Theo dự thảo Danh mục bí mật nhà nước ngành công thương đang được lấy ý kiến góp ý, báo cáo điều hành kinh doanh và phương án chỉ đạo, điều chỉnh giá mặt hàng xăng dầu chưa công bố, phương án chỉ đạo điều hành giá điện chưa công bố sẽ là những thông tin được Bộ Công Thương đóng dấu mật.
Doanh nghiệp không kịp trở tay
Ngay lập tức, đề xuất này vấp phải nhiều ý kiến tranh cãi. Ông Mạc Quốc Anh, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp vừa và nhỏ Tp.Hà Nội, cho biết vừa qua, Hiệp hội có tổ chức khảo sát về giá điện và giá xăng. Kết quả, trên 65% doanh nghiệp (DN) phản ánh hết sức quyết liệt.
DN cho rằng giá xăng, giá điện tăng đánh đúng vào chi phí sản xuất đầu vào, đó là tính vào giá thành nguyên liệu. Những hợp đồng đã ký kết năm 2018 (giá hợp đồng đã ký) sẽ ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất – kinh doanh của DN trong năm 2019.
Ước tính, giá xăng, giá điện tăng khiến các DN bị đội gần 20% chi phí. Điều này còn ảnh hưởng tới kế hoạch sản xuất kinh doanh cho những năm tiếp theo.
"Giá tăng đột biến trong thời gian dài, lúc giảm thì giảm ít trong khoảng thời gian ngắn, khiến DN không ứng phó kịp thời, ảnh hưởng trực tiếp tới việc sản xuất của DN, sức tiêu dùng của người dân. Kể cả khi DN đã đưa hết chi phí đầu vào vào chi phí giá thành thì giá bán ra cũng bị cạnh tranh bởi những mặt hàng kém chất lượng – hàng giả, hàng nhái", ông Quốc Anh nhấn mạnh.
Ông Nguyễn Công Hùng, Chủ tịch Hiệp hội Taxi Hà Nội, cũng bày tỏ điều khiến nhiều DN băn khoăn nhất là cách điều hành giá của cơ quan chức năng vẫn chưa phù hợp.
Hiện nay, tất cả mặt hàng tiêu dùng đều phải đăng ký và kê khai giá, khi điều chỉnh giá phải thông báo trước và được sự chấp thuận của cơ quan nhà nước.
Trong khi đó, điều chỉnh giá xăng dầu phần chủ động vẫn phụ thuộc về cơ quan quản lý, thông thường sau khi có quyết định tăng giá thì DN mới biết, dẫn đến xoay xở không kịp.
Theo đại diện một DN chế biến và xuất khẩu thủy sản, với giá điện cần phải công bố từ khi ra đề xuất tăng giá để các DN sản xuất còn có dự tính trước và chi tiêu hợp lý. Nếu đợi tới khi có hiệu lực mới công bố, DN sẽ bị động, lỗ vốn. Hơn nữa, đây là mặt hàng độc quyền nên phải được công bố để quản lý tốt hơn.
Tại văn bản góp ý dự thảo quyết định sửa đổi Quyết định 24/2017/ QĐ-TTg về cơ chế điều chỉnh giá bán lẻ điện bình quân, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam cho biết các phương án giá điện hiện nay vẫn được coi là tài liệu mật trước khi công bố.
Thông thường, việc tăng giá điện chỉ được thông báo rộng rãi vào đúng thời điểm quyết định tăng giá có hiệu lực khiến nhiều DN sử dụng điện gặp khó khăn trong việc lên kế hoạch kinh doanh, kế hoạch tài chính.
Việc đưa phương án giá các mặt hàng Nhà nước điều chỉnh giá vào diện thông tin mật có thể xuất phát từ lo ngại tình trạng đầu cơ, găm hàng trước mỗi lần thay đổi giá. Tuy nhiên, việc đầu cơ, găm hàng đối với mặt hàng điện gần như là điều không thể. Nguy cơ lớn nhất có thể xảy ra là khi một số DN đẩy mạnh sản xuất trước khi tăng giá điện khiến công suất phụ tải tăng, ảnh hưởng đến an toàn hệ thống.
Nhiều ý kiến cho rằng không nên bảo mật thông tin về giá điện |
Nhiều ý kiến trái chiều
Theo các chuyên gia hệ thống điện mà VCCI trao đổi, việc này có thể xử lý rất dễ thông qua một vài biện pháp kỹ thuật và quản lý vận hành. Ví dụ, thời điểm tăng giá tránh thời điểm cao điểm về sử dụng điện.
Do đó, VCCI đề nghị cơ quan soạn thảo bổ sung quy định về việc công khai phương án giá điện trước khi tăng. Cụ thể, các phương án giá điện được công khai ít nhất 10 ngày trước khi được ban hành. Hoặc các quyết định tăng giá điện chỉ có hiệu lực sau ít nhất 15 ngày kể từ ngày ban hành.
Ở góc độ chuyên gia, ông Nguyễn Tiến Thỏa, Chủ tịch Hội Thẩm định giá Việt Nam, cho rằng việc đưa thông tin vào diện mật nhằm hạn chế tiết lộ thông tin ra bên ngoài, đặc biệt là những thông tin có thể làm cho thị trường diễn ra không bình thường khi tình trạng đầu cơ, móc ngoặc cơ quan quản lý để găm hàng, DN trục lợi.
