Mới đây, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cho biết đã cố gắng tiết kiệm chi phí nhưng vẫn không thể bù đắp được chi phí mua điện đầu vào tăng quá lớn, kết quả sản xuất kinh doanh 10 tháng đầu năm 2022 của công ty mẹ EVN lỗ khoảng 15.758 tỷ đồng, dự kiến cả năm 2022 có thể lỗ ở mức khoảng 31.360 tỷ đồng. Nếu không cắt giảm chi phí, số lỗ năm 2022 của EVN có thể lên tới 64.805 tỷ đồng.
Tài chính thua lỗ, EVN nói sẽ ảnh hưởng tới cung ứng điện
Trước đó, EVN cũng phát đi thông tin cho biết giá điện nhiều quốc gia trên thế giới tăng mạnh. Đơn cử, giá điện bán buôn trung bình vào tháng 10/2022 tại Ý là 211,2 Euro/MWh (tương đương 5.714 đồng/kWh); tại Pháp là 178,9 Euro/MWh (tương đương 4.847 đồng/kWh); tại Đức là 157,8 Euro/MWh (tương đương 4.278 đồng/kWh); tại Anh là 136,60 Euro/MWh (khoảng 3.710 đồng/kWh). Còn tại Mỹ, theo trang tin trực tuyến Vaultelectricity, nhiều bang có mức giá tăng cao, trong đó có bang tăng hơn 27,47 USD/kWh (tương đương 6.810 đồng/kWh).
EVN cho biết tình hình tài chính thua lỗ có thể ảnh hưởng đến khả năng hoạt động liên tục của các nhà máy điện, ảnh hưởng tới cung cấp điện. |
Đối với một số nước ở châu Á cũng đang đối diện tình trạng giá điện tăng cao. Trong đó, tại Nhật Bản, giá điện tính theo bậc thang áp dụng tại nước này gồm: sử dụng mức dưới 120kWh có giá là 19,88 Yên (tương đương 3.530 đồng/kWh); từ mức 121kWh đến 300kWh có giá 26,46 Yên (tương đương 4.700 đồng/kWh); trên 301kWh sẽ có giá 30,57 Yên (tương đương 5.425 đồng/kWh)… Trong khi đó, tại Việt Nam, mức giá bán lẻ điện bình quân là 1.864,44 đồng/kWh (chưa gồm VAT) và giá điện đã được giữ ổn định kể từ tháng 3/2019 đến nay.
Dù EVN chưa có kiến nghị chính thức, nhưng nhiều người cũng ngầm hiểu rằng rõ ràng những thông tin trên đều muốn chứng minh một thực tế là giá điện Việt Nam đang đi ngược so với xu hướng của thế giới, mặc dù cũng giống như các nước, chi phí sản xuất điện của Việt Nam không nằm ngoài những tác động của tình hình thế giới khi giá nhiên liệu tăng cao. Hay nói cách khác, đây chính là luận chứng để EVN kiến nghị tăng giá điện trong thời gian tới, cụ thể là năm sau.
Bản thân EVN cũng cho rằng trong bối cảnh tình hình tài chính thua lỗ như vậy có thể gây khó khăn trong việc không cân đối được dòng tiền để thanh toán chi phí mua điện cho các đơn vị phát điện, ảnh hưởng đến khả năng hoạt động liên tục của các nhà máy điện, ảnh hưởng tới cung cấp điện.
Doanh nghiệp sản xuất thêm mối lo
Ngược lại mong muốn của EVN, nhiều doanh nghiệp sản xuất trong nước cho biết giá điện có thể tăng giống như “cú đấm bồi” đối với họ.
Ông Phạm Văn Việt, Tổng giám đốc Công ty TNHH Việt Thắng Jean (VitaJean), chia sẻ với VnBusiness rằng trong bối cảnh lãi suất cho vay tăng mạnh, chi phí xăng dầu, vận chuyển… ở mức cao đã khiến doanh nghiệp không có lãi, thì việc giá điện sắp tới được điều chỉnh tăng càng khiến người sản xuất trở nên khốn khó hơn.
