Góp ý Dự thảo Quyết định thay thế Quyết định 24/2017/QĐ-TTg của Thủ tướng quy định về cơ chế điều chỉnh giá bán lẻ điện bình quân đã được Bộ Công Thương đưa ra lấy ý kiến, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đồng ý với phương án điều chỉnh giá điện 3 tháng/lần.
Doanh nghiệp lo mất đơn hàng vì giá điện thiếu ổn định
Tại dự thảo này, cơ chế điều chỉnh giá bán điện bình quân sẽ có tăng, có giảm với biên độ được quy định. Cụ thể, trường hợp giá bán điện bình quân giảm từ 1% trở lên so với giá bán điện bình quân hiện hành và trong khung giá, EVN sẽ giảm giá bán ở mức tương ứng, lập hồ sơ báo cáo Bộ Công Thương và Bộ Tài chính để kiểm tra, giám sát.
EVN đồng tình với Bộ Công Thương về quy định điều chỉnh giá điện 3 tháng/lần. |
Trường hợp tăng giá sẽ được áp dụng khi giá bán điện bình quân tăng từ 3% trở lên. Tuy nhiên, thẩm quyền điều chỉnh tăng giá sẽ căn cứ vào mức độ tăng của giá bán điện bình quân. Thời gian điều chỉnh giá bán điện bình quân tối thiểu là 3 tháng kể từ lần điều chỉnh giá điện gần nhất.
Theo dự thảo, trước ngày 25 của tháng đầu tiên quý II, quý III và quý IV, EVN xác định sản lượng điện thương phẩm thực tế của quý trước và tổng sản lượng điện thương phẩm cộng dồn từ đầu năm, ước chi phí khâu phát điện các tháng còn lại trong năm để tính toán lại giá bán điện bình quân. Trường hợp giá bán điện bình quân cần điều chỉnh giảm mà EVN không điều chỉnh giảm, Bộ Công Thương có trách nhiệm yêu cầu EVN điều chỉnh giảm giá bán điện bình quân.
Theo Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải, việc rút ngắn chu kỳ điều chỉnh giá xuống 3 tháng một lần sẽ phản ánh kịp thời hơn biến động thông số đầu vào tới chi phí sản xuất kinh doanh điện, tránh treo, chưa thanh toán các chi phí phát sinh thực tế dẫn tới giá điện tăng đột biến trong một lần điều chỉnh. Mặt khác, quy định này cũng phù hợp với việc EVN đang báo cáo cập nhật giá điện hằng quý.
Tuy vậy, Thứ trưởng Bộ Công Thương cũng thừa nhận, giá điện là mặt hàng nhạy cảm, tác động trực tiếp tới người dân, doanh nghiệp, nên việc điều chỉnh, thời điểm thay đổi giá đều cần báo cáo, xin ý kiến Thủ tướng để tránh ảnh hưởng điều hành vĩ mô, kinh tế - xã hội.
Về sự cần thiết trong ổn định giá điện, ông Phan Văn Tứ, Giám đốc Công ty TNHH MTV Kim Vĩnh Thắng (Đồng Nai) chia sẻ với VnBusiness, doanh nghiệp này vừa bị mất một đơn hàng có giá trị 100.000 USD từ đối tác Nhật Bản với lý do báo giá thiếu ổn định. “Khách hàng mong muốn chúng tôi giữ ổn định giá ít nhất trong khoảng thời gian 6 tháng. Tuy nhiên, trong bối cảnh hiện nay, mọi nguyên liệu đầu vào đều tăng mạnh, chúng tôi không thể nào khẳng định được rằng 6 tháng sau vẫn giữ mức giá đó, dù đang rất “đói” đơn hàng”, ông nói.
Theo ông Tứ, nếu giá điện sắp tới điều chỉnh 3 tháng/lần, vô hình trung sẽ càng đẩy doanh nghiệp vào thế khó hơn trong bài toán ổn định giá thành sản phẩm. Khách Trung Quốc khi làm việc với doanh nghiệp thì câu hỏi câu tiên là giá điện bao nhiêu, có ổn định không, giá nhân công ra sao…
"Một khách hàng Nhật Bản từng phàn nàn với chúng tôi rằng, họ làm việc với đối tác ở Trung Quốc 15 năm nhưng chỉ thay đổi báo giá 5 lần. Mức độ ổn định của họ như vậy, còn với chúng ta thì sao, 6 tháng để khẳng định giữ giá đã khó, chứ chưa nói tới nhiều năm”, ông Tứ cho hay.
Liệu mùa mưa, thủy điện phát nhiều, giá điện có giảm?
“Doanh nghiệp mong muốn có sự ổn định nhất định về giá nguyên liệu đầu vào, trong đó có giá điện – mức giá do Nhà nước điều hành”, ông Tứ nói.
Theo chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long, quy định thời gian điều chỉnh giá điện tối thiểu 6 tháng một lần đã có rồi và tương đối hợp lý, giờ rút ngắn xuống 3 tháng là không phù hợp, có thể gây tâm lý hoang mang cho người dân. Bên cạnh đó, việc điều chỉnh giá điện trong tối thiểu 6 tháng còn chưa thực hiện được thì giờ thay đổi có hợp lý không?
Trong khi đó, chuyên gia kinh tế Đinh Trọng Thịnh nhấn mạnh, việc quy định 3 tháng hay 6 tháng điều chỉnh giá điện/lần không cần thiết nếu giá điện đã được điều tiết theo cơ chế thị trường, khi có thị trường bán lẻ cạnh tranh. “Tôi nghĩ Bộ Công Thương nên cân nhắc đề xuất này mà thay vào đó, sửa đổi cơ chế chính sách để tiến đến một thị trường mua bán điện công khai, minh bạch hơn. Từ đó, người dân, doanh nghiệp có nhiều lựa chọn trong mua bán điện hơn”, ông Thịnh chia sẻ.
Còn ông Lê Trường Thủy, Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc Công ty CP Thủy điện Mai Châu (Hòa Bình) từng nhìn nhận, việc thay đổi thời gian điều chỉnh giá từ 6 tháng rút xuống 3 tháng có thể không giải quyết được vấn đề giá điện bán lẻ bình quân thấp hoặc cao hơn chi phí đầu vào. Theo đó, quy định thời gian điều chỉnh cần linh hoạt theo thời điểm, mùa và khả năng tiêu thụ điện hoặc theo phụ tải, không nên nhất thiết theo thời gian thực dễ khiến méo mó điều hành.
Giải thích thêm, ông Thủy cho hay, giá xăng dầu lúc lên lúc xuống bởi có cơ chế thị trường. Đối với điện, nếu áp dụng cơ chế thị trường vào cũng có thể được, song điều chỉnh giá bán lẻ điện bình quân 3 tháng/lần chưa hợp lý bởi vì cần căn cứ đầu vào cho điện. Nếu mưa nhiều, thủy điện nhiều nước thì giá điện phải rẻ; còn nắng nhiều, nhiệt điện phải phát liên tục, giá điện bán lẻ cần tăng cao hơn để bù đắp chi phí.
Nhưng liệu rằng vào mùa nước lũ về, thủy điện phát nhiều thì giá điện có giảm hay không vẫn đang là mối băn khoăn của nhiều người dân trước đề xuất giá điện sẽ “có tăng, có giảm”, điều chỉnh 3 tháng/lần.
Nhật Linh