Nhưng cả Hải Phòng thì cũng không có nổi một ước tính về số lỗ của các hộ nông dân của Thành phố (TP) trong dịp Tết.
Cách đây non 2 năm, một buổi ra mắt Câu lạc bộ (CLB) gà giống được tổ chức tại xã Giang Biên, huyện Vĩnh Bảo của Hải Phòng, quy tụ chừng hơn 30 hội viên ban đầu. CLB này do doanh nghiệp (DN) gà giống DABACO tại Bắc Ninh đỡ đầu. Đây cũng là CLB gà giống thứ 4 được thành lập ở phía Bắc. Cả 4 đều do DN cung cấp gà giống tài trợ thành lập.
"Ta" đoàn kết...
Ông Phán - Phó giám đốc Công ty gà giống giải thích: bà con nông dân vốn khó đoàn kết trong chuyện làm ăn, thế nên cần phải có người "đoàn kết" bà con lại, với cái "lõi" của sự đoàn kết là lợi ích kinh tế. "Lõi" ấy là cơ chế ưu đãi cung cấp con giống kịp thời, và với giá thấp hơn giá thị trường cho bà con trong CLB.
Một hợp đồng cung cấp con giống theo hai ưu đãi ấy đã được ký giữa DN với đại diện CLB, và là chốt giá bán từng con gà giống trên hợp đồng. Đến kỳ vào giống đầu tiên, "lời thề" giữa DABACO với bà con trong CLB hóa… cỏ may. Giá gà giống đã bị tăng và sản lượng gà giống đặt mua, thời hạn giao gà giống cũng không được đảm bảo. Dù tức, nhưng bà con trong CLB cũng đành chịu, vì giá gà giống các hãng khác đều tăng và tiền đặt cọc thì đã nộp cho DABACO rồi, không lấy gà giống thì mất tiền cọc.
Gần 2 năm sau hợp đồng "vì lợi ích của bà con" ấy, giờ thì ngay các hội viên CLB gà giống cũng đã chuyển sang nuôi con giống khác. Lý do đương nhiên có phần từ việc bà con không còn tin tưởng ở "lời thề" của DN cung cấp giống. Và phần vì nuôi là một chuyện, nhưng ai mua gà thương phẩm lại là chuyện khác. Thương lái thẳng thừng chê giống gà DABACO biểu cân quá lớn, hay rụng lông, và do thế, giá mua dù đã bị giảm nhưng vẫn khó bán.
Không bán được gà thương phẩm, đương nhiên lượng tiêu thụ gà giống DABACO tại Hải Phòng phải giảm theo. Gần 2 năm thành lập, sau buổi ra mắt, CLB gà giống DABACO không họp lại nổi một lần. Nhưng sự thất vọng của người nuôi sẽ không nhẹ nhàng như thiếu một buổi họp. Vì đến đợt Tết Giáp Ngọ vừa qua, giá gà đã rơi thẳng đứng từ mức trên dưới 60.000kg xuống còn dưới 50.000kg, thậm chí có thời điểm xuống dưới 45.000 đồng/kg.
Tính theo công thức của nhà sản xuất, mỗi kg gà thương phẩm cần từ 2,5 - 3 kg cám. Như vậy, với giá cám từ 11.500 - 12.500 đồng/ kg, người nuôi đã chi phí từ 34.500 - 37.500 đồng/kg gà hơi. Cộng với chi phí con giống (14.000 – 20.000 đồng/ con), hao hụt gà tự nhiên, chuồng trại, thuốc thú y, công chăm sóc, khi giá bán gà rơi xuống mức 55.000 đồng/kg, người nuôi đã không còn lãi. Và giảm hơn nữa là lỗ.
![]() |
Mỗi tấn gà, người nuôi lỗ không dưới 30 triệu đồng
Sự "đoàn kết" với người cấp giống và chính bà con không có giá trị cứu vãn sự lỗ này. Theo ước tính của ông Tiếp, vụ Tết Giáp Ngọ vừa qua, có không dưới 200 hộ nông dân ở 2 huyện Tiên Lãng, Vĩnh Bảo bị tồn đọng, không bán nổi gà thương phẩm. Số gà tồn lên tới gần 400 tấn, sau khi bán tống tháo với giá thấp để cắt lỗ, cứ mỗi tấn gà, bà con lỗ không dưới 30 triệu đồng. Đó là số lỗ cực lớn từ một ngành nuôi tưởng như là nhỏ.
... Và "ta" hại nhau?
Hiện, TP Hải Phòng có hẳn một nghị quyết của HĐND về ưu đãi vay vốn và lãi suất cho chăn nuôi của TP, tổng nguồn tiền hỗ trợ lên tới 150 tỷ đồng. Nhưng thực tế, số hộ nuôi gà được hưởng ưu đãi từ chương trình này thì đếm trên đầu ngón tay cũng chưa hết. Lý do rất đơn giản, TP chỉ hỗ trợ cho những hộ có quy mô nuôi lớn, trong khu nuôi tập trung trong quy hoạch phát triển chăn nuôi của TP. Trong khi đó thì các huyện thậm chí còn chưa có quy hoạch chi tiết phát triển chăn nuôi, chứ chưa nói tới có quỹ đất hay đã xây dựng khu chăn nuôi tập trung. Mà khi chưa có những điều kiện này, thì chương trình hỗ trợ của TP coi như đã tắc ngay trên giấy.
Chưa hết, những nông dân Tiên Lãng, Vĩnh Bảo - 2 huyện có phong trào chăn nuôi tốt nhất của Hải Phòng khẳng định, với những điều kiện cho vay tại chương trình, thì họ chắc chắn… không vay. Ông Tiếp giải thích, nuôi gia cầm tại khu nuôi tập trung, khi xảy ra dịch bệnh thì cả mấy chục nghìn gà của hàng chục hộ nuôi có nguy cơ lây nhiễm quá cao. "Càng tập trung thì thiệt hại do dịch bệnh càng lớn", ông Tiếp nói. Thiệt hại ấy chắc chắn Nhà nước không chia sẻ với nông dân. Khi ấy, tình thế người nông dân sẽ là nợ vẫn còn mà tiền thì không có. Ưu đãi, vì thế đã trở thành bẫy đầy rủi ro với người nuôi, thế nên không có nhiều người thiết tha với nguồn vốn của TP.
Nhìn rộng hơn, vấn đề hỗ trợ người nông dân chăn nuôi gia cầm đã đặt ra ở cấp Bộ từ nhiều năm nay. Nhưng cũng là thực tế do chính Bộ NN&PTNT thừa nhận, chăn nuôi đang ngày càng rủi ro hơn ở tất cả các mặt, từ con giống tới chi phí cho chăn nuôi, và cuối cùng là giá bán. Trong mọi trường hợp, nông dân đều là người thiệt hại lớn nhất.
Người ta đã cố công xây dựng mô hình 4 nhà (nhà nông, nhà khoa học, nhà quản lý, nhà DN) và coi mô hình ấy như lời giải cuối cùng cho phát triển nông nghiệp. Nhưng liệu có thể hỗ trợ người nông dân được không, khi ngay từ vị trí, người nông dân chỉ là một phần trong chuỗi quan hệ ấy, chứ không đóng vai nhân vật trung tâm? Và bao giờ người nông dân hết là "vật thí nghiệm" cho những chủ trương, chính sách thì dường như là câu hỏi sẽ không có lời giải.
Tư Hải