đổi tư duy sản xuất và nâng cao ý thức của người nông dân trên địa bàn về tầm quan trọng của việc lựa chọn giống, áp dụng các kỹ thuật mới, chú trọng môi trường sinh thái, an toàn lao động trong quá trình sản xuất.
“Trong thời gian tới, huyện sẽ tiếp tục tăng cường hỗ trợ các HTX, tổ hợp tác trong việc nâng cao khoa học - kỹ thuật, mở rộng quy mô sản xuất, tiếp cận thị trường, xây dựng thương hiệu nông sản thế mạnh, từ đó gia tăng thu nhập, đảm bảo đời sống cho thành viên, người lao động, đặc biệt là đồng bào dân tộc thiểu số”, bà Thủy khẳng định.
Mỹ Chí
Bài cuối: Tăng tốc cho mục tiêu nông thôn mới