Ông Việt ước tính trung bình, mỗi tháng một nhà máy của VitaJean tiêu tốn khoảng 600 – 1 tỷ đồng tiền điện, giá điện tăng lên bao nhiêu phần trăm thì doanh nghiệp phải trả thêm từng đấy. Trong khi đó, thị trường đầu ra hiện nay rất khó khăn bởi lạm phát tăng mạnh, hàng tồn kho ở thị trường Mỹ, EU rất lớn đang khiến doanh nghiệp phải giảm công suất xuống 80%, công nhân nghỉ việc luân phiên.
“Thị trường xuất khẩu trong thời gian tới rất khó lường, chúng tôi vẫn chưa đủ đơn hàng cho những tháng đầu năm 2023. Do vậy, nếu giá điện tăng thì cũng không thể tính vào chi phí sản xuất được, bởi như vậy sản phẩm sẽ không cạnh tranh được với đối thủ của các nước khác”, ông Việt nói. Đồng thời bày tỏ mong muốn nếu giá điện trong nước bắt buộc phải tăng trong thời gian tới thì cần có lộ trình sớm cho doanh nghiệp chuẩn bị và tăng với mức độ phù hợp với sức chịu đựng của doanh nghiệp.
Theo PGS.TS. Đinh Trọng Thịnh, Giảng viên Học viện Tài chính, thực tế việc điều chỉnh giá là bình thường theo quy luật thị trường. Tuy nhiên, với ngành điện lại có đặc thù là giá vẫn do Nhà nước quản lý, thị trường bán lẻ điện chưa có cạnh tranh. Chưa kể, quá trình cổ phần hóa của nhiều doanh nghiệp trong ngành điện vẫn trì trệ, dẫn tới việc tính toán chi phí giá thành cho sản xuất kinh doanh điện còn không rõ ràng, công khai minh bạch.
“Vì vậy, dẫn tới câu chuyện người dân thiếu niềm tin vào ngành điện, cứ nói tới điều chỉnh giá điện là dư luận bức xúc, vì cảm thấy chưa được công khai, minh bạch, khi cần tăng giá là EVN cho biết đang thua lỗ nặng do chi phí đầu vào tăng mạnh”, ông Thịnh nhấn mạnh.
Về điều chỉnh giá điện trong thời gian tới, Viện trưởng Viện Điện lực Việt Nam Trần Đình Long cho rằng, nếu Nhà nước đã có chủ trương phát triển kinh tế theo hướng thị trường thì nên tuân thủ quy luật thị trường. Điều đó có nghĩa không nên gìm giá điện lâu quá, đến khi chênh lệch giá điện với thị trường quá lớn thì phải điều chỉnh biên độ lớn, ảnh hưởng tới người dân và doanh nghiệp. EVN có thể đề xuất, giải trình về sự hợp lý phải điều chỉnh giá điện trong năm sau tới Bộ Công Thương, Chính phủ.
Tuy nhiên, mặt khác cũng cần nhìn nhận một thực tế là trong những năm qua, giá điện hầu như chỉ tăng, chứ không giảm, Viện trưởng Viện Điện lực nhấn mạnh rõ ràng cần duy trì cơ quan kiểm toán xem yếu tố nào dẫn tới tăng hoặc giảm giá điện.
“Cơ quan quản lý Nhà nước có công cụ xác định tương đối rõ, nếu luận chứng cho thấy giá thành sản xuất điện giảm thì Nhà nước có quyền can thiệp để EVN giảm giá điện”, ông Long nói. Song, chuyên gia này cũng nhìn nhận thời gian qua, yếu tố giảm giá điện hầu như “không thắng" được yếu tố tăng nên nếu được điều chỉnh thì giá điện luôn tăng.
Lê Thúy