Không phải đến giờ, thương vụ đình đám này mới gây xôn xao dư luận, bởi giới kinh doanh bất động sản (BĐS) trước đó đã "rỉ tai" nhau về chuyện "đại gia" trong ngành BĐS và tài chính là Ocean Group đã "nhắm" đến kem Tràng Tiền từ lâu. Theo giới trong ngành, điều mà doanh nghiệp tư nhân này muốn không chỉ đơn thuần là thương hiệu kem có tuổi đời đến hơn 50 năm, mà chính là "mảnh đất vàng" mà kem Tràng Tiền sở hữu nằm ngay tại khu trung tâm đắc địa của Thủ đô rộng đến 1.500m².
Mua với giá bèo?
Giá trị ghi trên giấy tờ của thương vụ này là 500 tỷ đồng, khi công ty con của Ocean Group là Công ty Cổ phần Dịch vụ và Khách sạn Đại Dương (Ocean Hospitality) đã nhận 634.700 cổ phần của Công ty Cổ phần Tràng Tiền. Mức giá này khá chênh lệch với thời điểm mà hãng kem này tiến hành cổ phần hóa vào năm 2000, số tiền định giá của công ty này chỉ vỏn vẹn... 3,2 tỷ đồng.
Với mức định giá quá thấp so với giá trị thực, một nhóm nhà đầu tư đã ào ạt mua cổ phần của kem Tràng Tiền với mức giá gấp 10 lần mệnh giá. Tại cuộc họp cổ đông bất thường vào năm 2008, người nắm giữ hơn 92% số cổ phiếu lộ
diện đã lên làm Chủ tịch Hội đồng quản trị của kem Tràng Tiền - được đồn đoán chính là người đứng sau vụ thâu tóm.
Điều đáng chú ý, những nhân vật nắm giữ cổ phần chủ chốt của kem Tràng Tiền đều là "người nhà" của Tập đoàn Đại Dương. Đã có giả thiết đặt ra rằng thực chất đằng sau thương vụ này chính là Ocean Group khi đến cuối năm 2009, tập đoàn này đã nắm đến 50% cổ phần và tiếp tục gia tăng quyền sở hữu khi Ocean Hospitality mua lại 99,17% cổ phần vào năm 2011. Như vậy, nếu mọi cổ phần của kem Tràng Tiền được Ocean Group âm thầm thâu tóm bằng cả hình thức trực tiếp hay gián tiếp như nhiều lời đồn đoán, thì giá trị thực mà "đại gia" BĐS, tài chính này bỏ ra cho thương vụ thôn tính này chắc chắn "rẻ" hơn cái giá 500 tỷ đồng đã ghi trên báo cáo tài chính của Ocean Hospitality?
Kem Tràng Tiền tọa lạc trên "mảnh đất vàng" của Thủ đô
Giá trị thực chất của thương vụ này chắc chỉ người trong cuộc mới hiểu được. Nhưng phải thấy rằng dù chi ra hơn gấp 10 lần mức định giá 3,2 tỷ đồng để thâu tóm cổ phần lúc ban đầu hay có "bỏ ra" 500 tỷ đồng để "hợp lý hóa", thì Ocean Group cũng đã thành công với thương vụ có hời này. Cũng bởi không chỉ đơn thuần là giá trị của thương hiệu ẩm thực nổi tiếng Hà Nội là kem Tràng Tiền vốn tồn tại nhiều năm, mà "mảnh đất vàng" mà hãng kem này đang nắm giữ có thể sẽ là "mỏ vàng" cho người sở hữu nó.
Theo một chuyên gia trong lĩnh vực BĐS, với mức giá thuê mặt bằng trung bình là 2 triệu đồng/m², chủ sở hữu có thể
thu về tới 3 tỷ đồng mỗi tháng. Còn nếu để bán, với giá đất trung bình ở mức gần 1 tỷ đồng/m², đây sẽ là một con số khổng lồ với 1.500 tỷ đồng. Chắc hẳn, đây chính là đích mà Tập đoàn Đại Dương muốn nhắm đến.
Đằng sau tham vọng lớn
Thực tế cho thấy ông chủ mới của kem Tràng Tiền không hề có ý định bán hay cho thuê hoàn toàn "mỏ vàng" của mình. Ngay sau khi nắm quyền sở hữu kem Tràng Tiền vào năm 2011, tại đại hội cổ đông của mình, Tập đoàn Đại Dương đã công bố kế hoạch xây dựng một khu dịch vụ gồm văn phòng và căn hộ hạng sang với giá bán 10.000 USD/m². Mặc dù đến nay, kế hoạch này vẫn chưa được thực hiện nhưng chắc chắn, đây vẫn sẽ là "mỏ vàng" với Ocean Group khi tập đoàn này biến những cửa hàng kem Tràng Tiền thành các dự án BĐS có giá trị hàng nghìn đô mỗi m².
Chỉ tính riêng trị giá BĐS của kem Tràng Tiền cũng đủ để Ocean "hời" lớn trong thương vụ này. Còn nếu tính cả trị giá của thương hiệu kem Tràng Tiền, Ocean Group thực sự đã "ăn đậm". Với mức tăng trưởng lên đến 15 - 20%, thị trường kem Việt Nam thực sự là miếng ngon béo bở cho các nhà đầu tư khi các hãng lớn như Kido, Vinamilk, Thủy Tạ, Tràng Tiền, Walls... đều có mức tăng trưởng từ 20 - 30%. Trong khi đó, tiêu thụ kem của người dân Việt Nam vẫn đang ở mức thấp, chỉ khoảng hơn 1 lít kem/năm. Đặc biệt, thương hiệu kem Tràng Tiền mà Ocean Group sở hữu hiện đang chiếm thị phần lớn nhất trên thị trường kem ở Hà Nội với hơn 35%. Hãng này cũng được biết đến là một trong những hãng kem mạnh tay chiết khấu cho các đại lý để giữ thị phần.
Được biết, cùng với việc mua lại kem Tràng Tiền, Ocean Group còn mua lai một thương hiệu thực phẩm khác là hãng bánh Givaral - cũng là thương hiệu bánh có 60 tuổi đời tại Sài Gòn có nguồn gốc từ Pháp. Cũng như kem Tràng Tiền, thương hiệu thực phẩm này sở hữu "mảnh đất vàng" ngay tại quận Phú Nhuận, nay là Khách sạn StarCity Sài Gòn, cũng do công ty con của Ocean Group sở hữu. Như vậy, với việc nhắm đến những thương hiệu có tên tuổi lâu năm trên thị trường để vừa sở hữu những vị trí đắc địa, vừa sở hữu những thương hiệu thực phẩm, Ocean Group thực sự đã lợi cả đôi đường.
Trong chiến lược kinh doanh mới của Ocean Group, "đại gia" này cho biết sẽ đầu tư mạnh vào thị trường bán lẻ nhằm xây dựng chuỗi bán lẻ lớn nhất Việt Nam với tên OceanMart. Dự kiến trong năm 2013, OceanMart sẽ khai trương trên 20 siêu thị trên toàn quốc, với mỗi điểm có diện tích lên tới khoảng 100.000m². Cùng với thương hiệu bánh Givaral, chắc hẳn kem Tràng Tiền sẽ tiếp tục là trợ thủ đắc lực cho tập đoàn này tiến quân vào ngành phân phối và thực phẩm.
Cẩm An