Theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam, giá gạo 5% tấm của Việt Nam đang thấp hơn Thái Lan 14 USD. Cụ thể, ngày 26/1, giá gạo 5% tấm của Việt Nam được giao dịch 642 USD/tấn, trong khi Thái Lan là 656 USD/tấn, Pakistan là 638 USD tấn. Nếu tính từ đầu tháng 1/2024 tới nay, giá gạo loại 5% tấm của Việt Nam đã giảm 11 USD/tấn.
Lượng giảm, kim ngạch tăng
Trong bối cảnh giá gạo Việt Nam liên tục giảm từ đầu tháng 1 đến nay, giá gạo Thái Lan và Pakistan lại có xu hướng tăng. Sở dĩ giá gạo của Thái Lan và Pakistan liên tục tăng mạnh là do hạn chế nguồn cung từ hai nước xuất khẩu lớn là Ấn Độ và Việt Nam. Trong đó Ấn Độ vẫn tiếp tục duy trì lệnh cấm xuất khẩu gạo, còn Việt Nam hiện còn ít nguồn và phải sau Tết mới thu hoạch rộ.
Cần nhìn ra trên một đơn vị diện tích sẽ tăng bao nhiêu giá trị, chứ đừng nghĩ rằng hạt gạo hôm nay giá bao nhiêu. |
Ông Phạm Thái Bình, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Nông nghiệp Công nghệ cao Trung An (Cần Thơ), cho biết hiện tại khách hỏi mua gạo khá nhiều nhưng hầu như không có giao dịch bởi doanh nghiệp không còn gạo để bán. Năm 2023 được mùa, được giá nên doanh nghiệp đẩy mạnh xuất khẩu gần như toàn bộ sản lượng còn lại sau khi cân đối đủ cho nhu cầu tiêu dùng trong nước. Đó là lý do vì sao xuất khẩu gạo Việt Nam lập cùng lúc hai kỷ lục cả về lượng và giá trị . Đến hiện tại, hầu hết doanh nghiệp không có gạo dự trữ mà phải chờ chính vụ Đông Xuân (sau Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024) mới mua vào.
“Hiện nay, một số diện tích nhỏ vụ Đông Xuân sớm đang thu hoạch, chủ yếu phục vụ nhu cầu tiêu dùng trong nước. Chiến lược sắp tới của nhiều doanh nghiệp có thể sẽ là mua tới đâu, bán tới đó, không dự trữ nhiều”, ông Bình nói.
Theo thống kê sơ bộ của Tổng cục Hải quan, nửa đầu tháng 1/2024 (1-15/1), cả nước xuất khẩu 194.074 tấn gạo, kim ngạch đạt 134,57 triệu USD. So với cùng kỳ 2023, lượng gạo xuất khẩu giảm gần 32.000 tấn, tuy nhiên, kim ngạch tăng gần 20 triệu USD.
Lượng giảm, kim ngạch tăng nên trị giá bình quân mỗi tấn gạo xuất khẩu cũng tăng khá cao so với cùng kỳ năm ngoái. Cụ thể, nửa đầu tháng 1/2024, bình quân mỗi tấn gạo xuất khẩu thu về khoảng 693 USD, trong khi cùng kỳ năm ngoái chỉ khoảng 507 USD/tấn. Như vậy, trị giá xuất khẩu gạo bình quân tăng tới 36,68%.
Dự báo về năm 2024, nhà quản lý, doanh nghiệp và chuyên gia đều nhìn nhận, thị trường đang tiếp đà khởi sắc. Ông Bình nhấn mạnh, giá gạo Việt Nam cao hơn Thái Lan không phải ăn may mà có sự đầu tư thật sự. Việt Nam hơn hẳn Thái Lan về bộ giống lúa ngắn ngày, chất lượng cao chứ không phải ăn may.
Tuy vậy, ở góc độ cơ quan quản lý, ông Nguyễn Như Cường, Cục trưởng Cục Trồng trọt thuộc Bộ NN&PTNT thông tin, giá gạo năm 2024 sẽ tăng - giảm phụ thuộc vào 2 yếu tố chính, chính sách xuất khẩu gạo của Ấn Độ và biến đổi khí hậu El Nino. Trong đó, bất cứ động thái nào của Ấn Độ về chính sách xuất khẩu lúa gạo sẽ tác động ngay tới thị trường thế giới. Tuy vậy, một số tổ chức tài chính thế giới vẫn dự báo giá lúa gạo 2024 vẫn ở mức độ cao, nhưng khó được như năm 2023.
