Chiều 6/9, Văn phòng Chính phủ tổ chức họp báo thường kỳ tháng 8. Trả lời câu hỏi về việc Thanh tra Bộ Công Thương vừa quyết định sẽ tước giấy phép kinh doanh xuất nhập khẩu xăng dầu của 5 doanh nghiệp xăng dầu đầu mối lớn, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho biết đây là hành động kiên quyết xử lý hành vi vi phạm của doanh nghiệp đầu mối cũng như hệ thống của họ.
Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải trả lời câu hỏi của phóng viên về vấn đề nóng của ngành xăng dầu. |
Trên cơ sở các biên bản vi phạm hành chính, giải trình của các đơn vị, Chánh Thanh tra Bộ Công Thương đã ban hành các quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với 11 thương nhân đầu mối và công ty con với số tiền hơn 13 tỷ đồng. Ngoài hình thức xử phạt hành chính, lãnh đạo Bộ cho biết cũng có 5 quyết định xử phạt bổ sung tước quyền kinh doanh xuất nhập khẩu xăng dầu trong một tháng với 5 thương nhân đầu mối.
Theo ông Hải, quyết định tước quyền kinh doanh, nhập khẩu xăng dầu chủ yếu do doanh nghiệp không đáp ứng được điều kiện của hệ thống phân phối theo quy định. Điều đó có nghĩa 5 doanh nghiệp nếu bị tước sẽ không còn quyền thực hiện mua xăng dầu từ các nhà máy lọc dầu và bán xăng dầu cho các đơn vị phân phối...
Tuy nhiên, Người phát ngôn Bộ Công Thương cho hay trước mắt, Bộ sẽ áp dụng hình thức xử phạt hành chính. Với hình thức tước giấy phép kinh doanh sẽ áp dụng vào một thời điểm phù hợp nhất. Như vậy, đến thời điểm này, Bộ Công Thương chưa thi hành ngay quyết định rút giấy phép 5 đầu mối xăng dầu.
Trước đó, ngày 15/2/2022, Bộ Công Thương ban hành Quyết định thanh tra số 192/QĐ-BCT về thanh tra việc chấp hành quy định của pháp luật trong kinh doanh xăng dầu của một số thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu. Thực hiện quyết định nêu trên, Đoàn thanh tra đã tiến hành thanh tra các đơn vị và có báo cáo kết quả thanh tra, lập Biên bản vi phạm hành chính với các đơn vị có hành vi vi phạm.
Trên cơ sở các Biên bản vi phạm hành chính, giải trình của các đơn vị, ngày 31/8/2022, Chánh Thanh tra Bộ Công Thương ký ban hành 18 quyết định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực kinh doanh xăng dầu. Ngoài hình thức xử phạt tiền đối với 18 đơn vị gồm các thương nhân đầu mối, công ty con, còn áp dụng hình phạt bổ sung tước giấy phép kinh doanh xuất nhập khẩu xăng dầu đối với 5 thương nhân đầu mối gồm: Công ty cổ phần Thương mại Dầu khí Đồng Tháp, Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu xăng dầu Tín Nghĩa, Công ty cổ phần Dầu khí Đông Phương, Công ty TNHH xăng dầu Hùng Hậu, Công ty TNHH MTV Dầu khí Thành phố Hồ Chí Minh (Saigon Petro).
Hiện, Thanh tra Bộ đang tổng hợp xây dựng dự thảo Kết luận thanh tra việc chấp hành quy định của pháp luật trong hoạt động kinh doanh xăng dầu của một số thương nhân kinh doanh xăng dầu để trình lãnh đạo Bộ và dự kiến việc trình dự thảo ngay trong tháng 9/2022.
Mới đây, Saigon Petro đã có văn bản gửi đến Thủ tướng và Bộ trưởng Bộ Công Thương, liên quan đến việc bị tước quyền sử dụng giấy phép kinh doanh xuất khẩu, nhập khẩu xăng dầu. Doanh nghiệp này liệt kê ra hàng loạt hậu quả khi Bộ Công Thương tước quyền sử dụng giấy phép kinh doanh xuất khẩu, nhập khẩu xăng dầu của công ty.
Cụ thể, hệ thống phân phối của Saigon Petro bị mất nguồn cung trên 50.000m³/tháng và trên 1.000 cửa hàng bán lẻ xăng dầu thuộc hệ thống phân phối có thể sẽ phải đóng cửa. Việc này sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng tới nguồn cung thị trường, gây hậu quả tiêu cực tới hoạt động kinh tế xã hội khu vực mà hệ thống này cung cấp.
Vì vậy, Saigon Petro kiến nghị Thủ tướng, Bộ Công Thương xem xét dừng quyết định tước quyền sử dụng giấy phép kinh doanh xuất khẩu, nhập khẩu xăng dầu để công ty không bị ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh cũng như giữ ổn định thị trường và bảo tồn vốn.
Thy Lê