Những ngày đầu năm mới Kỷ Hợi 2019, hoạt động xuất khẩu (XK) đã đón nhận nhiều tin vui, các doanh nghiệp (DN) khai xuân khá sớm.
Ngày 11/2/2019, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã cắt băng chúc mừng lễ XK những chuyến hàng rau quả đầu tiên sang Nhật Bản năm Kỷ Hợi 2019 của CTCP thực phẩm XK Đồng Giao (Doveco). Năm 2019, DN này dự kiến thu về trên 2.000 tỷ đồng từ XK, tăng khoảng 30% so với năm ngoái.
Mục tiêu 265 tỷ USD
Công ty Vina T&T Group cũng đã XK 23 container nhãn, thanh long đi bằng đường hàng không, mỗi container khoảng 900kg. Các container còn lại đi bằng đường biển, gồm 2 container nhãn 36 tấn; 2 container thanh long 22 tấn và 3 container quả dừa tươi, khoảng 50.000 trái.
Bà Phan Thị Thanh Xuân, Tổng Thư ký Hiệp hội Da – Giày – Túi xách Việt Nam, cho biết mỗi năm ngành này sản xuất 1,2 tỷ đôi giày dép, vì vậy một số FTA có hiệu lực sẽ là động lực tốt để tăng trưởng. Ngành này dự kiến kim ngạch XK năm 2019 đạt 21,5 tỷ USD, giữ vững tốc độ tăng trưởng 10% như năm 2018.
Trong khi đó, năm 2019, ngành dệt may đặt mục tiêu thu về 40 tỷ USD từ XK, tăng 4 tỷ USD so với năm 2018.
Năm 2019, Bộ Công Thương mạnh dạn đặt mục tiêu XK dự kiến đạt khoảng 265 tỷ USD, tăng khoảng 8 – 10% so với năm 2018. Theo Bộ này, thị trường XK được mở rộng, hàng hóa XK của Việt Nam đã vươn tới hầu hết thị trường trên thế giới, nhiều sản phẩm đã dần có chỗ đứng vững chắc và nâng cao được khả năng cạnh tranh trên nhiều thị trường có yêu cầu cao về chất lượng như EU, Nhật Bản, Mỹ, Úc… Đánh giá chung cho thấy tất cả các thị trường có FTA của Việt Nam đều ghi nhận tốc độ tăng trưởng XK cao so với thời điểm trước khi có FTA.
"Năm 2019, việc tham gia Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) và FTA Việt Nam – EU (EVFTA) sẽ thúc đẩy XK hàng hóa của Việt Nam sang các thị trường lớn như EU, Nhật Bản, Australia, Canada, Mexico…, đặc biệt là những mặt hàng XK chủ lực như thủy sản, rau quả tươi và chế biến, hàng điện tử và linh kiện điện tử, một số mặt hàng dệt may và da giày.
Điều này sẽ giúp Việt Nam đa dạng hóa được thị trường XK, tránh phụ thuộc quá nhiều vào một số ít thị trường nhất định, từ đó nâng cao tính độc lập, tự chủ của nền kinh tế trong bối cảnh tình hình kinh tế thế giới đang có nhiều thay đổi theo chiều hướng phức tạp và khó đoán định", Bộ Công Thương đánh giá.
Không chỉ CPTPP, EVFTA, FTA ASEAN – Hong Kong (AHKFTA) cũng được kỳ vọng sẽ giúp cải thiện kim ngạch thương mại Việt Nam – Hong Kong. Cho đến nay, XK nông sản của Việt Nam sang thị trường này chưa cao, chủ yếu là hàng thủy sản và gạo.
Dự kiến việc tăng cường hợp tác trong lĩnh vực vệ sinh kiểm dịch trong khuôn khổ AHKFTA sẽ thúc đẩy hơn nữa XK nông sản từ Việt Nam sang Hong Kong.
Xuất khẩu năm 2019 hướng tới mục tiêu thu về 265 tỷ USD |
Tăng tỷ lệ tận dụng ưu đãi
Bên cạnh đó, chắc chắn hoạt động XK không phải toàn "màu hồng". Bộ Công Thương cho biết, XK năm 2019 tiếp tục đối mặt với một số khó khăn, thách thức như các nước tăng cường áp dụng các tiêu chuẩn về an toàn thực phẩm và về bảo vệ môi trường ngày càng khắt khe như EC siết chặt mức dư lượng thuốc bảo vệ thực vật đối với nông sản nhập khẩu, áp dụng các quy định về đánh bắt thủy sản hợp pháp (IUU) và sử dụng gỗ nguyên liệu hợp pháp (FLEGT); nhiều nước ban hành quy định về truy xuất nguồn gốc…
Dự báo năm 2019, giá XK nông sản khó có khả năng tăng như năm 2017 và có xu hướng ổn định như năm 2018, nên đây không còn là yếu tố thuận lợi tác động đến tăng trưởng XK. Bên cạnh đó, các năng lực sản xuất mới đến từ đầu tư công nghệ chế biến nông sản chưa tạo ra nhiều kỳ vọng tăng trưởng về giá và nâng cao giá trị gia tăng hàng hóa XK.