Tuy nhiên, điện là sản phẩm tiêu dùng không có tồn kho, sản xuất và tiêu dùng đồng thời nên khó có thể có tình trạng đầu cơ tích trữ. Do đó, giá điện cần phải thực hiện công khai theo Luật Giá, Luật Điện lực và không nên đóng dấu mật.
Đối với mặt hàng xăng dầu, ông Thỏa cho hay, có thể cân nhắc, xem xét ở mức độ nào đó về quản lý thông tin, bởi nếu biết trước phương án điều hành giá có thể đầu cơ, găm hàng, gây nên sự khan hiếm và hỗn loạn trên thị trường, nhất là khi thị trường này có sự tham gia của nhiều đầu mối kinh doanh, với hàng nghìn cửa hàng.
Theo PGs.Ts. Đinh Trọng Thịnh, Học viện Tài chính, giá cả thuộc lĩnh vực Nhà nước quản lý hầu hết từ trước đến nay được coi là có độ bảo mật nhất định. Nhà nước giữ bí mật việc tăng, giảm giá đến cận thời điểm công bố, với lý do là để tránh cho người kinh doanh có thể tích trữ, đầu cơ hàng hóa, từ đó trục lợi.
Theo ông Thịnh, trong thực tế, việc bảo mật với một số thông tin điện, xăng dầu cũng là một trong những đòi hỏi của Nhà nước, từ đó cơ quan chức năng xem xét tính toán giá cả cho hợp lý.
Tuy nhiên, về lâu về dài, quan điểm của ông Thịnh là dần dần phải đi theo kinh tế thị trường, giá cả các mặt hàng trong nền kinh tế phải đi theo xu hướng thị trường: giá cả do thị trường quyết định, lên xuống theo thị trường.
"Chúng ta cần xem xét công khai giá, trước mắt ở mức độ nhất định. Ví dụ như giá điện, trước khi tăng phải đưa ra bàn luận công khai, mổ xẻ xem có nên tăng hay không, tăng bao nhiêu là phù hợp với sức chịu đựng của DN, người dân. Sau khi có quyết định tăng phải cho DN biết trước một thời gian nhất định để DN tính toán kế hoạch sản xuất kinh doanh của mình", ông Thịnh nhấn mạnh.
Đối với ngành điện, xăng dầu, chi phí đầu ra, đầu vào hiện nay vẫn đang còn tồn tại nhiều vấn đề, trong đó thiếu nhất là sự công khai, minh bạch. Vì vậy, để người dân không phản đối tăng giá xăng dầu, giá điện là rất khó.
"Tập đoàn Điện lực Việt Nam luôn khẳng định là họ đã công khai, minh bạch rồi, có mời các công ty kiểm toán quốc tế thẩm định nhưng thực sự đã minh bạch chưa? Chưa kể, nhiều chi phí vẫn nằm trong vòng bí mật, chưa nói tới chi phí hao tổn điện năng của Việt Nam vẫn còn rất cao. Nếu giảm được những chi phí này, giá thành sản xuất điện sẽ giảm", ông Thịnh phân tích.
Trong khi đó, luật sư Trương Anh Tú, Đoàn Luật sư Tp.Hà Nội, cho biết lĩnh vực giá xăng dầu, điều chỉnh giá xăng dầu và giá điện chưa công bố không thuộc phạm vi của bảo vệ bí mật nhà nước, vì vậy không có cơ sở để Bộ Công Thương đưa nội dung này vào danh mục bí mật nhà nước thuộc lĩnh vực quản lý. Việc đưa vào danh mục quản lý thông tin mật của Bộ này chỉ khiến cho dư luận bức xúc, nhân dân cảm nhận rằng việc làm đó có điều gì khuất tất.
Lê Thúy
Ts. Đinh Trọng Thịnh - Học viện Tài chính Câu chuyện thông tin giá điện, xăng dầu có nên mật hay không mật chỉ là câu chuyện nhỏ. Đằng sau đó, việc công khai minh bạch của hai ngành này mới là vấn đề cần phải giải quyết và phải làm tận gốc vấn đề. Có như vậy, người dân mới cảm thấy tin tưởng, không còn bức xúc mỗi khi giá điện, giá xăng buộc phải điều chỉnh tăng. Ông Phạm Văn Hòa - Ủy viên Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Trong những quy định của cấp thẩm quyền, những văn bản ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống của người dân thì không thể đóng dấu mật. Những thông tin về giá xăng dầu hay giá điện thì cần phải công khai để người dân có thể nắm được chứ không được phép đóng dấu mật. Bộ Công Thương cần phải cân nhắc cho thật cẩn trọng nên hay không việc đóng dấu mật đối với thông tin giá xăng dầu, điện. Ts. Ngô Trí Long - Nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá cả (Bộ Tài chính) Cơ chế thị trường đòi hỏi sự minh bạch. Riêng với mặt hàng điện, giá thành sản xuất điện còn rất mơ hồ, bởi hệ thống điện hiện được phát từ nhiều nguồn, giá thành lại chưa từng được tính toán công khai, cụ thể, cân đối thế nào thì càng mật càng gây bất bình với người tiêu dùng. |