Trước khả năng dịch COVID-19 có thể bùng phát trở lại, nhiều doanh nghiệp đã kích hoạt lại chế độ làm việc tại nhà, đẩy mạnh phương thức giao dịch với khách hàng thông qua kênh online. Tất nhiên, đây chỉ là một trong rất nhiều cách thức mà DN (doanh nghiệp) thực hiện chuyển đổi số.
Đi sau khu vực
Bà Đỗ Thị Thuý Hương, đại diện Hiệp hội DN Điện tử Việt Nam, cho biết từ đợt dịch COVID-19 vừa qua mới thấy những DN nào thực hiện chuyển đổi số sớm sẽ giúp họ trụ vững, có được đơn hàng nhiều hơn. Điều đó nói lên rằng DN càng thực hiện chuyển đổi sớm thì càng củng cố sức mạnh để vượt qua các cú sốc.
89% DN Việt Nam không thành công trong chuyển đổi số. |
Tuy nhiên, bà Hương cho biết vấn đề mà các DN hiện nay gặp phải là hạ tầng công nghệ số của Việt Nam chưa đồng độ. "Chúng tôi đề nghị Nhà nước tạo hệ sinh thái số đồng bộ để DN tiếp cận dễ dàng, rộng rãi hơn".
"Hiện nay, đa phần DN Việt Nam có quy mô nhỏ và vừa, khả năng tiếp cận thông tin còn hạn chế. Những chính sách hiện nay để số hoá DN thì tìm kiếm rất khó khăn. Chưa kể, chính sách trên văn bản rất hay nhưng thực tế dường như còn chưa đi vào cuộc sống", bà Hương phàn nàn.
Ông Nguyễn Viết Long, chuyên gia tư vấn chuyển đổi số (Cơ quan phát triển quốc tế Hoa Kỳ) tại Việt Nam cho biết, chỉ báo kinh tế số tại Việt Nam cho thấy một số thách thức như tỷ lệ thanh toán điện tử, giao dịch online, an ninh mạng còn thấp so với các nước trong khu vực. Cụ thể, tỷ lệ giao dịch kỹ thuật số (đạt 22%) so với 34% của Indonesia và 62% của Thái Lan. Tỷ lệ thanh toán online khi mua sắm trên internet còn thấp, đạt 10% so với 49% của Indonesia và 52% của Malaysia.
Về tình hình chuyển đổi số của DN Việt Nam, một số nghiên cứu và khảo sát cho thấy thực trạng khiêm tốn trong chuyển đổi số trong DN. Nguyên nhân là vì khả năng tiếp cận các thông tin, tiếp cận nguồn vốn của DN trong chuyển đổi số còn hạn chế....
Theo ông Phạm Hồng Quất, Cục trưởng Cục phát triển thị trường và DN khoa học công nghệ, (Bộ KHCN), cần có chính sách mở đường, thúc đẩy để DN Việt Nam nhanh chóng thực hiện chuyển đổi số, đưa Việt Nam trở thành nền kinh tế số đứng đầu khu vực ASEAN.
Hiện so sánh với Singapore, Thái Lan, Malaysia... thì DN còn khá chậm. 97% DN nhỏ và vừa, số lượng ứng dụng kinh tế số không nhiều. Đặc biệt, DN mới thành lập lại có vẻ ứng dụng giải pháp kinh doanh mới nhanh hơn những DN tồn tại lâu đời.
100% DN sẽ được tiếp cận chuyển đổi số
Ông Quất dẫn bài học từ thương hiệu Nokia lừng lẫy một thời nhưng chậm chuyển đổi nên đã rơi vào khủng hoảng, lép vế cạnh tranh so với những cái tên đi sau. Ông cho rằng lãnh đạo DN Việt Nam cần phải có tư duy dám thay đổi, dám đổi mới mô hình quản trị.
Chuyển đổi số là quá trình lâu dài, vì vậy DN cần làm từng bước một phù hợp với trình độ DN để tối ưu về chi phí. Theo ông Quất, 89% DN không thành công khi thực hiện chuyển đổi số vì vội vàng, áp dụng quá mức cần thiết nhưng bản thân lại không thể hấp thụ được công nghệ mà mình đang dùng. Mặt khác, Nhà nước cần cởi trói để các DN có thể ứng dụng các mô hình phát triển mới.
Thực tiễn phát triển kinh tế số ở một số quốc gia đều cho thấy việc chủ động tiếp cận kinh tế số là một yêu cầu cần thiết. Theo bà Trần Thị Hồng Minh, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương, sức ép từ đại dịch COVID-19 chỉ là một bước đi chiến thuật, chứ không đủ để phát triển hiệu quả kinh tế số. Bên cạnh đó, cần tận dụng cả lực kéo và lực đẩy đủ để phát triển hiệu quả kinh tế số. Lực kéo phải từ nhận thức của người tiêu dùng cá nhân và Chính phủ cùng với hỗ trợ cần thiết. Lực đẩy phải xuất phát từ sự chủ động và tinh thần doanh nhân của chính DN, đặt trong một không gian pháp lý và chính sách đủ mới.
Bà Minh cho rằng về nhận thức đa số DN, cả DN nhỏ và vừa nhận thức được tầm quan trọng của chuyển đổi số. Tuy nhiên, còn khoảng cách lớn từ nhận thức tới hành động. Hiện chưa có nhiều DN mạnh dạn đầu tư cho nghiên cứu triển khai các công nghệ mới - lý do cũng bởi không có nhiều tiềm lực đầu tư, chấp nhận mạo hiểm. Chính ở đây, việc thiếu các cơ chế sandbox (khung thể chế thử nghiệm) có thể là một nguyên nhân quan trọng.
Đặt mục tiêu đến 2025, 100% doanh nghiệp Việt Nam được tiếp cận chuyển đổi số, Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng cho biết sẽ hỗ trợ nâng cao nhận thức, tầm nhìn và chiến lược của DN về chuyển đổi số; số hóa hoạt động kinh doanh; Số hóa quy trình quản trị, quy trình sản xuất, quy trình công nghệ; Chuyển đổi số toàn diện để tạo ra sản phẩm, dịch vụ, mô hình mới cho DN. Đặc biệt, Bộ KH&ĐT sẽ tiếp tục tìm kiếm nhiều nguồn lực để hỗ trợ được tối đa cộng đồng DN trên cả nước.
Lê Thúy