Cụ thể, số liệu từ Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) cho thấy, giá gạo xuất khẩu của các nhà cung cấp lớn là Việt Nam và Thái Lan đều có sự điều chỉnh tăng.
Giá gạo xuất khẩu của Thái Lan được điều chỉnh tăng từ 2 - 20 USD/tấn so với thời điểm 8/12 vừa qua. Trong đó gạo 5% tấm tăng mạnh 20 USD, lên 643 USD/tấn; gạo 25% tấm tăng 13 USD, lên 581 USD/tấn; gạo 100% tăng nhẹ 2 USD, lên mức 486 USD/tấn.
Tương tự, gạo 5% tấm của Việt Nam cũng được điều chỉnh tăng nhẹ 5 USD/tấn, lên 663 USD/tấn sau khi giảm vào tuần trước. Các loại gạo 25% tấm và 100% tấm vẫn giữ vững giá. Dù mức tăng thấp hơn Thái Lan nhưng Việt Nam vẫn giữ được mức giá xuất khẩu cao nhất thế giới.
Trong các nguồn cung lớn, chỉ riêng gạo của Pakistan giảm nhẹ 5 USD, từ mốc 598 USD/tấn xuống còn 593 USD/tấn.
Dự kiến cả năm 2023, Việt Nam sẽ xuất khẩu hơn 7 triệu tấn gạo. |
Nguyên nhân khiến giá gạo ‘nóng’ trở lại được cho là bắt nguồn từ nhu cầu của các quốc gia trên thế giới đang tăng mạnh trong khi nguồn cung ngày càng thu hẹp.
Tại châu Á, các thị trường lớn như Philippines, Malaysia và Indonesia đều có nhu cầu lớn trước thềm năm mới để đảm bảo bình ổn giá trong nước. Nhu cầu gạo của các quốc gia EU cũng tăng đáng kể. Đơn cử như tại Italy, ông Renzo Moro, đại diện Đại sứ quán Italy tại Việt Nam, cho biết quy mô thị trường gạo nước này dự kiến sẽ tăng từ 2,23 tỷ USD năm 2023 lên 2,83 tỷ USD vào năm 2028. Thời gian qua, Italy cũng đang tăng cường nhập khẩu gạo từ nhiều nước, trong đó có Việt Nam, thông qua Hiệp định EVFTA.
Trong khi đó, nguồn cung ngày càng hẹp lại do nhà cung cấp gạo lớn nhất thế giới là Ấn Độ vẫn ‘đóng cửa’ (nước này chưa nới lỏng lệnh cấm xuất khẩu gạo trắng thông dụng đến hết năm 2024). Việc tồn kho của Việt Nam còn ít cũng góp phần đẩy giá gạo, đặc biệt là giá gạo Thái Lan tăng vọt lên mạnh mẽ.
Dù giá tăng cao nhưng nhiều doanh nghiệp Việt cho biết hiện đã không còn đủ hàng để bán, do nguồn cung gạo trong nước có phần hạn chế sau một thời gian dài xuất khẩu mạnh và phải chờ tới đầu tháng 3/2024 mới vào đợt thu hoạch lúa Đông Xuân.
“Giá xuất khẩu hiện rất cao nhưng chúng tôi không có hàng để bán, việc ký kết hợp đồng mới cũng phải cân nhắc để tránh rủi ro”- ông Phan Văn Có, Giám đốc Marketing Công ty TNHH Vrice cho biết.
Theo các chuyên gia dự báo, thị trường lúa gạo thế giới trong thời gian tới vẫn rất khó đoán do ảnh hưởng của tình hình kinh tế, địa chính trị cùng những vấn đề về biến đổi khí hậu, ảnh hưởng của El Nino. Tuy nhiên, nguồn cung ít trong khi nhu cầu thế giới tăng sẽ giúp ngành hàng lúa gạo Việt Nam tiếp tục có lợi thế.
Về phía Việt Nam, các Bộ, ban ngành và doanh nghiệp cho biết trong năm 2024 gạo Việt vẫn đủ khả năng để chia sẻ. Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Trần Thanh Nam nhận định: “Theo kịch bản an toàn nhất mà Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tính toán, mỗi năm Việt Nam còn dư khoảng 13 - 14 triệu tấn lúa, tương đương hơn 7 triệu tấn gạo. Do đó, ngành nông nghiệp Việt Nam sẵn sàng hợp tác với các quốc gia để ký các bản ghi nhớ về cung cấp lúa gạo trong thời gian dài.”
Hiện các doanh nghiệp trong nước đang nỗ lực tập trung nguồn hàng cho các hợp đồng cuối năm. Dự kiến cả năm 2023, Việt Nam sẽ xuất khẩu hơn 7 triệu tấn gạo với kim ngạch khoảng 4 tỷ USD.
Bích Tâm