Trước bối cảnh giá điện gia tăng mạnh, bà Trương Ngọc Bích, Phó Giám đốc công ty TNHH Nhựa Long An (Bến Lức, Long An), than phiền rằng với những doanh nghiệp (DN) nhỏ và vừa có máy móc sản xuất không phải ở tầm hiện đại nên sự tiêu tốn về nhiên liệu rất lớn. Vì thế, giá điện tăng vọt hơn một tháng nay ảnh hưởng lớn đến hoạt động sản xuất kinh doanh của công ty.
Ảnh hưởng giá thành
"Đối với những ngành nghề khác thì không biết như thế nào, nhưng với ngành nhựa mà công ty của chúng tôi đang làm, trong 5 năm qua không tăng giá bán sản phẩm, nhưng hàng năm giá điện, giá xăng liên tục tăng (nhất là điện) thì rất khó khăn cho công ty", bà Bích bày tỏ.
Trao đổi với Thời báo Kinh Doanh, bà cho biết thời gian trước, khi giá điện còn thấp, công ty thường tăng ca đêm để giảm giá thành sản phẩm nhựa. Tuy nhiên, hiện nay, nội chuyện tuyển lao động làm ca đêm đã khó vì ai cũng muốn làm ban ngày, nên công ty tập trung sản xuất ban ngày là chính. Giá điện tăng cao, ở mức độ một DN nhỏ nhưng mỗi tháng công ty phải chi đến 300 triệu đồng tiền điện, nên chắc chắn ảnh hưởng đến giá thành.
Tuy nhiên, công ty hiện cũng chưa thể tăng giá sản phẩm nhựa dù hàng năm vừa phải tăng lương cho công nhân vừa chịu áp lực giá xăng tăng, giá điện tăng. Theo chia sẻ của bà Bích, vì cạnh tranh nên nhiều DN trong ngành nhựa chưa dám tăng giá bán sản phẩm, vẫn phải bán hàng khuyến mãi và giảm giá.
Nhiều ý kiến từ người dân và DN đều cho rằng Bộ Công Thương cần tính lại giá điện khi thực tế giá điện trong hơn một tháng qua không phải là mức tăng 8,36% mà có thể tăng đến hàng chục phần trăm do sự bất hợp lý trong cách tính bậc thang, dẫn đến giá điện tăng quá cao, làm đảo lộn cuộc sống của đa số người dân, ảnh hưởng đến sản xuất kinh doanh.
Như trường hợp của một DN cỡ vừa là công ty TNHH Nhựa Long An, với giá điện tăng mạnh sẽ phát sinh thêm số tiền rất lớn cho chi phí điện, khi mà trước đó theo tính toán đã phải trả hơn 3,6 tỷ đồng tiền điện mỗi năm.
Đây chính là bài toán hóc búa về chi phí ảnh hưởng đến giá thành sản phẩm của nhiều DN nhỏ và vừa hiện nay để tìm kiếm lợi nhuận và thoả thuận các hợp đồng bán hàng xuất khẩu cũng như tiêu thụ ở thị trường trong nước.
Trước phản ứng gay gắt của dư luận về giá điện, mới đây, Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ đã yêu cầu Bộ Công Thương phối hợp với Tổng cục Thống kê (Bộ KH&ĐT) theo dõi, đánh giá tác động gián tiếp của việc điều chỉnh giá điện từ hôm 20/3 đến nay.
![]() |
Giá điện tăng ảnh hưởng lớn đến giá thành sản phẩm |
Khó phát triển
Chia sẻ nỗi bức xúc, ông Nguyễn Ngọc Trung (trú tại Tp.HCM), cho rằng các ngành kinh tế cần hạch toán giá thành sản phẩm phải đúng trên cơ sở chi phí cho sản xuất với tinh thần tiết kiệm mà không nên tính giá thành bán điện như kiểu "bốc thuốc" hiện nay của ngành điện.
"Điều này làm cho người tiêu dùng nhận thấy giá bán điện không chính xác, thể hiện tính độc quyền của ngành điện, làm ảnh hưởng đến giá thành của các ngành sản xuất khác, cuối cùng tác động không lành mạnh đến mọi lĩnh vực đời sống của xã hội", ông Trung nói.
Trong khi người tiêu dùng và DN đang bức xúc, đòi hỏi sự công khai minh bạch thì Bộ Công Thương lại gây thất vọng khi muốn việc báo cáo điều hành kinh doanh, phương án chỉ đạo, điều chỉnh giá điện và giá xăng dầu chưa công bố sẽ là những thông tin được đóng dấu mật.
Ngoài chuyện giá điện tăng, chiều hướng giá xăng dầu liên tục tăng đang gây áp lực cho các DN. Nhiều thông tin dự báo giá xăng có thể sẽ tăng 400 – 500 đồng/ lít trong tháng 5 này sau hai lần tăng giá liên tiếp trong tháng 4/2019. Cùng với giá điện tăng có thể sẽ gây biến động giá hàng hóa tiêu dùng, các nhu yếu phẩm có liên quan đến xăng và điện sẽ tăng theo. Trong khi đó, lý lẽ của Bộ Công Thương là giá bán lẻ các mặt hàng xăng dầu trong nước vẫn được duy trì ở mức thấp hơn nhiều so với giá cơ sở.
Trước bối cảnh giá nhiên liệu theo chiều hướng tăng, trong nhận định gần đây, các nhà phân tích của Ngân hàng Thế giới (WB) cho rằng ở Việt Nam, thời gian chờ di chuyển do tình trạng tắc nghẽn giao thông là yếu tố chính làm giảm hiệu quả sử dụng nhiên liệu. Các đơn vị kinh doanh dịch vụ vận chuyển hàng hóa bằng xe tải quy mô nhỏ thường mua xe đã qua sử dụng có hiệu suất sử dụng nhiên liệu thấp hơn, do vậy gián tiếp làm tăng chi phí mỗi chuyến xe.
"Hơn nữa, giá dầu diesel tăng trong hai, ba năm gần đây cũng làm giảm lợi nhuận của đơn vị kinh doanh vận tải do các đơn vị này không thể tăng biểu phí vận tải dưới áp lực cạnh tranh của thị trường", WB đánh giá.
Theo lưu ý của giới chuyên gia, một khi giá điện tăng mạnh (có thể lên tới 30% nếu tính đủ chi phí sản xuất) cũng như giá xăng liên tục tăng khiến các DN thâm dụng điện và nhiên liệu sẽ kém cạnh tranh, khó phát triển. Đặc biệt, các DN trong những ngành có xu hướng sử dụng nhiều điện như ngành sản xuất chế tạo sẽ khó phát triển hơn các ngành khác.
Thế Vinh