Thời gian qua, đề xuất về áp giá sàn vé máy bay của Hãng hàng không Jetstar Pacific cùng việc đồng ý xem xét nâng khung giá trần vé máy bay theo đề xuất của Cục Hàng không Việt Nam đã gây ra nhiều tranh cãi, khiến người tiêu dùng và cả các hãng hàng không đều đứng ngồi không yên.
Sau đó, tại buổi họp báo cáo Chính phủ thường kỳ tháng 3/2017, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Hồng Trường cho biết, hiện Bộ vẫn đang xem xét đề xuất này và trước khi có quyết định, Bộ sẽ báo cáo Thủ tướng Chính phủ để xin ý kiến.
Cạnh tranh cần công bằng
Tuy nhiên, mọi việc đã dịu đi phần nào khi cuối tuần qua, trong cuộc họp Ban cán sự Bộ GTVT, Bộ trưởng Trương Quang Nghĩa đã nhấn mạnh: “Quan điểm của Bộ GTVT là không thay đổi quy định hiện nay về giá vé máy bay. Hãng hàng không có thể giảm giá vé được tại sao không cho giảm. Công việc của quản lý nhà nước là kiểm tra, kiểm soát xem việc giảm giá, tung giá rẻ, giá khuyến mãi đã đúng quy định của pháp luật chưa…”.
Câu nói này của Bộ trưởng Nghĩa đã được công khai và dư luận đánh giá cao. Nhiều ý kiến nhận xét việc không áp giá sàn vé máy bay hoàn toàn đúng đắn, kinh tế thị trường là cạnh tranh công bằng, để người sử dụng dịch vụ hàng không có nhiều lựa chọn.
Nhiều người bày tỏ sự ủng hộ đối với Bộ trưởng Nghĩa với quan điểm: Cần đảm bảo cạnh tranh công bằng. Tại sao nhiều hãng hàng không giá rẻ vẫn điều hành tốt, có lãi. Còn hãng hàng không giá rẻ Jetstar Pacific (đơn vị đề xuất) hoạt động thế nào, có lợi ích nhóm ra sao khi đưa ra đề xuất?
Trước làn sóng dư luận, lật lại vấn đề mới biết Jetstar là DN có liên quan đến vốn nhà nước do Vietnam Airlines (VNA) đang nắm giữ 68,86% cổ phần, còn lại Qantas nắm 30% cổ phần và Saigontourist nắm 1,14% cổ phần. Theo báo cáo tài chính giai đoạn từ ngày 1/1/2016 đến ngày 30/9/2016, Jetstar đang lỗ lũy kế tới 3.658 tỷ đồng.
Trong khi đó, VNA là DN nhà nước nắm 86,16% cổ phần, còn Saigontourist là DN 100% vốn nhà nước. Điều này đồng nghĩa với việc đối tượng gánh lỗ nhiều nhất cho Jetstar chính là Nhà nước.
Trong chuyện đề xuất của Jetstar, nhiều người cho rằng do lại thua lỗ nên mới bày ra quy định giá sàn bởi các hãng khác vẫn kinh doanh có lãi dù giá rẻ. Theo quan điểm của nhiều người, nếu không đủ tầm, làm ăn thua, tốt nhất nên dẹp đi để các hãng hàng không giá rẻ khác hoạt động.
Việc đa dạng hóa giá vé theo các hạng giá (fare booking class) trong cùng một hạng dịch vụ (service class) là thực tiễn kinh doanh hàng không ở bất kỳ nơi nào thị trường hàng không có tính cạnh tranh.
Xóa “đất sống” của lợi ích nhóm
Trong văn bản gửi Bộ GTVT góp ý dự thảo mức giá tối đa khung giá dịch vụ vận chuyển hành khách hạng vé phổ thông cơ bản trên các đường bay nội địa, VNA cũng có ý kiến tương tự Jestar, với mức giá vé thấp nhất là 1,54 triệu đồng.
VNA dự kiến, nếu hãng tăng giá vé máy bay 5% so với hiện tại và áp dụng mức giá sàn 1,54 triệu đồng với đường bay có cự ly trên 1.280 km, doanh thu của hãng ước tính tăng khoảng 2.500 tỷ đồng sau một năm thực hiện.
Hãng hàng không tư nhân giá rẻ Vietjet Air (VJC) – đối thủ đang cạnh tranh trực tiếp với VNA – cho rằng, nếu có giá sàn sẽ triệt tiêu cơ hội cạnh tranh giảm giá của các hãng hàng không nội địa, làm hạn chế cơ hội đi máy bay của người dân khi không có nhiều vé máy bay giá rẻ.
Cũng cần nhắc lại, VJC hiện đã mở rộng thị phần lên 42% so với 43% thị phần của VNA, trước đó VNA có 61% thị phần trong năm 2013. Rõ ràng VNA đã cảm thấy sức nóng cạnh tranh trong vài năm gần đây, nhất là trên các chặng bay nội địa.
Theo Ts. Lương Hoài Nam, nguyên Tổng Giám đốc Jetstar, cũng phải lưu ý rằng nếu việc áp giá sàn trở thành hiện thực, thị trường hàng không sẽ bị “hành chính hóa” thay vì được “thị trường hóa” nhiều hơn nữa theo xu thế chung.
Theo lời ông Nam, trách nhiệm của Nhà nước là đảm bảo môi trường cạnh tranh lành mạnh mà không phải là quyết định giá bán của các DN. Ông Nam cho rằng việc đa dạng hóa giá vé theo các hạng giá (fare booking class) trong cùng một hạng dịch vụ (service class) là thực tiễn kinh doanh hàng không ở bất kỳ nơi nào thị trường hàng không có tính cạnh tranh.
Liên quan đến giá cước và vận chuyển hàng không nội địa, được biết, trong thực hiện Luật Hàng không dân dụng, các hãng hàng không kê khai và áp giá vé trong khung giá của Nhà nước quy định.
Còn trong Thông tư 36 của Bộ GTVT về quản lý giá vận chuyển hàng không nội địa và giá dịch vụ ngành hàng không ngày 24/7/2015 có lưu ý: hãng hàng không có quyền điều chỉnh tăng giá dịch vụ hàng không, kê khai bổ sung trong phạm vi 5% và không được vượt mức tối đa theo quy định của Nhà nước. Việc điều chỉnh tăng giá vé phải thực hiện theo đúng Nghị định 116 năm 2015 của Chính phủ, quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Cạnh tranh.
Nói tóm lại, việc đề xuất áp giá sàn vé máy bay đang bị dư luận đánh giá là đi ngược lại quy luật thị trường, có tính lợi ích nhóm, tư tưởng độc quyền, ảnh hưởng tới quyền lợi của người tiêu dùng, hạn chế cạnh tranh và sự phát triển của ngành hàng không.
Vì vậy, với động thái của Bộ trưởng Bộ GTVT khi “quyết” không áp sàn giá vé máy bay cùng với việc cải thiện môi trường kinh doanh, hy vọng rằng sự cạnh tranh bình đẳng, không phân biệt giữa khu vực tư nhân và khu vực có vốn Nhà nước, sẽ được phát huy trong thời gian tới để lợi ích nhóm không còn “đất sống”.
Thanh Loan