Trong báo cáo vĩ mô được cập nhật vào giữa tháng 1/2023, Bộ phận phân tích của Công ty chứng khoán ACBS cho biết vẫn đang theo dõi sát các hoạt động sản xuất công nghiệp trong những tháng tới để xem liệu sự suy giảm gần đây (xuất khẩu giảm trong tháng 11 và 12/2022 so với cùng kỳ năm ngoái, chỉ số quản lý mua hàng PMI rơi xuống vùng thu hẹp 2 tháng liên tiếp) là sự suy giảm tạm thời hay là khởi đầu của một xu hướng giảm dài hạn hơn.
Là trung tâm sản xuất xuất khẩu với chi phí thấp
Tuy vậy, chuyên gia phân tích của ACBS vẫn duy trì kỳ vọng tốc độ tăng trưởng GDP sẽ phục hồi và tăng trưởng trong năm 2023 với sự hỗ trợ từ việc thúc đẩy sản xuất công nghiệp.
Nhất là khi các nhà sản xuất của Việt Nam có chi phí thấp, sự ổn định của nền kinh tế vĩ mô và với chi phí lao động cạnh tranh so với nhiều nước trong khu vực vẫn hấp dẫn các doanh nghiệp (DN) đầu tư và thành lập nhà máy sản xuất.
Giữa nhiều dự báo khó khăn, lực đẩy từ sản xuất công nghiệp được kỳ vọng giúp giữ đà tăng trưởng tốt trong năm 2023. |
Chưa kể, chiến tranh thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc vẫn đang tiếp diễn, đặc biệt trong lĩnh vực bán dẫn. Làn sóng đẩy mạnh đa dạng hóa hoạt động sản xuất của các công ty đa quốc gia sang các khu vực khác của châu Á (bao gồm cả Việt Nam) vẫn đang tiếp tục diễn ra không chỉ để giảm thiểu tác động của cuộc chiến thương mại mà còn để cắt giảm chi phí sản xuất. Đó còn là sự phục hồi mạnh mẽ của các ngành dịch vụ sau khi được phép mở cửa lại các loại hình kinh doanh dịch vụ.
Không chỉ vậy, theo ACBS, gói hỗ trợ tài khóa, tiền tệ ước tính khoảng 347 nghìn tỷ đồng (291 nghìn tỷ đồng cho gói hỗ trợ tài khóa và 56 nghìn tỷ đồng cho gói hỗ trợ tiền tệ) để hỗ trợ phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội sau dịch Covid-19 mới được giải ngân khoảng 16% tổng gói, tức còn khoảng 290 nghìn tỷ đồng cần giải ngân trong năm 2023.
Bên cạnh đó, vốn đầu tư thực hiện từ nguồn ngân sách nhà nước trong năm 2023 (ước tính khoảng 650-680 nghìn tỷ đồng) cần giải ngân sẽ thúc đẩy phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam trong năm nay.
Ngoài ra, trao đổi với VnBusiness, chuyên gia kinh tế Nguyễn Hoàng Dũng cho rằng, với một danh sách dài các hiệp định thương mại tự do (FTA) đã ký kết được cho đến nay đang giúp nâng cao năng lực cạnh tranh của Việt Nam với tư cách là một trung tâm sản xuất xuất khẩu với chi phí thấp.
Theo ông Dũng, đến nay đã tròn một năm, Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) có hiệu lực. Đó cũng là khoảng thời gian mà các DN Việt Nam tìm hiểu, thử nghiệm và đi vào những "sân chơi" lớn như Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc…
Còn nhiều cơ hội đang mở ra
Và trong năm 2023 này, khi bước sang năm thứ 2 thực hiện RCEP sẽ tiếp tục mang lại cơ hội cho các DN và sản xuất công nghiệp của Việt Nam. Thứ nhất là cơ hội thâm nhập sâu hơn vào những thị trường lớn. Bởi lẽ, RCEP đã dựng lên những rào cản khá gắt gao về vấn đề chất lượng và những tiêu chuẩn về kiểm soát hàng hoá để cho những quốc gia thành viên như Việt Nam hưởng lợi từ thuế suất cho đến những ưu đãi về thị trường.
“Đây là cơ hội rất lớn cho các DN Việt Nam, đặc biệt là những DN có xu hướng đầu tư chiều sâu và nâng cao chất lượng cho các mặt hàng mà mình sản xuất và nhắm đến thị trường trong RCEP”, ông Dũng nói.
Thứ hai là cơ hội đến từ việc tháo gỡ các rào cản nội tại, sửa đổi những luật lệ không còn phù hợp nhằm giúp cho các DN gia tăng sản xuất và phát triển thị trường xuất khẩu nhiều hơn. Những gói hỗ trợ và cải cách tương đối mạnh ở một số địa phương cũng mang lại tín hiệu tích cực cho DN.
Bên cạnh đó, chuyên gia Nguyễn Hoàng Dũng cũng lưu ý để thúc đẩy sản xuất công nghiệp thì các DN không thể lơ là thị trường nội địa với gần 100 triệu dân. Các DN cần phải thay đổi để làm sao người tiêu dùng ở “sân nhà” tin dùng hàng Việt. Muốn làm được điều đó thì các DN phải có sự đầu tư thích đáng về chiều sâu trong chuỗi giá trị từ nguyên liệu cho đến chế biến, đóng gói, cách làm thương hiệu...
Với động lực từ sản xuất công nghiệp, các chuyên gia của ACBS cho rằng nền kinh tế của Việt Nam sẽ tăng trưởng tốt trong khoảng 5,9% - 6,4% trong năm nay.
Xét về kịch bản tích cực, với giả thuyết tất cả các hoạt động sản xuất công nghiệp sẽ không thu hẹp trong 6 tháng đầu năm 2023 và bắt đầu hồi phục trong 6 tháng cuối năm 2023 thì kỳ vọng rằng tăng trưởng GDP của Việt Nam trong năm 2023 đạt cao nhất là 6,4%.
Còn kịch bản thứ hai với giả thuyết kém lạc quan hơn, giả định tất cả các hoạt động sản xuất công nghiệp tiếp tục chậm lại và thậm chí giảm nhẹ trong 6 tháng đầu năm 2023 và cũng bắt đầu hồi phục trong 6 tháng cuối năm 2023 nhưng tốc độ hồi phục chậm do nhu cầu suy giảm từ các đối tác thương mại lớn, thì kỳ vọng tăng trưởng GDP của Việt Nam trong năm 2023 đạt cao nhất là 5,9%.
Nói chung, đà tăng trưởng trong năm nay trông chờ vào khả năng “biến nguy thành cơ” của sản xuất công nghiệp. Điều quan trọng là các nhà sản xuất trong nước cần nắm bắt cơ hội thị trường, duy trì sản xuất vào những thời điểm khó khăn. Mặt khác, các cơ quan quản lý cũng nên tìm giải pháp để khuyến khích phát triển sản xuất tại các DN, hỗ trợ DN tiếp cận các thị trường mới, giảm bớt lệ thuộc vào những thị trường xuất khẩu lớn đang gặp khó khăn.
Hơn thế nữa, ở các địa phương có thế mạnh về sản xuất công nghiệp nên tái cấu trúc mạng lưới công nghiệp nội tỉnh và xây dựng các mô hình công nghiệp mới. Nhất là cần tiếp tục nâng cấp mô hình phát triển công nghiệp nhằm từng bước rời xa thâm dụng lao động và thâm dụng đất đai, hướng đến nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển bền vững.
Thế Vinh