Số liệu mới công bố từ Tổng cục Hải quan cho thấy các sản phẩm điện tử, linh kiện, máy vi tính là nhóm hàng NK lớn nhất trong 2 tháng đầu năm 2018, ước đạt 6,73 tỷ USD.
Nếu nhìn lại năm 2017, đây cũng là nhóm hàng đứng đầu trong 10 nhóm hàng có kim ngạch NK lớn nhất vào Việt Nam, với 37,71 tỷ USD. Đứng đầu thị trường cung cấp nhóm hàng này là Hàn Quốc.
Chậm thay đổi
Rõ ràng, hàng tỷ USD từ Việt Nam đã chảy ra nước ngoài để nhập linh, phụ kiện điện tử phục vụ lắp ráp cho những tập đoàn điện tử lớn của Hàn Quốc, Nhật Bản, Mỹ.
Trong khi đó, cơ hội, khả năng cung ứng linh kiện điện tử của các DN nội còn quá mờ nhạt. Ngay cả việc nhập linh kiện điện tử nhiều nhất từ Hàn Quốc cũng khiến nhiều người liên tưởng đến Samsung.
Thông tin được Ts. Trương Thị Chí Bình, Phó Chủ tịch Hiệp hội Công nghiệp hỗ trợ Việt Nam (VASI), đưa ra tại hội thảo về thúc đẩy cơ hội liên kết trong chuỗi cung ứng ngành điện tử tổ chức ở Tp.HCM ngày 13/3 cũng cho thấy tỷ lệ NK trong ngành công nghiệp điện tử ở Việt Nam đang chiếm đến 77%.
Thậm chí, NK linh kiện điện tử chuyên dụng và điện tử cơ bản còn có tỷ lệ cao hơn, từ 84% – 98%. Phần mua trong nước trực tiếp từ nhà sản xuất chỉ chiếm tỷ lệ khiêm tốn 16%.
Bà Bình cho biết trong quy trình chọn nhà cung cấp trong ngành công nghiệp điện tử ở Việt Nam, điều mà họ cần ở các DN cung ứng nội địa vẫn là 3 điểm chính yếu: Chất lượng, giá cả và thời gian giao hàng.
Vậy nhưng, đó cũng là 3 điểm yếu chính của các DN cung ứng linh kiện điện tử trong nước. Nên nhắc lại nhận định mới đây của Tổ chức Xúc tiến Thương mại Nhật Bản (Jetro) khi khảo sát tình hình hoạt động của DN Nhật Bản ở Việt Nam (trong đó có khá nhiều DN ngành điện tử) năm 2017, cho thấy tỷ lệ cung ứng nguyên vật liệu, linh kiện nội địa tại DN nội Việt Nam giảm.
Nếu so sánh tỷ lệ cung ứng tại DN nội ở các nước lân cận như Trung Quốc, Thái Lan, Indonesia, tỷ lệ của Việt Nam thuộc loại thấp nhất (đạt tỷ lệ 13,1%). Và như mọi năm, phía Jetro lại tiếp tục khuyến nghị Việt Nam cần tiếp tục có các đối sách hỗ trợ đối với ngành công nghiệp hỗ trợ.
Theo ước tính, khoảng 80% sản phẩm điện tử/phần cứng ICT và hơn 30% sản phẩm liên quan đến điện tử ở Việt Nam được sản xuất để xuất khẩu (XK). Những sản phẩm XK này chủ yếu do các công ty nước ngoài thực hiện, dẫn đến sự gia tăng dòng vốn FDI của các công ty công nghệ cao hàng đầu thế giới như Intel, Samsung và Canon. Ngoài ra, hầu hết các mặt hàng XK đều tập trung vào một vài nhóm sản phẩm điện tử.
Thiếu tính cạnh tranh là trở ngại lớn của các DN cung ứng linh kiện điện tử trong nước
Kém cạnh tranh
Giới chuyên gia Ngân hàng Thế giới (WB) đã chỉ ra việc thúc đẩy FDI thông qua các ưu đãi về thuế và tiếp cận đất đai, là chiến lược chính trong ngành điện tử/phần cứng ICT, dẫn đến sự gia tăng dòng vốn FDI của các công ty công nghệ cao.
Tuy nhiên, chiến lược này đã đẩy lùi đà tăng trưởng của các công ty trong nước, vốn đang trải qua sự suy giảm năng suất lao động.
Hơn nữa, các công ty nước ngoài dựa vào hệ thống nhà cung cấp của họ (các nhà cung cấp cấp 1) ở nước ngoài để có nguồn cung đầu vào. Đơn cử như Samsung chủ yếu dựa vào các nhà cung cấp đầu vào trung gian của Hàn Quốc có trụ sở tại Việt Nam.
Từ năm 2016 trở về trước, chỉ có 4 nhà cung cấp Việt Nam trong tổng số 67 nhà cung cấp cho Samsung (53 đến từ Hàn Quốc, 7 từ Nhật Bản, 1 từ mỗi nước Malaysia, Singapore và Anh). 4 nhà cung cấp cấp 1 Việt Nam chủ yếu là DN bao bì có giá trị gia tăng thấp (bao gồm bao bì giấy, bao bì màng mỏng, bao bì giấy gấp nếp).
Đến cuối năm 2017 thì khá hơn, đã có 29 DN Việt Nam trở thành nhà cung cấp cấp 1 cho Samsung. Nhưng đây vẫn là những con số quá khiêm tốn, mới chỉ dừng lại với một số công ty trong lĩnh vực cơ khí, ép khuôn, bao bì.
Còn thực chất lâu nay, Samsung đã mang theo cả chuỗi cung ứng sản xuất linh kiện điện tử vào Việt Nam hoặc NK từ Hàn Quốc, nên DN nội địa khó mà chen chân cung ứng linh phụ kiện cho các nhà máy sản xuất điện thoại di động của họ.
Trở ngại lớn hiện nay từ phía cung ứng linh kiện điện tử của các DN Việt là còn thiếu nhiều thông tin về các tiêu chuẩn của nhà cung cấp. Điều này làm yếu đi các cơ hội liên kết với các nhà cung cấp ở cấp cao. Ngoài ra, việc thiếu khả năng tiếp cận tài chính cũng làm khó các nhà cung ứng Việt cỡ nhỏ.
Trong khi đó, về phía cầu, việc thiếu các nhà cung cấp trong nước có năng lực cạnh tranh có thể đáp ứng được các tiêu chuẩn chất lượng trong chuỗi cung ứng toàn cầu (GVC) là hạn chế lớn nhất mà các công ty hàng đầu trong lĩnh vực ICT/điện tử và chế tạo đang phải đối mặt.
Khi các nhà cung cấp trong nước thiếu tính cạnh tranh có thể dẫn đến việc các công ty nước ngoài sẽ tìm kiếm ở nơi khác và liên kết với các công ty khác có thể cung cấp ổn định về chất lượng, số lượng, giá cả và đầu vào kịp thời để lắp ráp sản phẩm hoàn chỉnh.
Điều này là do các công ty hàng đầu muốn giảm thiểu rủi ro cung cấp và đạt được mục tiêu sản xuất.
Thế Vinh