Tại Hội nghị Đại biểu Quốc hội chuyên trách vừa qua, đại biểu Phạm Văn Hòa (tỉnh Đồng Tháp) nêu ý kiến cần quy định thêm giá tối thiểu (giá sàn) và giá tối đa (giá trần) đối với dịch vụ hàng không.
Theo đó, đại biểu Hòa nhìn nhận tình trạng giá vé máy bay 0 đồng không tạo nên sự cạnh tranh lành mạnh giữa các hãng. “Nếu lỗ thì làm gì có thêm hãng hàng không mới vận hành, làm gì có các nhà đầu tư chuẩn bị rót vốn, xin mở mới hãng hàng không Việt Nam?”, đại biểu Hòa đặt vấn đề.
Đề xuất đã từng bị phản đối
Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc - đại diện cơ quan soạn thảo dự Luật Giá (sửa đổi), đánh giá ý kiến của đại biểu Hòa rất hay, hợp lý. Cơ quan soạn thảo sẽ tiếp thu, nghiên cứu và báo cáo Thường vụ Quốc hội, Quốc hội xem xét, quyết định.
Nhiều ý kiến không đồng tình đề xuất đưa quy định áp giá sàn vé máy bay vào Luật Giá sửa đổi. |
“Nếu giá vé 0 đồng hay 200.000 hoặc 500.000 đồng, các hãng hàng không sẽ không đủ chi phí nhiên liệu, chưa nói tới tiền trả lương cho người lao động, khấu khao. Như vậy, những hãng hàng không chuyên nghiệp sẽ thua, hay nói cách khác là bị hàng không giá rẻ đánh bại, dẫn đến vấn đề lợi nhuận độc quyền”, ông Phớc nói.
Thực tế, đây không phải là lần đầu tiên có đề xuất giá sàn cho vé máy bay. Năm 2021, Cục Hàng không Việt Nam từng trình Bộ GTVT dự thảo Thông tư quy định khung giá dịch vụ vận chuyển hành khách trên các đường bay nội địa. Theo đó, đề xuất áp giá sàn vé máy bay nội địa, mức tối thiểu vé bằng 20% mức giá tối đa quy định, tùy từng nhóm bay, giá sàn được đề xuất 320.000 – 750.000 đồng/chiều. Mức giá sàn trong vòng một năm, từ ngày 1/11/2021 đến hết ngày 31/11/2022. Tuy nhiên, đề xuất này đã không được thông qua.
Thời điểm đó, khi Cục Hàng không lấy ý kiến, Vietravel Airlines, Vietjet Air phản đối cho rằng không nên quy định giá sàn vé máy bay trên các đường bay nội địa.
Khi đưa ra đề xuất về giá sàn vé máy bay, Cục Hàng không thừa nhận chính sách này còn tồn tại các bất cập, hạn chế cơ bản, chưa phù hợp với thông lệ quốc tế. Điều này gây nên tình trạng bất bình đẳng giữa các hãng hàng không, hạn chế tính cạnh tranh trong thị trường kinh doanh vận chuyển hàng không nội địa.
Không khỏi ngạc nhiên trước việc bẵng đi một thời gian, vấn đề giá sàn vé máy bay một lần nữa được nhắc lại và lại đề xuất đưa vào quy định tại Luật Giá, ông Nguyễn Tiến Thỏa, Chủ tịch Hội Thẩm định giá Việt Nam phân tích, giá sàn là mức giá tối thiểu do Nhà nước áp đặt buộc người mua không thể trả tiền thấp hơn giá tối thiểu đó. Đây là loại giá không tuân theo nguyên tắc giá cân bằng cung cầu, cạnh tranh.
Khi định ra giá sàn là Nhà nước muốn bảo vệ lợi ích của người cung ứng hàng hoá có vị trí yếu thế trên thị trường, họ không có sức mạnh thị trường. Ví dụ, nông sản khi được mùa, giá xuống thấp hơn giá thành nông dân sản xuất; Tiền lương của người lao động trên thị trường lao động xuống thấp hơn giá cân bằng cung cầu…
Hàng triệu khách hàng có thể mất cơ hội mua vé rẻ
Quay trở lại câu hỏi có nên quy định giá sàn vé máy bay, ông Thỏa nêu câu trả lời là không, vì ngành hàng không hiện đã hoạt động theo cơ chế thị trường với việc đa dạng hoá các thành phần kinh tế tham gia thị trường, có cạnh tranh về cung ứng dịch vụ trên nhiều tuyến bay thì phải có giá cạnh tranh tuân thủ nguyên lý giá cân bằng cung cầu. Đó là nguyên tắc của kinh tế thị trường.