Theo đó, Bộ NN&PTNT đặt mục tiêu năm 2024 gieo trồng khoảng 7,1 triệu ha lúa, đảm bảo sản lượng trên 43 triệu tấn thóc, đảm bảo đủ an ninh lương thực trong mọi tình huống, hoàn cảnh; đồng thời xuất khẩu khoảng 8 triệu tấn gạo.
Cần quan tâm một đơn vị diện tích sẽ tăng bao nhiêu giá trị
Năm 2024, Cục trưởng Cục Trồng trọt kỳ vọng lượng gạo xuất khẩu sẽ tương đương năm 2023 nhưng giá cả còn phụ thuộc năng lực của chính các doanh nghiệp trong đàm phán, nắm bắt cơ hội thị trường.
Đặc biệt, để duy trì được mức giá cao, cũng như giữ ngôi đầu thế giới, ngành lúa gạo Việt Nam vẫn còn rất nhiều việc để nâng cao chất lượng, xây dựng thương hiệu. Là “cha đẻ” của gạo ST25 được vinh danh gạo ngon nhất thế giới 2 lần, Anh hùng lao động Hồ Quang Cua kể: Trước đây, người Thái Lan thường có khẩu hiệu “nghĩ tới gạo là nghĩ đến Thái Lan” nhưng vừa qua, khi ông đi thi gạo ngon thế giới, đạt giải 2 lần ở Hội nghị thương mại lúa gạo toàn cầu, người Thái phải thêm câu khác là: “Nghĩ tới gạo là nghĩ đến Thái Lan và Việt Nam”.
Khi được vinh danh gạo ngon nhất thế giới, ông Cua cho rằng ST25 là thương hiệu gạo của quốc gia và ông công khai quy trình sản xuất, canh tác để người nông dân cùng xây dựng thương hiệu, phát triển loại gạo này.
“Tôi tình nguyện đứng ra hợp đồng cung ứng giống, kỹ thuật canh tác sản xuất với bà con, vì đây là thương hiệu của toàn dân. Vấn đề bảo vệ, giữ và nâng cao thương hiệu này là của toàn dân, của nhà nước, chứ một mình tôi không thể”, ông Cua nói.
Có một điều trăn trở lớn nhất mà tác giả của loại gạo ngon nhất thế giới 2 lần được vinh danh chính là xây dựng và bảo vệ thương hiệu gạo của mình trong nước và trên thế giới bởi hiện nay, việc làm giả gạo ST25 của ông Cua là rất nhiều và lo ngại việc sử dụng đại trà cho các loại gạo giả thương hiệu, phẩm chất kém với loại gạo ngon mà ông dày công nghiên cứu, lai tạo và bảo vệ trên trường quốc tế sẽ khiến Việt Nam đánh mất đi một thương hiệu lớn.
Theo Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan, khi chúng ta nhìn ra cấu trúc ngành hàng, thì cần nhìn ra trên một đơn vị diện tích sẽ tăng bao nhiêu giá trị, chứ đừng nghĩ rằng hạt gạo hôm nay giá bao nhiêu. “Tôi nói với bà con nông dân Đồng Tháp rằng, giá lúa lên đến một mức nào đó cũng sẽ dừng, quan trọng là chừng nào người nông dân biết cách phát triển trên một đơn vị diện tích này có thể trồng thêm cây này, nuôi thêm vật kia”, ông Hoan nói.
Bộ trưởng NN&PTNT dẫn ra, có lần ông đi Tứ Kỳ (Hải Dương) thấy người nông dân đạt doanh thu 500 – 700 triệu đồng/ha lúa, gấp nhiều lần Đồng bằng Sông Cửu Long, nhưng ai cũng biết rằng họ không chỉ bán lúa mà còn bán con rươi. Hay mô hình lúa tôm Bạc Liêu cũng vậy, không những thu hoạch lúa mà còn có tôm, và đặc biệt ở Mù Cang Chải (Yên Bái), nông dân trồng những cánh đồng lúa để phát triển du lịch. Đó mới là hướng đi bền vững, chứ không chỉ cảm xúc giá cả là nay giá lúa bao nhiêu…
Nhật Linh