Thống kê của Tổng cục Hải quan tính đến ngày 15/9 cho thấy, cán cân thương mại của Việt Nam đang nhập siêu gần 4,2 tỷ USD (trong đó xuất khẩu (XK) đạt 225,2 tỷ USD, nhập khẩu (NK) 229,3 tỷ USD).
Hàng kiểm soát NK gia tăng
Như vậy, so với số liệu 8 tháng đầu năm 2021, khi đó cán cân thương mại hàng hóa nhập siêu 3,71 tỷ USD thì đến ngày 15/9, con số này đã tăng thêm 0,49 tỷ USD. Trên thực tế, nền kinh tế Việt Nam đảo chiều từ trạng thái xuất siêu sang nhập siêu kể từ tháng 5/2021, khi đó con số nhập siêu là 369 triệu USD.
Dự báo nhập khẩu rau quả sẽ tiếp tục gia tăng trong những tháng còn lại của năm 2021. |
Vậy nhập siêu khi nào trở nên đáng lo? Theo GS. Trần Thọ Đạt, nguyên Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế Quốc dân, nền kinh tế đang ở trong trạng thái nhập siêu - trạng thái này nếu là tạm thời để NK máy móc, thiết bị tạo ra sản phẩm thì không đáng lo. Tuy nhiên, vấn đề lo ngại là có NK lạm phát hay không khi mà giá nguyên nhiên vật liệu thế giới tăng cao trong thời gian qua? Cũng như NK hàng tiêu dùng gia tăng sẽ tác động tiêu cực tới chính sản phẩm hàng hóa của Việt Nam ở thị trường trong nước.
Theo số liệu thống kê từ Bộ Công Thương, kim ngạch NK nhóm hàng cần kiểm soát trong 8 tháng đầu năm 2021 đạt 13,5 tỷ USD, tăng 36,1% so với cùng kỳ năm 2020. Trong nhóm hàng này, kim ngạch NK rau quả tăng 16,4%, bánh kẹo và sản phẩm ngũ cốc tăng 35,5%, ô tô nguyên chiếc dưới 9 chỗ tăng 72,2%, phế liệu sắt thép tăng 104,4% về kim ngạch.
Ông Nguyễn Thanh Bình, Chủ tịch Hiệp hội Rau quả Việt Nam, cho biết NK rau quả 7 tháng đầu năm 2021 đạt 828.781 triệu USD, tăng 15,72% so với cùng kỳ năm 2020. Các thị trường Việt Nam NK rau quả đứng đầu là Trung Quốc, Mỹ, Úc, Myanmar và Newzealand. Dự báo về NK rau quả trong các tháng còn lại của năm 2021, lượng rau quả NK về Việt Nam sẽ tiếp tục tăng.
Như vậy, rõ ràng nếu không có giải pháp hạn chế nhóm hàng cần kiểm soát thì điều này cũng ảnh hưởng cán cân thương mại trong thời gian tới, cũng như sức cạnh tranh của hàng Việt ở thị trường trong nước.
Bộ Công Thương nhiều lần khẳng định rằng, theo chu kỳ NK hàng hóa nguyên liệu sản xuất thường tăng vào đầu năm và giảm dần vào cuối năm trong khi XK tăng trong những tháng cuối năm. Nhu cầu đối với hàng hóa XK của Việt Nam sẽ tiếp tục tăng cao phục vụ cho mùa tiêu dùng trong những tháng cuối năm 2021, đặc biệt là đối với ngành điện tử, đồ gỗ, hàng dệt may, da giày và thủy sản… Vì vậy, cán cân thương mại được dự báo sẽ cải thiện dần trong thời gian tới.
Quan trọng là nâng cao giá trị
Tuy nhiên, trong bối cảnh dịch bệnh đang khiến hoạt động XK bị suy giảm thì việc thúc đẩy tăng trưởng là điều không đơn giản. Nhiều doanh nghiệp XK đang đối mặt tình trạng phải hoãn, giãn đơn hàng giao cho đối tác, hoặc rơi vào tình trạng "khát, thiếu nguyên liệu" vào cuối năm.
Chưa kể, nguy cơ bị kiện phòng vệ thương mại vẫn hiện hữu. Tính đến tháng 7/2021, hàng hóa XK của Việt Nam đã là đối tượng của 207 vụ việc điều tra phòng vệ thương mại của nước ngoài.
Trước tình trạng trên, Bộ Công Thương cho biết giải pháp trong những tháng cuối năm là thúc đẩy XK kiềm chế nhập siêu. Tổ chức khai thác, tận dụng cơ hội từ các FTA để tìm giải pháp phát triển thị trường và tháo gỡ rào cản để thâm nhập các thị trường mới. Tiếp tục theo dõi sát sao diễn biến của đại dịch COVID-19 trên thế giới để có các biện pháp ứng phó kịp thời.
Củng cố và mở rộng thị trường XK, tận dụng tối đa lợi thế từ các Hiệp định thương mại tự do (FTA) đã có hiệu lực; đa dạng hóa thị trường XK, NK; đa dạng hoá cơ cấu sản phẩm XK, nâng cao năng lực cạnh tranh sản phẩm XK, phát triển thương hiệu. Trước mắt, tận dụng sự phục hồi của thị trường Mỹ và Châu Âu để đẩy mạnh XK các mặt hàng có thế mạnh như: dệt may, da giày, điện tử, đồ gỗ, thủy sản… đặc biệt là phục vụ dịp mua sắm gia tăng cuối năm.
Nhìn nhận ở góc độ tích cực, ông Jean Jacques Bouflet, Phó Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham), cho rằng chúng ta thường giữ quan điểm nói về thương mại thì phải làm sao để đẩy mạnh XK nhiều hơn và NK ít đi. "Lâu nay, người Việt Nam vẫn luôn tin rằng tham gia vào các Hiệp định FTA là để XK được tốt lên. Nhưng không phải NK lúc nào cũng xấu".
Nền kinh tế Việt Nam - EU có vai trò bổ trợ với nhau, ông Jean Jacques Bouflet dẫn chứng liên quan tới sản xuất ô tô, các doanh nghiệp hai bên đã có sự hợp tác rất tốt với nhau về thương mại. "Nếu Việt Nam muốn trở thành chủ thể mạnh trong thị trường quốc tế thì phải học cách chấp nhận rằng XK nhiều chưa hẳn đã tốt và ngược lại, điều quan trọng là nâng cao giá trị từ hoạt động này", ông nói.
Theo Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam, trên thực tế ở châu Âu, thời gian qua cũng có ý kiến cho rằng NK nhiều hàng tiêu dùng từ Việt Nam có đáng lo không. Tuy nhiên, "Chúng tôi đã đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền rằng NK từ các quốc gia phát triển không có nghĩa là sản phẩm chất lượng kém, từ đó người tiêu dùng châu Âu ngày càng tin tưởng vào hàng hóa Việt Nam hơn", ông nói.
Lê Thúy