Công ước 98 có 3 nội dung cơ bản: Bảo vệ người lao động và công đoàn trước các hành vi phân biệt đối xử, chống công đoàn của người sử dụng lao động; bảo vệ tổ chức của người lao động không bị can thiệp, thao túng bởi người sử dụng lao động; những biện pháp thúc đẩy thương lượng tập thể tự nguyện, thiện chí.
![]() |
Quy định người sử dụng lao động nộp 2% tiền lương cho quỹ công đoàn sẽ khiến Việt Nam vi phạm Công ước 98 sắp tham gia? |
Cân nhắc đóng 2% phí công đoàn
Thảo luận tại hội trường ngày 7.6 về việc tham gia Công ước 98 của Tổ chức Lao động quốc tế về Áp dụng những nguyên tắc của quyền tổ chức và thương lượng tập thể, hầu hết các đại biểu đều cho rằng thời điểm gia nhập công ước 98 đã chín muồi và Việt Nam phải nhanh chóng để tham gia.
Các đại biểu cho rằng, đây chính là điều kiện để đảm bảo cạnh tranh công bằng, các nước không quan tâm đến xã hội chúng ta như thế nào, công đoàn hay người lao động ra làm sao. Họ chỉ quan tâm một điều, đó là làm sao cơ chế hình thành giá lao động hay điều kiện lao động phù hợp với cơ chế thị trường, đảm bảo minh bạch, cạnh tranh bình đẳng giữa các doanh nghiệp và các nước.
Tuy nhiên, một số đại biểu tỏ ra lo ngại về việc người sử dụng lao động đóng 2% phí công đoàn sẽ khiến Việt Nam vi phạm Công ước 98 sắp tham gia và đề nghị Chính phủ cân nhắc, làm rõ.
Đại biểu Bùi Sỹ Lợi (Thanh Hóa), Phó chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội, đề nghị Chính phủ làm rõ việc khoản 2 điều 26 luật Công đoàn quy định người sử dụng lao động nộp 2% tiền lương cho quỹ công đoàn có bị coi là hành vi can thiệp vào tổ chức công đoàn, theo quy định tại điều 2 Công ước 98 hay không?
Dẫu vậy, ông Lợi nêu quan điểm: “Đương nhiên việc quy định kinh phí công đoàn do cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp đóng 2% trên tổng quỹ tiền lương so với Điều 2 Công ước số 98. Đây là hành vi can thiệp của cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp vào tổ chức công đoàn”.
Đánh giá về vấn đề này, đại biểu Bùi Văn Cường (đoàn Gia Lai) cho rằng, 2% kinh phí công đoàn là một chính sách của Đảng và Nhà nước để tổ chức công đoàn thực hiện nhiệm vụ chăm lo, bảo vệ của mình. Vì vậy, hệ thống tài chính, tài sản công đoàn là theo hệ thống dọc.
Tuy nhiên, ông Cường đồng tình với ý kiến xem xét 2% phí công đoàn và cho biết, hiện nay, 69% trên tổng số 2% phí công đoàn dành cho công đoàn cơ sở để tổ chức hoạt động, còn 31% là cho từ cấp trên cơ sở về đến Tổng liên đoàn để trả lương, tổ chức các hoạt động chăm lo đại diện, xây dụng các điều kiện phục vụ người lao động.
Tái cấu trúc lại quỹ công đoàn
Đại biểu Ngọ Duy Hiểu (đoàn Hà Nội), Phó chủ tịch Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam cho rằng, về việc một số đại biểu băn khoăn tính liên quan của nội dung Công ước số 98 với quy định của Luật Công đoàn về 2% kinh phí.
Theo đại biểu, nội dung này không đề cập đến việc can thiệp, vì can thiệp ở đây là xung quanh mối quan hệ giữa tổ chức công đoàn tại doanh nghiệp với giới chủ, không liên quan đến 2%. “Hiện nay kinh phí này thu theo cơ chế về cả hệ thống sau đó mới chuyển quỹ xuống các tổ chức công đoàn tại doanh nghiệp. Do đó, tôi nghĩ nội dung này hoàn toàn yên tâm khi chúng ta tham gia công ước”, ông Hiểu cho hay.
Trên thực tế, các tổ chức quốc tế rất quan tâm đến hai vấn đề. Thứ nhất, kinh phí có phải lấy từ Đảng hay Chính phủ. Thứ 2, biên chế bộ máy như thế nào?
Về vấn đề này, theo ông Hiểu công đoàn hoàn toàn không lấy kinh phí từ Chính phủ mà 2% phí này được dùng để chi tiêu cho toàn hệ thống, bao gồm lương, các hoạt động thường xuyên, các hoạt động chăm lo như xây dựng thiết chế công đoàn.
Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Vũ Tiến Lộc (đại biểu đoàn Thái Bình) đại diện cho giới chủ, thì đề nghị phải nghiên cứu tái cấu trúc lại quỹ công đoàn.
“Hiện nay, 2% kinh phí công đoàn là người sử dụng lao động đóng cho tổ chức công đoàn. Bây giờ có nhiều tổ chức của người lao động thì không thể là quỹ công đoàn được, bởi vì các tổ chức đại diện khác của người lao động cũng được hưởng số tiền này. Tôi đề nghị phải thành lập một “quỹ lao động” hay “quỹ xây dựng quan hệ lao động hài hòa” ở Việt Nam", ông Lộc nói.
Việc quản lý quỹ này, theo ông Lộc, cần vai trò của nhà nước, tổ chức công đoàn và tổ chức của giới sử dụng lao động để bàn bạc với nhau xây dựng chương trình thực hiện một cách tốt nhất.
Thanh Hoa