“Quy định giá sàn là một loại giá bảo hộ cho lợi ích của ngành hàng không, nó là loại giá phi thị trường theo nguyên tắc trên”, ông Thỏa nhấn mạnh. Hệ quả là gây thiệt hại cho hàng chục triệu khách hàng bởi tước đi cơ hội được hưởng mức giá rẻ hợp lý do cạnh tranh mang lại, không những thế còn tác động bất lợi lan sang ngành du lịch…
Về lo ngại không quy định giá sàn có sợ xảy ra cạnh tranh không lành mạnh (bán phá giá… gây thiệt hại cho ngành hàng không), ông Thỏa cho rằng nếu điều này xảy ra đã có Luật Cạnh tranh điều chỉnh.
Cùng với đó, Hãng hàng không Vietravel Airlines một lần nữa cho rằng việc áp dụng giá sàn sẽ làm giảm tính cạnh tranh, ảnh hưởng sự phụ thuộc và phát triển của ngành hàng không. Việc áp dụng giá sàn tại thị trường hàng không Việt Nam là chưa có tiền tệ. Trên thế giới hiện tại, không quốc gia nào quản lý vé máy bay bằng giá trần hay giá sàn.
Vietravel Airlines dẫn chứng, trong giai đoạn 2016 – 2017, Trung Quốc và Ấn Độ cũng đã quyết định bãi bỏ quy định giá tối thiểu cho vé máy bay sau thời gian ngắn áp dụng vì điều này làm đánh mất lợi thế cạnh tranh với các hãng khác trong khu vực.
Trong khu vực Đông Nam Á, tại các nước thu hút khách du lịch như Thái Lan, Singapore và Malaysia, các hãng hàng không cũng thực hiện cạnh tranh tự do, giá vé do thị trường quyết định và tự điều chỉnh theo xu hướng cung và cầu từng thời điểm.
Vì vậy, Vietravel Airlines cho rằng việc áp dụng giá sàn sẽ triệt tiêu yếu tố kinh tế thị trường theo đúng bản chất của nó chứ không mang lại lợi ích trong việc điều hành chuyên nghiệp và phát triển của dịch vụ của hãng hàng không. Đồng thời, việc áp khung giá cũng sẽ triệt tiêu tính cạnh tranh và gây tổn hại trực tiếp đến lợi ích của người tiêu dùng
Bên cạnh đó, quy định về khung giá sẽ khiến vé máy bay về cùng một mức, dần sẽ triệt tiêu tính năng động và đa dạng của ngành hàng không. Người tiêu dùng vì vậy cũng mất đi cơ hội có thêm nhiều lựa chọn phù hợp. Ngoài ra, các hãng hàng không giá rẻ sẽ gặp khó khăn khi tiếp cận khách hàng khi những hãng hàng không nổi tiếng sẽ được khách hàng ưu tiên lựa chọn. "Việc áp dụng giá sàn cũng dẫn đến tình trạng không thể tiếp cận được khách hàng ở phân khúc thấp", Vietravel Airlines phân tích hệ quả.
PGS. TS. Nguyễn Thiện Tống Nguyên Chủ nhiệm Bộ môn kỹ thuật hàng không (Đại học Bách khoa TP.HCM) Việc áp giá sàn vé máy bay sẽ vô tình làm mất đi lợi thế cạnh tranh và động lực phát triển của ngành hàng không từ các doanh nghiệp hàng không tư nhân. Thực tế chứng minh, thời gian qua, thị trường không có giá sàn và đang cạnh tranh rất tốt nhờ sự tham gia của các hãng hàng không tư nhân. Nếu áp dụng sàn giá vé máy bay, xét về quy luật cung cấp, việc áp dụng giá sàn chắc chắn nâng giá vé trung bình tăng và tăng giá vé sẽ làm giảm số lượng. Điều này sẽ ảnh hưởng đến động lực phát triển của ngành hàng không nói riêng và nền kinh tế nói chung. PGS.TS. Ngô Trí Long Nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá cả, Bộ Tài chính Áp giá sàn là đi ngược với xu hướng của hàng không thế giới, đặc biệt là xu hướng phát triển của hàng không giá rẻ. Nếu áp giá sàn với vé máy bay nội địa trong bối cảnh đường bay nội địa còn có hãng bay giữ vị trí thống lĩnh thị trường là trái với thể chế (định chế) về quản lý giá theo nguyên tắc của nền kinh tế thị trường cũng như theo Luật Hàng không dân dụng Việt Nam. Ông Bùi Trinh Chuyên gia kinh tế Thị trường đang cạnh tranh, có nhiều sự lựa chọn, việc áp giá sàn có thể cắt dòng cạnh tranh, cơ hội đi máy bay giá rẻ của nhiều người tiêu dùng. Đây là điều vô lý. Đồng thời, trong bối cảnh du lịch đang trông chờ phục hồi sau đại dịch, giá vé máy bay tăng sẽ kéo theo giá tour tăng, chi phí du lịch tăng, đi ngược với chủ trương kích cầu du lịch sau dịch. |
Nhật Linh