Như thông báo mới đây từ Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng, kết quả điều tra sơ bộ cho thấy việc tập trung kinh tế giữa Grab và Uber tại thị trường Việt Nam có thị phần kết hợp vượt ngưỡng 50%. Như vậy, vụ việc này có dấu hiệu vi phạm quy định về tập trung kinh tế quy định tại Mục 3 Chương II Luật Cạnh tranh 2004.
Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng đang xem xét ra quyết định điều tra chính thức theo quy định tại Khoản 2 Điều 88 Luật Cạnh tranh năm 2004. Kết thúc quá trình điều tra chính thức, cơ quan này sẽ chuyển hồ sơ để Hội đồng cạnh tranh tiến hành xử lý theo quy định.
Cần xử lý ngay
Sau thông báo nêu trên, nhiều luồng ý kiến đã bày tỏ sự đồng tình, cho rằng nếu có vi phạm thì cần xử lý ngay, không để Grab muốn làm gì thì làm, phải tuân thủ pháp luật của Việt Nam.
Đồng thời, các cơ quan quản lý phải mạnh tay làm rõ những kẽ hở pháp lý đối với loại hình taxi công nghệ, cần định danh rõ cho loại hình này để tạo sự cạnh tranh công bằng với các hãng taxi nội địa cũng như lấy lại nguồn thuế đã thất thu lâu nay.
Cần nhắc lại, hồi tháng 4/2018, Cục Thuế Tp.HCM từng có văn bản đề nghị Grab phải cung cấp hợp đồng và các tài liệu có liên quan đến việc Uber B.V chuyển nhượng vốn, chuyển nhượng quyền, thị phần kinh doanh.
Cục Thuế yêu cầu Grab phải xác định nghĩa vụ thuế, nghĩa vụ khai nộp thuế đối với việc chuyển nhượng này và nhất là vấn đề nợ thuế của Uber B.V (khoảng 53,3 tỷ đồng). Trong khi đó, phía Grab có văn bản khẳng định sẽ không trả nợ thuế thay cho Uber B.V.
Không chỉ Việt Nam mà Singapore và Malaysia đều đã vào cuộc điều tra về thương vụ Grab mua lại Uber khi nghi ngờ thương vụ này có dấu hiệu vi phạm Luật Cạnh tranh. Bởi lẽ, thương vụ sáp nhập có thể dẫn tới việc giảm cạnh tranh đáng kể trong thị trường xe chung ở các quốc gia này.
Riêng ở Việt Nam, một số liệu thống kê hồi cuối năm ngoái của ngành GTVT cho thấy Grab đã có 18.110/36.809 phương tiện ô tô kết nối (chiếm 49,19% thị phần).
Nếu cộng với hơn 3.600 xe của Uber có kết nối và được cấp phù hiệu xe hợp đồng tại Sở GTVT Tp.HCM (tính đến tháng 5/2017), lượng xe của hai DN này là hơn 21.700 xe so với khoảng 36.800 xe trên cả nước kinh doanh theo hình thức kết nối giữa người sử dụng và xe (chiếm tỷ lệ khoảng 59% số phương tiện cung cấp dịch vụ kết nối).
Phải nhắc thêm, vào tháng 3 vừa qua, trong Báo cáo của Bộ GTVT về việc tiếp thu ý kiến bộ, ngành góp ý nội dung Nghị định thay thế Nghị định 86/2014/NĐ-CP đối với hoạt động kinh doanh vận tải có cho biết Bộ Tư pháp nhất trí với việc bổ sung quy định để quản lý các doanh nghiệp (DN) kinh doanh vận tải bằng xe ô tô đã ứng dụng phần mềm.
Thương vụ Grab mua lại Uber có dấu hiệu vi phạm Luật Cạnh tranh |
Bịt kín các kẽ hở
Bộ Tư pháp có đề nghị cần nghiên cứu làm rõ thêm về bản chất của các loại hình vận tải ứng dụng phần mềm như Grab, Uber… để có quy định quản lý cho phù hợp, bảo đảm nguyên tắc cạnh tranh công khai, công bằng, minh bạch.
Còn theo ý kiến của Hiệp hội Taxi Tp.HCM, Grab và Uber là hai DN vận tải hành khách taxi. Đơn vị cung cấp phần mềm chỉ cung cấp phần mềm, không được định giá cước, không sử dụng nguồn vốn của mình để khuyến mãi, không điều hành trực tiếp vận tải, không ký hợp đồng trực tiếp với lái xe mà chỉ ký hợp đồng với đơn vị vận tải.
Hiệp hội này cho rằng cần xác định rõ trách nhiệm của các đơn vị vận tải hành khách ký hợp đồng với các đơn vị cung cấp phần mềm trong việc: Hợp đồng điện tử là ký kết giữa người vận tải và hành khách, đơn vị vận tải phải xác định giá cả, chế độ khuyến mãi, nguồn vốn khuyến mãi, trách nhiệm vận chuyển và xử lý tranh chấp với khách hàng cũng như các quyền lợi về bảo hiểm đối với lái xe.
Do đó, cần có điều khoản ngăn cấm việc sử dụng nguồn vốn nước ngoài dùng vào việc khuyến mãi, quảng cáo để thao túng, chiếm thị trường vận tải hành khách bằng taxi rồi báo lỗ. Cần quy định máy chủ phải đặt ở Việt Nam, hợp đồng phải ký và xử lý tranh chấp tại Việt Nam.
Theo lý giải, do ở đây có yếu tố nước ngoài, nên cần bổ sung trách nhiệm, năng lực quản lý của các ngành và liên kết giữa các ngành để quản lý hướng dẫn quy định pháp lý cần thiết (như ký hợp đồng, quy định quản lý…), đồng thời để cùng quản lý và xác định đúng số phương tiện (ô tô và xe máy) đã ký kết với đơn vị cung ứng phần mềm nêu trên.
Hiện tượng sử dụng phần mềm có cài đặt nhằm đối phó với cơ quan quản lý nhà nước, có thể sai lệch các thông số, vi phạm quyền riêng tư, thậm chí có thể sử dụng mạng kết nối với lái xe để chống lại Nhà nước Việt Nam cần được quy định rõ.
Có thể thấy, sau 2 năm thực hiện công tác thí điểm hoạt động của Grab – Uber đã cho thấy rất nhiều vấn đề tồn tại, còn nhiều kẽ hở pháp lý. Dấu hiệu vi phạm Luật Cạnh tranh trong thương vụ Grab mua lại hoạt động của Uber tại thị trường Việt Nam như "giọt nước tràn ly".
Vì vậy, trách nhiệm của các cơ quan quản lý là phải bịt kín các kẽ hở này để việc cạnh tranh được lành mạnh và chống thất thu thuế.
Thế Vinh