Khối ngoại chiếm khoảng 95% tổng kim ngạch xuất khẩu hàng điện tử, bởi vậy tăng trưởng của ngành này phụ thuộc khá lớn vào "sức khỏe" của các doanh nghiệp FDI.
Tăng hay giảm đều phụ thuộc FDI
Theo báo cáo của Bộ Công Thương, quý I/2020, ngành sản xuất sản phẩm điện tử, máy vi tính và sản phẩm quang học tăng 14,3% so với cùng kỳ. Đây là một trong những điểm sáng nhất của sản xuất công nghiệp trong những tháng u ám nhất do tác động tiêu cực từ Covid-19.
![]() |
Samsung Việt Nam có thể bị giảm xuất khẩu xuống còn khoảng 45,5 tỷ USD (Ảnh: Internet) |
Ông Phạm Đình Thúy, Vụ trưởng Vụ Thống kê Công nghiệp (Tổng cục Thống kê) cho biết dưới tác động của dịch bệnh Covid-19, lúc đầu chúng ta đều nghĩ ngành sản xuất linh kiện điện tử sẽ sụt giảm, nhưng ngược lại quý I tăng trưởng rất tốt.
Ba nguyên nhân được ông Thúy nêu ra là: Samsung cho ra đời dòng điện thoại thế hệ mới có sức tiêu thụ tốt; FDI tiếp tục chuyển vào Việt Nam, như là LG đã chuyển toàn bộ dây chuyền sản xuất từ Hàn Quốc về Hải Phòng; xuất khẩu vào các thị trường truyền thống của ngành điện tử tốt hơn, Việt Nam hưởng lợi do Trung Quốc bị ảnh hưởng dịch bệnh nên hạn chế xuất khẩu.
Tuy vậy, báo cáo đánh giá tác động của dịch Covid-19 đến các ngành trọng điểm vừa được Bộ Công Thương gửi đến Thủ tướng nhận định sắp tới, ngành điện tử bị ảnh hưởng lớn do nhu cầu tiêu thụ sản phẩm giảm tại Mỹ, EU. Hiện, 2 thị trường này lần lượt chiếm tỷ trọng 17% và 24% kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng điện thoại, linh kiện; nhóm hàng máy tính, sản phẩm điện tử lần lượt là 17% và 14%. Đây cũng là 2 thị trường xuất khẩu chủ lực của Samsung Electronics Việt Nam, chiếm tới 50% giá trị xuất khẩu của doanh nghiệp này, trong đó Mỹ khoảng trên 20%, còn EU là 30%.
Doanh thu và sản lượng toàn cầu của Samsung dự báo sẽ giảm do ảnh hưởng của dịch Covid-19. Riêng các nhà máy tại Việt Nam có thể bị giảm xuất khẩu xuống còn khoảng 45,5 tỷ USD trong năm 2020, tương đương giảm 5,8 tỷ USD so với năm 2019.
Xuất khẩu của Samsung giảm, Bộ Công Thương lo ngại ngành điện tử Việt Nam sẽ bị ảnh hưởng lớn trong các quý còn lại của năm 2020.
Như vậy có thể thấy, cả nguyên nhân khiến tăng và giảm tăng trưởng của ngành này đều liên quan mật thiết tới khối ngoại. Nếu như 2 trong 3 lý do giúp công nghiệp điện tử tăng trưởng trong quý I đều liên quan tới DN FDI, thì nguyên nhân cản đường ngành công nghiệp điện tử trong những tháng còn lại của năm 2020 cũng xuất phát từ khối ngoại, cụ thể là Samsung.
Bao giờ doanh nghiệp Việt mới "lớn"?
Theo nhận định của Bộ Công Thương, công nghiệp điện tử Việt Nam là ngành có nhiều tiềm năng do cơ cấu dân số trẻ, quy mô 100 triệu dân trong tương lai. Do đó, nhu cầu tiêu dùng các sản phẩm điện tử trong nước ngày càng tăng, với thị trường nội địa khoảng 10 - 12 tỷ USD. Đặc biệt, sự xuất hiện của các tập đoàn điện tử viễn thông lớn của thế giới như Samsung, Foxconn, LG, Panasonic, Intel… cho thấy thị trường Việt Nam là mảnh đất màu mỡ của lĩnh vực công nghiệp điện tử.
Ông Trương Thanh Hoài, Cục trưởng Cục Công nghiệp, cho biêt Việt Nam là quốc gia xuất khẩu điện tử lớn thứ 12 trên thế giới và thứ 3 trong khối ASEAN, trong đó chiếm tỷ lệ lớn là sản phẩm điện thoại di động xuất khẩu của Samsung.
Có thể nói, các tập đoàn đa quốc gia đóng vai trò chủ đạo, trong đó đặc biệt là các tập đoàn của Hàn Quốc, Nhật Bản... ở các lĩnh vực sản xuất cuối cùng và sản xuất linh kiện điện tử. Các dự án đầu tư lớn trong lĩnh vực điện tử ở Việt Nam chủ yếu tập trung vào các doanh nghiệp FDI, chiếm khoảng 95% tổng kim ngạch xuất khẩu hàng điện tử. Năng lực của các doanh nghiệp trong nước vẫn hạn chế, chất lượng mẫu mã sản phẩm chưa đáp ứng được yêu cầu cao của thị trường.
Mặc dù một số nhãn hiệu điện tử trong nước mới nổi lên như Bphone, Vsmart, Viettel... nhưng thị trường điện, điện tử dân dụng trong nước chủ yếu vẫn do các thương hiệu của nước ngoài chiếm lĩnh. Mặt khác, tỷ lệ nội địa hóa ngành điện tử cũng rất thấp, chỉ khoảng 5 - 10%.
Các sản phẩm điện tử trên thị trường Việt Nam đa số là hàng nhập khẩu nguyên chiếc hoặc lắp ráp trong nước bằng phần lớn các linh kiện nhập khẩu. Các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ ngành điện tử trong nước đã có tham gia vào chuỗi giá trị của ngành, tuy nhiên đa số mới cung cấp các sản phẩm đơn giản có giá trị, hàm lượng công nghệ thấp.
Theo đó, ông Hoài đề xuất tập trung hỗ trợ một số doanh nghiệp triển vọng phát triển thương hiệu, nâng cao năng lực cạnh tranh trong lĩnh vực điện tử nhằm tạo cơ hội cho các doanh nghiệp nội địa đóng vai trò dẫn dắt thị trường điện tử trong nước, đặc biệt là các sản phẩm điện - điện tử gia dụng.
Theo bà Đỗ Thị Thuý Hương, đại diện Hiệp hội Doanh nghiệp điện tử Việt Nam, để thay đổi cục diện hiện nay cần có những chính sách đủ mạnh để nâng sức cạnh tranh cho ngành điện tử. Việt Nam cần chú trọng nâng cao năng lực cạnh tranh, đẩy mạnh các biện pháp hỗ trợ các doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp ngành điện tử. Để phát triển ngành này, có 3 yếu tố chính mà các chính sách cần tập trung: đầu tư công nghệ; vốn; đào tạo nguồn nhân lực.
"Nhà nước cần có các chính sách cấp vốn cho doanh nghiệp; xem lại các quy định về công nghệ hỗ trợ cho các doanh nghiệp, chính sách trước khi ban hành cần xem xét tính khả thi, phù hợp với thực tế; hệ thống đào tạo cần được cải tiến cho phù hợp hơn", bà Hương nhấn mạnh.
Lê Thúy