Chưa kể việc không đảm bảo quy tắc xuất xứ đang là bất lợi đối với DN Việt Nam. Theo số liệu thống kê, tỷ lệ tận dụng C/O ưu đãi để XK hàng hóa của Việt Nam trong các FTA mới đạt trung bình 34%, tương đương 33 tỷ USD.
Khả năng tận dụng ưu đãi của DN mặc dù đã được cải thiện đáng kể trong thời gian qua nhưng vẫn chưa cao (đặc biệt là với các thị trường láng giềng như ASEAN chỉ đạt 20,7% Trung Quốc khoảng 27%). Việc tận dụng ưu đãi của DN có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) tốt hơn so với các DN trong nước, đặc biệt là đối với sản xuất công nghiệp.
Theo ông Nguyễn Văn Tuấn, Chủ tịch Hiệp hội Bông sợi Việt Nam, tuy Việt Nam XK dệt may lớn thứ 5 thế giới nhưng phải thẳng thắn mà nói "lớn nhưng không mạnh", có chuỗi cung ứng nhưng "nút thắt cổ chai" của ngành này là khâu dệt vải.
Ví dụ 1kg nguyên liệu có giá 2 USD, sang đến sợi thành 3 USD, vải 10 USD, đến may 24 USD, tạo mẫu 36 USD, sản phẩm có thương hiệu sẽ là 100 USD.
"Nếu chúng ta không sản xuất được vải – chưa nói tới thiết kế, xây dựng thương hiệu, DN chỉ thực nhận 5-6 USD. Nếu không giải quyết được nút thắt này, các FTA có tốt đến đâu cũng chẳng có ý nghĩa", ông Tuấn đánh giá.
Ông Trần Tuấn Anh, Bộ trưởng Bộ Công Thương, cho rằng để tận dụng lợi ích và lợi thế các FTA mà Việt Nam tham gia, DN cần chủ động nâng cao tính cạnh tranh và năng suất thông qua mở rộng quy mô sản xuất, đầu tư công nghệ nhằm nâng cao chất lượng hàng hóa và giảm giá thành sản phẩm.
Để mở rộng quy mô sản xuất, DN cần huy động sự đầu tư về vốn, nhân lực, công nghệ. Đặc biệt, đầu tư phát triển công nghệ sẽ là một trong những chìa khóa quan trọng giúp DN tăng năng suất và nâng cao khả năng cạnh tranh trên thị trường.
Hiện nay, trình độ công nghệ của các DN XK Việt Nam còn lạc hậu nên phát triển công nghiệp chủ yếu qua con đường chuyển giao công nghệ. DN cần nghiên cứu và xác định được vị trí của mình và đối thủ trong phân khúc cạnh tranh trên thị trường để có hướng phát triển công nghệ phù hợp với khả năng.
Bên cạnh đó, nâng cao chất lượng sản phẩm là một trong các yếu tố quan trọng tạo nên ưu thế cạnh tranh của sản phẩm. Chất lượng sản phẩm cao phải đặt trong mối quan hệ với giá cả, mẫu mã và các dịch vụ liên quan của DN trên thị trường.
Ngoài ra, chất lượng sản phẩm cũng cần gắn kết chặt chẽ với nghiên cứu thị trường và định hướng kinh doanh chiến lược của DN, từ đó xác định thị trường trọng điểm, mục tiêu, quy mô, tốc độ tăng trưởng, kênh phân phối, các vấn đề về luật pháp liên quan… nhằm phát huy tối đa lợi thế và nguồn lực của DN.
Lê Thúy
Ts. Võ Trí Thành - Chuyên gia kinh tế Lẽ ra DN phải nhìn nhận, xây dựng chiến lược từng mặt hàng của mình với mỗi FTA, nhưng thực tế nhiều DN Việt Nam vẫn ít đọc, ít học và ít xây dựng chiến lược. DN Việt theo tư duy cứ làm rồi va vấp, phải trả phí, sau đó mới trưởng thành. Tôi khuyên các DN nên học trước để tránh mất thời gian và chi phí, học để làm ăn bài bản chuyên nghiệp. Ông Lê Tiến Trường - Tổng Giám đốc Tập đoàn Dệt may Việt Nam Chính phủ cần quan tâm phát triển hạ tầng và thu hút đầu tư đối với ngành dệt may theo tinh thần phát triển công nghiệp hỗ trợ, khuyến khích các địa phương thu hút các DN lớn sản xuất nguyên liệu cho ngành dệt may đảm bảo điều kiện xuất xứ đối với sản phẩm. Ông Trần Tuấn Anh - Bộ trưởng Bộ Công Thương Bộ Công Thương sẽ tiếp tục tổ chức hoạt động cấp Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa (C/O) theo hướng đơn giản hóa quy trình, thủ tục cấp C/O; tuyên truyền, phổ biến kiến thức, đào tạo về Quy tắc xuất xứ trong các FTA để giúp các DN nắm bắt kịp thời những quy định mới, tận dụng hiệu quả các cơ hội do các FTA mang lại. Bên cạnh đó, đẩy mạnh hơn nữa các hoạt động xúc tiến XK tại chỗ như hội nghị quốc tế ngành hàng, đón các đoàn nhập khẩu vào Việt Nam mua hàng; tập trung đầu tư về kinh phí, kỹ thuật, nâng cao uy tín, hiệu quả các hội chợ định hướng XK tổ chức tại Việt Nam… |