Còn nhớ, tháng 6 năm ngoái, Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) đã ban hành thông tư quy định chi tiết một số điều của Nghị định 43/2017/NĐ-CP (Nghị định 43) về nhãn hàng hoá.
Doanh nghiệp lo tốn kém
Một năm sau, Bộ KH&CN lại đang có bản dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều ở Nghị định 43 với một số quy định về ghi nhãn hàng hoá mà DN phản ánh là có thể gây khó cho họ.
![]() |
Quy định về dán nhãn hàng hoá cần tránh làm khó DN |
Tại buổi góp ý mới đây ở Tp.HCM về bản dự thảo này, một đại diện của Ủy ban thực phẩm đồ uống thuộc Phòng Thương mại Mỹ (Amcham) tại Việt Nam, bày tỏ lo lắng là các DN sẽ đối mặt vấn đề tốn kém chi phí trước việc liên tục điều chỉnh những quy định về ghi nhãn mác.
Việc thay đổi thường xuyên về dán nhãn hàng hoá theo quy định mới có thể sẽ gây tốn kém hàng ngàn tỷ đồng do phải thay đổi nhãn quá thường xuyên trong khi ảnh hưởng dịch Covid-19 khiến các DN sẽ còn nhiều khó khăn ở phía trước. Nhất là từ năm 2017, 2019 cho đến nay đã có hai lần quy định pháp luật về dán nhãn và tiếp tục có thêm lần thay đổi thứ 3 dự kiến hiệu lực từ tháng 6/2021.
Rào cản đối với DN từ việc đổi quy định dán nhãn hàng cũng là điều mà đại diện của Amcham lưu ý. Đơn cử như tại khoản 4, Điều 9 của bản dự thảo có quy định về việc trách nhiệm ghi nhãn hàng hoá được cho là sẽ gây ra rào cản cho DN nhập khẩu.
Ngoài Dự thảo nêu trên, Bộ KH&CN cũng đang lấy ý kiến góp ý cho dự thảo Thông tư Quy định về việc thể hiện một số nội dung ghi nhãn bắt buộc theo phương thức điện tử.
Một số DN trong ngành thuỷ sản bày tỏ sự lo lắng trước quy định trong khoản 1 Điều 9 của dự thảo về trách nhiệm của DN trong việc đảm bảo tiếp cận thông tin nội dung ghi nhãn theo phương thức điện tử, có nêu rõ: “Đăng ký địa chỉ tên miền truy cập thông tin về nhãn hàng hóa với cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền và công bố trên hàng hóa hoặc nhãn hàng hóa. Trường hợp sử dụng mã số mã vạch thì phải được kết nối từ cơ sở dữ liệu mã số mã vạch quốc gia”.
Theo đánh giá, điều này dự kiến có thể ảnh hưởng đến các sản phẩm mang mã số mã vạch nước ngoài (chủ mã số mã vạch không phải là DN Việt Nam).
Cần nhắc lại, hồi tháng 4 năm nay, Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thuỷ sản (VASEP) đã từng gửi công văn tới Thủ tướng và các bộ kiến nghị giải quyết vướng mắc trong quy định đăng ký sử dụng mã số mã vạch đối với hàng xuất khẩu (XK) quy định tại Nghị định số 74/2018/NĐ-CP.
Đó là vấn đề DN thuỷ sản sử dụng mã nước ngoài theo chuẩn của tổ chức mã số, mã vạch quốc tế GS1. Cả nước hiện chỉ có một nơi cấp là Trung tâm Mã số mã vạch Quốc gia (GS1) thuộc Tổng cục Tiêu chuẩn đo lường chất lượng đóng tại Hà Nội.
Cần “thuận cả đôi bên”
Theo phản ánh của các DN thuỷ sản, để đăng ký với GS1 thì họ tốn khá nhiều thời gian, sau khi có đủ hồ sơ và nộp phí thì nhanh nhất cũng phải 2-3 ngày mới có kết quả, các thủ tục đều phải làm trên hồ sơ giấy chứ chưa có thủ tục đăng ký qua mạng (online).
Do thông thường DN không chỉ có 1 mã hàng hoá, cho nên khi hoàn tất được thủ tục đăng ký mã số mã vạch nước ngoài thì nhiều khi DN phải tiêu tốn khá nhiều thời gian mới xuất được lô hàng.
Khi góp ý với bản dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều Nghị định số 43, ông Nguyễn Hoài Nam - phó tổng thư ký VASEP, cho rằng việc đổi quy định về ghi nhãn hàng hoá sẽ gây khó cho DN và ảnh hưởng đến xuất khẩu hàng hoá. Khó khăn này cũng có thể thấy ở quy định chứng nhận mã số mã vạch, nhãn in trên hàng hóa XK cũng phải theo nhà nhập khẩu, theo quy định của nước nhập khẩu.
Trái lại, đứng ở góc độ quản lý thì ngay như ở Nghị định 43 về ghi nhãn hàng hoá hiện hành nếu đứng ở góc quản lý cũng được phản ánh là bất cập. Chẳng hạn, Nghị định số 43 không điều chỉnh nội dung ghi nhãn đối với hàng hóa XK.
Đối với hành vi XK hàng hóa từ Việt Nam không đáp ứng tiêu chí xuất xứ nhưng trên bao bì, sản phẩm ghi nhãn hiệu “Made in Vietnam”, “Producted in Vietnam”, “Products of Vietnam”, phía cơ quan Hải quan đã gặp khó khăn trong việc phòng chống gian lận, giả mạo xuất xứ và xử lý vi phạm đối với hành vi này.
Hoặc như với việc ghi nhãn hàng nhập khẩu, ở Điều 7, Điều 8 và Điều 9 Nghị định số 43 có quy định trường hợp trên nhãn gốc không thể hiện thông tin về xuất xứ, DN được phép bổ sung nhãn phụ trước khi lưu thông trên thị trường.
Giới chuyên gia cho rằng quy định này dẫn đến việc DN lợi dụng tại thời điểm nhập khẩu khai hàng hóa có xuất xứ từ nước ngoài nhưng trên nhãn chưa thể hiện thông tin xuất xứ hàng hóa.Và sau khi thông quan, trước khi lưu thông trên thị trường thì phía DN gắn nhãn phụ có xuất xứ Việt Nam trên hàng hóa.
Có thể cơ quan quản lý đang “sốt ruột” khi thấy những bất cập từ Nghị định 43 trong việc ghi nhãn hàng hoá và họ muốn sửa đổi, bổ sung để việc quản lý được tốt hơn.
Nhưng ngược lại, với mỗi lần thay đổi, thêm quy định mới là DN lại thấp thỏm trước áp lực về chi phí, thời gian, “rào cản” thủ tục, các bất cập…sẽ gia tăng với họ. Đây là điều mà các nhà hoạch định chính sách cần lưu tâm trong lúc này để “thuận cả đôi bên”.
Thế Vinh